Người nông dân làm giàu từ thất bại

Đức Hùng| 15/07/2015 11:14

Bằng sự cần cù, chịu khó, biết tìm tòi học hỏi, ông Nguyễn Chí Dũng (53 tuổi), trú tại thôn Jang Cách, xã Đắk D'rô (Krông Nô) được xem là “lão nông” biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất để làm giàu, được nhiều người học hỏi.

ADQuảng cáo

Ông Dũng thường xuyên lên mạng internet tìm hiểu các tài liệu kỹ thuật sản xuất

TÌM HƯỚNG ĐI TỪ THẤT BẠI

Vào Krông Nô lập nghiệp năm 1995, với số vốn lận lưng, gia đình ông đầu tư mua đất, cất nhà, tìm hướng làm ăn trên vùng đất mới. Xuất thân từ miền quê trồng lúa nước, vào vùng đất mới chủ yếu trồng cây công nghiệp dài ngày, ông phải tự mày mò, học hỏi những người xung quanh “bài học vỡ lòng” về làm kinh tế.

Khi thấy người dân trên địa bàn ươm giống cà phê, ông cũng học làm theo, đi xin được ai cho giống thì ra vườn hái trái về ươm giống, rồi trồng. Sau thời gian chăm sóc, cây cà phê phát triển tốt, cho trái, nhưng trái ít, dai, nhỏ, khả năng chống chịu bệnh kém. Đầu tư nhiều, thu nhập chẳng được là bao, lúc này ông Dũng mới phát hiện ra mình đã sai lầm ở khâu chọn giống.

Ông Dũng tâm sự: “Đến lúc tôi nhận ra sai lầm thì vườn cà phê đã được đầu tư bao nhiêu năm phá bỏ thì tiếc vì đó là mồ hôi, nước mắt của mình. Vì vậy, tôi mày mò tìm hướng khắc phục bằng cách ghép chồi cải tạo vườn”.

Từ đó, ông dành thời gian lên Viện Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên ở Đắk Lắk để học hỏi kinh nghiệm chọn giống, ghép giống, ghi chép cẩn thận chỉ mong sao học được cách ghép hiệu quả. Học được kỹ thuật ghép chồi, ông lại thấy “lòi cái khó” là trong quá trình cải tạo phải làm sao không làm mất thu nhập hàng năm.

Cuối cùng, ông cũng tìm ra cách ghép theo tán, mỗi cây cà phê thường có ít nhất 2 tán cây, chọn tán nào năng suất thấp nhất cắt đi, nuôi chồi để ghép, tán còn lại vẫn giữ nguyên để thu hoạch mùa sau, sau khi tán ghép cho thu hoạch mới tiến hành ghép tán còn lại.

Ông Dũng nói: “Việc ghép theo tán, không cắt bỏ hoàn toàn cây cà phê có cái hay của nó, không làm cây bị “sốc”, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng”.

Ngoài việc chọn chồi ghép từ những cây mang ưu điểm tốt, sức kháng bệnh cao, ông còn tìm cách ghép giống từ gốc cà phê mít với cà phê vối. Ưu điểm là bộ rễ của cà phê mít khỏe sẽ giúp cho cây chống chịu tốt với khô hạn, sâu bệnh mà năng suất cao. Đây là cách ghép thể hiện rõ “3 giảm” (lượng phân bón, nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật) và “3 tăng” (tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả). Sau 6 năm, ông đã ghép cải tạo được 1.500 cây cà phê, chiếm 2/3 diện tích. Ngoài ra, ông còn trồng xen các giống bơ có năng suất cao do ông tự chọn giống trong vườn cà phê.

ADQuảng cáo

TRỞ THÀNH “VƯỜN MÔ HÌNH”

Từ năm 2014, Trạm khuyến nông, khuyến ngư huyện đã nhiều lần tổ chức cho người dân trong vùng đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm tại vườn cà phê ông Dũng. Và chính ông Dũng là người hướng dẫn cách thực hành các kỹ thuật ghép, cải tạo vườn cà phê ngay tại vườn. Nhiều người dân sau khi học hỏi đã áp dụng thành công tại vườn nhà mình.

Ngoài ra, mỗi khi có người dân đến trao đổi kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây trồng, ông đều dành nhiều thời gian để hướng dẫn về kỹ thuật và kinh nghiệm. Ông còn ghép cây giống để bán cho người dân cải tạo vườn cà phê, mỗi năm khoảng 3.000 cây cà phê và hàng ngàn giống cây bơ, cây tiêu...

Không chỉ nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê, ông Dũng còn sáng tạo ra dụng cụ khoét lõm để chặt trái ca cao vừa nhanh, vừa không vỡ hạt, năng suất tăng gấp 3 - 4 lần dao bình thường. Ông còn tự tìm tòi, sáng tạo thực hiện các khâu kỹ thuật chăm sóc ca cao dưới tán điều, giúp cây phát triển tốt, ít sâu bệnh, chất lượng hạt to, chắc năng suất cao, ổn định từ 2 - 2,5 tấn/ha.

Hiện nay, ông trồng xen 1.000 cây ca cao trong 1,5 ha điều. Về lên men ca cao, ông áp dụng phương pháp ủ bằng các nguyên liệu như vỏ cà phê, rơm, cỏ phủ đống, vừa tiện lợi, tiết kiệm, giúp giữ được hạt ca cao chất lượng cao.

Trong khâu chăm sóc cây trồng, ông mạnh dạn sử dụng các chế phẩm sinh học không độc hại với môi trường, giảm chi phí sản xuất. Hiện gia đình ông đang làm mô hình vườn cà phê sử dụng chế phẩm sinh học và hàng năm đều tổ chức hội thảo tại vườn.

Với 2,5 ha đất canh tác các loại cây như: cà phê, tiêu, ca cao, điều... hàng năm, trừ chi phí, gia đình ông có thu nhập từ 450-500 triệu đồng. Ông Dũng tâm sự: “Nông dân bây giờ phải biết áp dụng các tiến bộ  kỹ thuật thì mới mong làm giàu, giảm được chi phí, rủi ro. Vì vậy, tôi biết được cái gì thì chỉ cho người khác cùng làm để tăng năng suất cây trồng, hiệu quả đầu tư, nâng cao thu nhập”.

CHIA SẺ VỚI NGƯỜI NGHÈO

Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Dũng còn thường xuyên chia sẻ, giúp đỡ những người khó khăn trên địa bàn như hỗ trợ giống cây trồng, cho vay không lấy lãi. Điển hình, ông hỗ trợ thường xuyên cho gia đình anh Hoàng Văn Giới, dân tộc Tày bị gãy xương cột sống không còn khả năng lao động, nhà đông con. Hay gia đình chị Lý Thị Chung, dân tộc Dao có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, được ông Dũng tặng gần 200 m2 đất để làm nhà ở. Qua việc hỗ trợ đất ở của gia đình ông, các cấp chính quyền địa phương đã vận động được 30 triệu đồng để xây dựng nhà cho gia đình chị Chung.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người nông dân làm giàu từ thất bại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO