Krông Nô tận dụng lợi thế để phát triển du lịch homestay

Hưng Nguyên| 01/04/2019 09:17

Huyện Krông Nô đang từng bước biến tiềm năng, lợi thế về du lịch, sản xuất nông nghiệp thành sản phẩm du lịch thông qua Đề án sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch homestay và chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Bản sắc văn hóa truyền thống sẽ là sản phẩm du lịch hấp dẫn khi khai thác loại hình du lịch homestay

Giàu tiềm năng du lịch

Krông Nô được đánh giá là huyện có tài nguyên du lịch lớn nhất tỉnh Đắk Nông. Huyện có nhiều thác, hồ đẹp, như: Thác Đ'ray Sáp, hồ Ea S'nô, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung,... cùng với hệ thống hang động núi lửa đang xây dựng thành Công viên địa chất toàn cầu sẽ là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch. Ngoài ra, huyện còn có các di tích lịch sử như: Di tích N’Trang Gưh, Di tích lịch sử cách mạng căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV,...

Không chỉ dừng lại ở dạng tiềm năng, nhiều danh thắng đã được đầu tư, phát triển thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Đơn cử như, Khu du lịch sinh thái văn hóa cụm thác Đ'ray Sáp – Gia Long do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Liên Thành Đắk Nông quản lý và đầu tư khai thác. Hạ tầng đã được đơn vị đầu tư cơ sở lưu trú, vườn thú với diện tích gần 15.000m2 bao gồm nhiều loại hình hoạt động giải trí. Trung bình mỗi năm, tại khu du lịch thác Đ'ray Sáp đón khoảng 110.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Krông Nô còn có 3 dự án du lịch được tỉnh đưa vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư phát triển giai đoạn 2016 – 2020, gồm: Điểm du lịch sinh thái hồ Ea S'nô; điểm du lịch thác Len Gun, khu du lịch sinh thái hồ thủy điện Buôn Tua Srah. Đặc biệt, hệ thống hang động núi lửa có chiều dài khoảng 25 km với hàng chục hang động lớn nhỏ khác nhau, là nơi phát hiện nhiều di vật khảo cổ hiện đang được tỉnh lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.

Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung với diện tích hơn 12 nghìn ha, phần lớn diện tích là rừng nguyên sinh. Đỉnh núi Nâm Nung có độ cao 1.500m được xem là “nóc nhà” của Đắk Nông. Nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung còn có di tích lịch sử cấp quốc gia Di tích lịch sử cách mạng căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV. Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung là một quần thể giàu tiềm năng kinh tế du lịch với rừng tự nhiên, danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử.

Hang động núi lửa ở Krông Nô - điểm đến hấp dẫn du khách trong tương lai

Cùng với đó, hơn 20 dân tộc sinh sống trên địa bàn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống, nhiều bon, buôn truyền thống mang đậm nét văn hóa, tập tục truyền thống, đặc sắc về lễ hội, sinh hoạt cộng đồng. Đơn cử như Sử thi M’nông (Ót N’drong) của người M’nông thuộc loại sử thi cổ sơ, là di sản vô giá, có giá trị văn hóa, tư tưởng to lớn, được đồng bào sáng tạo từ bao đời nay và là kho tàng văn hóa dân gian truyền miệng độc đáo. Ngoài ra, bon Ja Rah, bon Yor Yu (xã Nâm Nung) có đội nghệ nhân gồm 12 người đánh cồng chiêng và hát sử thi, 9 nghệ nhân dệt thổ cẩm, hơn 150 người đã tham gia các lớp dệt thổ cẩm và đan lát do tỉnh và huyện tổ chức. Thôn Nam Tân (xã Nam Đà), thôn Nam Cao (xã Đắk Sôr) cũng có các đặc trưng văn hóa của dân tộc Tày, Nùng, các lễ hội hát then, ném còn, đàn tính,… Đây là những tiềm năng để phát triển du lịch homestay, làm điểm đến, điểm dừng chân cho du khách tìm hiểu, trải nghiệm, làm giàu thêm sự hiểu biết văn hóa của đồng bào Tây Nguyên.

Sản phẩm nông nghiệp đặc trưng và cơ hội cho du lịch homestay

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp của huyện Krông Nô đang phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Huyện đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất cây hàng năm, cây ăn trái, cây công nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ sinh thái,… Hoạt động liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ngày càng được địa phương chú trọng.

Sản xuất nông nghiệp của huyện Krông Nô đang tạo ra những sản phẩm đặc trưng

Dù là vùng đất nhiều tiềm năng nhưng hiện nay sản phẩm du lịch của huyện còn đơn điệu, nghèo nàn, chưa hấp dẫn và chưa mang tính đặc thù, chưa có sự gắn kết với các ngành khác, đặc biệt chưa gắn với ngành nông nghiệp của địa phương. Hoạt động du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, đưa du khách cùng trải nghiệm với các hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương chưa được chú trọng, hiệu quả khai thác còn rất thấp, chưa có sự liên kết phát triển.

Nguyên nhân chủ yếu là do người dân địa phương còn lúng túng, doanh nghiệp du lịch, lữ hành chưa mạnh dạn đầu tư, hướng phát triển loại hình du lịch homestay chưa hình thành rõ nét. Trước thực tế đó, huyện Krông Nô đã xây dựng Đề án sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch homestay, gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn huyện Krông Nô để phát huy tiềm năng lợi thế, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị và thương hiệu nông sản, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Krông Nô, để phát huy tốt các tiềm năng du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, huyện đang tăng cường sự phối hợp liên ngành nông nghiệp và du lịch, cùng bắt tay triển khai xây dựng chương trình chung về phát triển du lịch với xây dựng nông thôn mới, xây dựng bản đồ du lịch nông nghiệp. Ngoài ra, huyện cũng đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư để thu hút doanh nghiệp, công ty lữ hành vào hợp tác đầu tư; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch và môi trường sinh thái phát triển bền vững…

Huyện đã triển khai một số mô hình, chương trình liên kết theo chuỗi giá trị như: Mô hình liên kết chuỗi giá trị sản xuất cây đinh lăng, liên kết sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Buôn Choáh, liên kết sản xuất ngô giống F1 tại xã Đức Xuyên; sản xuất quýt tại xã Nâm N’đir, xã Đức Xuyên; sản xuất nấm linh chi tại Nam Đà, Nam Xuân; bảo tồn và phát triển cây sâm cau; nuôi cá lồng trên sông tại xã Nam Đà, Buôn Choáh… Đây là các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp để phát triển du lịch homestay canh nông, sinh thái nông nghiệp công nghệ cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Krông Nô tận dụng lợi thế để phát triển du lịch homestay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO