Hiệu quả từ cải tạo đàn bò ở Krông Nô

Đức Hùng| 29/12/2016 11:22

80% tổng đàn bò của huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) được lai cải tạo, người nông dân đã chăn nuôi bò một cách bài bản hơn, chuyển từ thả rông sang nuôi nhốt, chủ động nguồn thức ăn, phòng bệnh, vệ sinh môi trường..., đây là những kết quả bước đầu từ dự án cải tạo đàn bò của địa phương mang lại.

Năm 2010, gia đình ông Đặng Văn Hồng, ở buôn 9, xã Đắk D'rô (Krông Nô) đầu tư 43 triệu đồng mua một con bò đực, 2 con bò tơ, 1 con bò mẹ, xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò. Bước đầu chăn nuôi, ông không có nhiều kinh nghiệm trong việc lựa giống nên ngoài bò mẹ nhỏ, bò con sinh ra cũng không cải thiện được “vóc dáng” là bao. Nuôi được một thời gian, ông quyết định bán cả đàn và đầu tư lại để lựa chọn được những con bò giống chất lượng.

Đàn bò của gia đình ông Đặng Văn Hồng, ở buôn 9, xã Đắk D'rô (Krông Nô)

Đến nay sau thời gian gây dựng, gia đình ông đã có đàn bò 22 con, trong đó có 11 con bò sinh sản. Bò con được ông chăm sóc, bán đi khi bò mẹ sinh lứa tiếp theo. Từ những ngày đầu tiên nuôi bò theo hình thức chăn thả, qua thời gian chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương, ông đã thay đổi cách chăn nuôi và chủ động nguồn thức ăn để có thể chăm sóc bò tốt nhất.

Gia đình ông dành 6 sào đất ruộng và tận dụng diện tích đất trống tại các bờ ao, ruộng để trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Mỗi tháng 22 con bò, tạo ra một lượng phân đáng kể, thay vì bán, ông để cho các con bón cho cà phê, hồ tiêu giúp giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất, cải tạo đất. Kinh nghiệm chăn nuôi của ông Hồng là thường xuyên cho bò uống nước muối vào những trưa nắng nóng và kết hợp nhiều loại thức ăn như cám, cỏ, chuối.

Còn anh Nguyễn Văn Nam, ở thôn 3, xã Đắk D'rô, hiện đang nuôi đàn bò 28 con theo hình thức nuôi nhốt. Anh Nam xây dựng chuồng và sử dụng nệm lót sinh học để hạn chế mùi hôi từ phân bò, giúp đàn bò sống trong môi trường sạch, khô ráo. Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò, anh Nam mua 1 ha đất để trồng cỏ. Bên cạnh đó, anh  đang hướng đến tận dụng nguồn thức ăn từ phế phẩm nông nghiệp kết hợp ủ với men vi sinh làm thức ăn cung cấp các chất cho bò.

Những năm gần đây trên địa bàn huyện Krông Nô đã có nhiều gia trại với quy mô đàn bò từ 15 – 50 con, nông dân đầu tư trồng cỏ để chủ động và bảo đảm nguồn thức ăn cho bò. Thực hiện chương trình cải tạo đàn bò trên địa bàn, huyện có 75 con bò đực được mua từ nguồn kinh phí cải tạo đàn bò của tỉnh và huyện, giao cho các nhóm hộ gia đình để thực hiện việc lai tạo đàn bò. Đến nay, toàn huyện đã phối được khoảng 2.750 con bò cái và đẻ được 1.400 con bê. Chương trình cải tạo đàn bò trên địa bàn đã tổ chức đưa cán bộ đi tập huấn và bồi dưỡng tay nghề tại Khoa Chăn nuôi, Trường Đại học Tây Nguyên. Hiện nay, huyện đang tiến hành tuyển bò cái để phối tinh nhân tạo, nhập tinh, nhập hoóc môn để triển khai thụ tinh nhân tạo…

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Krông Nô thì đàn bò máu lai trên địa bàn huyện hiện nay đạt khoảng 80% trong tổng số 6.700 con. Người dân từ nuôi bò thả rông đang chuyển sang hình thức nuôi nhốt, tận dụng các chế phẩm sinh học để ủ thức ăn, bảo đảm vệ sinh môi trường, tận dụng phân để bón cho các loại cây trồng…

Để phát triển chăn nuôi theo hướng thâm canh và mở rộng quy mô, các cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo nhân dân chủ động mở rộng diện tích trồng cỏ, quy trình dự trữ thức ăn và xây dựng mô hình ủ chua thức ăn cho bò từ rơm rạ và cây bắp. Hiện nay, diện tích trồng cỏ trên địa bàn đã có 150 ha tập trung tại các xã Quảng Phú, Đắk D'rô, Nâm N’đir, Nâm Nung, Đắk Sôr, Buôn Choáh.

Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Krông Nô cho biết: “Thời gian qua, thấy được hiệu quả của con giống ảnh hưởng đến đàn gia súc, người dân đã chủ động cải tạo đàn bò, chuyển đổi cách chăn nuôi bò từ thả rông sang nuôi nhốt để phù hợp với xu hướng phát triển các loại cây trồng. Việc nuôi nhốt đòi hỏi người chăn nuôi phải cung cấp đủ lượng chất trong thức ăn để vật nuôi phát triển tốt, đó là những vấn đề đặt ra khi nuôi nhốt. Tuy nhiên nông dân đã chủ động và đến nay nhiều mô hình nuôi nhốt bò đã và đang phát huy hiệu quả kinh tế tại địa phương”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ cải tạo đàn bò ở Krông Nô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO