Chương trình ICM: Giúp nông dân nâng cao năng suất lúa

Kim Ngân| 16/01/2014 10:04

Trong những năm qua, các cấp ngành chuyên môn đã đưa chương trình tập huấn “3 giảm, 3 tăng” (ICM) (3 giảm: Giảm phân, giảm giống, giảm thuốc trừ sâu; 3 tăng: Tăng năng suất, tăng thu nhập, tăng chất lượng sản phẩm) trên cây lúa nước đến với nông dân huyện Krông Nô, giúp bà con nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Trong những ngày này, các trà lúa đông xuân của bà con trong huyện đang ở giai đoạn bén rễ, phát triển lá non. Ông Nguyễn Văn Lượng ở thôn Xuyên Phước, xã Đức Xuyên cho biết: “Trước đây, trồng lúa theo cách truyền thống chỉ bón phân, làm cỏ hai, ba đợt là xong. Nhưng bây giờ thì khác rồi, đa số bà con trong xã đều áp dụng biện pháp “3 giảm, 3 tăng” nên hiệu quả từ trồng lúa mang lại cao hơn rất nhiều”.

Thông qua các cuộc hội thảo đầu bờ đã giúp nông dân trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất

Theo ông Phước thì điểm nổi bật và quan trọng nhất của biện pháp ICM là giảm giống. Vì giảm được lượng giống gieo sạ không chỉ tiết kiệm chi phí cho nông dân mà còn giúp cho cây lúa đẻ nhánh khỏe và bà con thuận lợi hơn trong quá trình quản lý dịch hại. Nếu như gieo cấy theo phương pháp cũ thì mỗi sào gieo sạ từ 20 - 25 kg giống, do vậy mật độ cây lúa quá dày, chế độ dinh dưỡng đòi hỏi cao hơn, sâu bệnh cũng có điều kiện trú ẩn, phát triển nên chi phí sản xuất nhiều.

Còn khi áp dụng chương trình ICM, lượng giống giảm xuống chỉ còn 10 – 13 kg/sào, đồng thời giúp người trồng lúa chủ động giảm chi phí đầu tư, chăm sóc dễ dàng hơn.  Theo bà con nông dân thì áp dụng phương pháp “3 giảm, 3 tăng” ngoài một số kỹ thuật như xử lý đất, điều chỉnh lượng giống, bón phân… nông dân còn phải thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện sâu bệnh, bổ sung phân bón kịp thời cho lúa phát triển.

Theo ông Trần Văn Tiến ở thôn Nam Trung, xã Nam Đà thì việc bón phân để cây lúa đẻ nhánh, trước đây bà con chỉ được biết là bón vào giai đoạn đẻ nhánh chứ không có khoảng thời gian cụ thể, còn nếu có thì bón vào giai đoạn 25-30 ngày sau sạ, nhưng sau khi được tập huấn, nông dân được hướng dẫn bón sớm vào giai đoạn 18-22 ngày sau sạ để cây lúa đẻ nhánh tập trung, nhánh khỏe, số nhánh hữu hiệu cao.

Khi so sánh hai cách bón thì thấy sự khác biệt rõ rệt, bên bón phân sớm thì cây lúa đẻ nhánh khỏe, tập trung, số nhánh hữu hiệu cao. Còn bên bón phân muộn bụi lúa có nhiều nhánh nhỏ và kéo dài thời gian đẻ nhánh, số nhánh hữu hiệu ít trong thời gian phân hóa đòng. Qua đó, nông dân có thêm kinh nghiệm thực tiễn để chăm sóc lúa tốt hơn.

Tương tự, trong cách phòng chống dịch hại theo biện pháp ICM cũng giúp bà con nhận biết được nhiều kiến thức hơn về từng loại sâu bệnh. Ông Trần Văn Tiến cho biết: “Tôi nghe khá nhiều về bệnh đạo ôn và cũng nhiều lần quan sát trên đồng ruộng của gia đình nhưng khi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tận tay, nhìn tận mắt thì tôi mới nhận biết rõ về loại bệnh này. Nếu không được hướng dẫn trực tiếp thì tôi cứ cho đó là bệnh vàng lùn hoặc nhầm lẫn giữa bệnh đốm nâu với bệnh đạo ôn”.

Theo đó, để giúp bà con sản xuất hiệu quả hơn, ngoài những buổi truyền đạt các biện pháp chăm sóc cây lúa tại buổi tập huấn, các cán bộ kỹ thuật phối hợp cùng UBND xã, hội nông dân, khuyến nông viên các xã trực tiếp thăm đồng và hướng dẫn cách phòng trừ các loại dịch hại theo từng giai đoạn của cây lúa và gửi cho UBND các xã đọc trên loa phát thanh để bà con nông dân cùng theo dõi và chăm sóc cây lúa cho hiệu quả hơn.

Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện thì việc triển khai các cánh đồng “3 giảm, 3 tăng” không những giúp nông dân tiết kiệm được chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, mà còn tạo điều kiện để bà con trao đổi, học tập kinh nghiệm thông qua các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc áp dụng biện pháp “3 giảm, 3 tăng” trên địa bàn huyện vẫn còn những hạn chế nhất định. Cụ thể là bà con cần phải thống nhất các chuẩn giống chất lượng, các loại thuốc bảo vệ thực vật cho phép sử dụng trong danh bạ của Bộ Nông nghiệp - PTNT và gieo sạ tập trung theo lịch thời vụ để nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế sâu bệnh và tránh ngập lụt, hạn hán…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình ICM: Giúp nông dân nâng cao năng suất lúa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO