Đồng hành cùng người dân để phát triển hồ tiêu bền vững

Phan Tuấn thực hiện| 21/06/2021 09:55

Đắk Song đã trở thành vùng sản xuất hồ tiêu trọng điểm của tỉnh Đắk Nông. Ngành hồ tiêu của huyện ngày càng phát triển ổn định, bền vững, sản phẩm đạt chất lượng cao. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phò, Chủ tịch UBND huyện Đắk Song về tình hình phát triển hồ tiêu trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Phò tham quan mô hình phát triển cây hồ tiêu trên địa bàn huyện Đắk Song

PV: Thưa ông, trong những năm qua, tình hình phát triển ngành hồ tiêu trên địa bàn huyện diễn ra như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Phò: Huyện Đắk Song có khoảng 48.500 ha đất sản xuất nông nghiệp. Đất đai của địa phương khá màu mỡ, khí hậu tương đối thuận lợi. Đây là điều kiện tốt để phát triển ngành nông nghiệp, nhất là hồ tiêu.

Những năm qua, Đắk Song luôn giữ vững vị thế số một của tỉnh về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Năm 2011, toàn huyện Đắk Song có 1.827 ha hồ tiêu, đến nay đã tăng lên hơn 14.000 ha, với sản lượng 31.000  tấn/năm.

Việc sản xuất hồ tiêu đã được người dân chú trọng về chất lượng, tăng cường liên doanh, liên kết để nâng cao giá trị sản phẩm. Người dân mạnh dạn đầu tư khoa học, kỹ thuật hiện đại để sản xuất hồ tiêu bền vững.

PV: Để bảo đảm cho ngành hồ tiêu phát triển ổn định, bền vững, huyện đã có những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Phò: Những năm qua, huyện đã tăng cường tổ chức tập huấn, tham quan, học hỏi, chuyển giao kỹ thuật sản xuất hồ tiêu cho người dân. Đáng chú ý, năm 2018, huyện đã tổ chức đi học tập kinh nghiệm về sản xuất hồ tiêu sạch theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp ở Đồng Nai, Bình Phước.

Việc tổ chức đi học tập này đã tạo điều kiện cho 28 nông dân 2 xã Nâm N’Jang và Thuận Hạnh nắm bắt được các tiêu chí mà các doanh nghiệp có nhu cầu thu mua hồ tiêu theo tiêu chuẩn sạch, hữu cơ với số lượng lớn.

Huyện đã phối hợp Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông, các doanh nghiệp lớn về sản xuất phân bón, xuất khẩu hồ tiêu để giúp nông dân hiểu rõ về việc sử dụng các loại vật tư đầu vào, cung ứng sản phẩm đầu ra…

Trên địa bàn huyện đã hình thành các hợp tác xã phát triển sản xuất hồ tiêu VietGAP, với diện tích 138 ha. Từ năm 2017 đến nay, huyện đã chi hơn 1,3 tỷ đồng để xây dựng 12 mô hình trình diễn hồ tiêu sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất. Những mô hình này đã trở thành "địa chỉ" tin cậy cho người dân trồng hồ tiêu tham quan, học tập.

Năm 2015, huyện Đắk Song đã tổ chức thành công Đại hội Hội hồ tiêu Đắk Song lần thứ I. Hội hồ tiêu Đắk Song là nơi để người dân trao đổi kinh nghiệm, phát triển bền vững cây hồ tiêu. Huyện Đắk Song đã xây dựng lôgô hồ tiêu Đắk Song và đang triển khai xây dựng chỉ dẫn địa lý cho loại cây trồng này.

PV: Theo ông, việc phát triển hồ tiêu trên địa bàn đã thực sự bền vững hay chưa và đạt được những dấu ấn gì?

Ông Nguyễn Văn Phò: Sản xuất, chế biến hồ tiêu ở địa phương đã có sự phát triển cả về chất và lượng. Huyện đặt mục tiêu phát triển hồ tiêu phải gắn với bảo vệ môi trường. Hiện nay, phần lớn các vườn hồ tiêu đều được bà con nông dân sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ để chăm sóc.

Từ năm 2016-2020 trên toàn huyện đã hỗ trợ thành lập được 11 Hợp tác xã sản xuất và cung ứng vật tư sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững. Diện tích tiêu hữu cơ của huyện đã đạt 3.800 ha.

Diện tích hồ tiêu có chứng nhận đạt các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế đến nay là 1.513 ha. Trong đó, đạt chứng nhận hữu cơ là 171 ha; VietGAP 138 ha; Rainforest alliance 1204 ha.

Huyện đã được UBND tỉnh quy hoạch 2 vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao tại Thuận Hà (416,4 ha) và Thuận Hạnh (1.133 ha).

Những năm gần đây, cho dù tình hình giá cả không thuận lợi, nhưng nhìn chung những mô hình sản xuất hồ tiêu bền vững trên địa bàn huyện vẫn ổn định, bảo đảm cuộc sống cho nhiều người dân.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng hành cùng người dân để phát triển hồ tiêu bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO