Đắk Song đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp

Văn Tâm| 11/05/2022 08:42

Những năm qua, huyện Đắk Song đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế tích cực.

Năm 2021, diện tích đất nông nghiệp của huyện Đắk Song đạt 55.036 ha. Trong đó, diện tích cây dài ngày của huyện là 42.107 ha, cây hàng năm 12.929 ha.

Đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện cũng phát triển tương đối ổn định. Người dân Đắk Song đã mạnh dạn liên kết sản xuất, phát triển chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại.

Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng NN – PTNT huyện Đắk Song, việc ứng dụng thành công công nghệ mới, khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, huyện đã sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có ưu thế lai, cho năng suất và chất lượng cao, kháng bệnh hiệu quả. Việc ứng dụng chế phẩm vi sinh trong sản xuất nông nghiệp… được nông dân áp dụng rộng rãi.

Nông dân ở một số địa bàn như Đắk Môl, Đức Hòa, Trường Xuân, Thuận Hạnh… đã lựa chọn, bổ sung giống mới vào cơ cấu cây lúa, ngô, rau màu, gia súc, gia cầm, giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Cùng với các thành tựu về giống, thời gian qua, người dân trên địa bàn đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cũng như quy trình thâm canh cây trồng.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất quy mô hàng hóa, với nhiều sản phẩm có ưu thế như: cà phê, hồ tiêu, khoai lang, rau xanh... Các sản phẩm từ những vùng sản xuất này được thị trường ưa chuộng.

Trong đó, nhờ áp dụng khoa học, công nghệ, nên một số sản phẩm được sản xuất với quy mô lớn, tập trung theo hướng công nghiệp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nông dân huyện Đắk Song ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng tiêu hữu cơ. Ảnh: A Trư

Cũng theo ông Vinh, để đẩy mạnh chuyển giao khoa học, kỹ thuật đến với nông dân, hàng năm, huyện đã xây dựng các mô hình trình diễn cây trồng, vật nuôi, sử dụng các giống cây, con mới vào sản xuất.

Trong đó, nhiều mô hình phát huy hiệu quả cao như: cải tạo vườn tiêu nhiễm bệnh; thâm canh cà phê theo hướng bền vững; trồng rau thủy canh; trồng rau VietGAP, hữu cơ; trồng tiêu hữu cơ; trồng hoa cúc…

Đến nay, toàn huyện đã có 309 ha hồ tiêu của người dân đạt các tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP; 1.204 ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn Rain forrest. Huyện cũng đã xây dựng chứng nhận VietGAP cho 8 ha rau, 40 ha sầu riêng, 25 ha bơ…

Ngoài ra, trên địa bàn có nhiều tổ chức, trang trại, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh thú y.

Toàn huyện có 41 trại chăn nuôi có qui mô 500 - 1.000 con. Trong đó, có 7 trại tư nhân, 24 trại chăn nuôi liên kết với các đơn vị như Công ty CP, JapFa... Các trại chăn nuôi đều đang mang lại hiệu quả tích cực.

Theo lãnh đạo UBND huyện Đắk Song, việc triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Đề án Phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn ngày càng đạt hiệu quả cao.

Huyện xây dựng thành công 2 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đó là Vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ xã Thuận Hà, với diện tích 416,4 ha; Vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ xã Thuận Hạnh, diện tích 1.133 ha.

Hiện nay, huyện đang tiến hành rà soát, đánh giá vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây cà phê tại xã Nam Bình, với quy mô khoảng 400 ha. Huyện cũng đang hình thành một số vùng sản xuất rau công nghệ cao, quy mô hàng hóa.

Trên địa bàn huyện đã có 8 sản phẩm được công nhận đạt OCOP hạng từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm OCOP và các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đang là tiền đề để huyện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Song đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO