Kết quả tích cực từ phát triển nông nghiệp bền vững

Hồng Thoan| 21/12/2017 09:45

Theo UBND huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông), trong điều kiện thời tiết không mấy thuận lợi, giá cả một số nông sản chủ lực xuống thấp nhưng “bức tranh” ngành nông nghiệp trong năm 2017 của địa phương vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan. Đây chính là kết quả bước đầu trong công tác tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật đối với các cây, con chủ lực theo hướng hàng hóa, an toàn gắn với nhu cầu thị trường.

Toàn huyện hiện có  gần 1.700 ha hồ tiêu kinh doanh, với mức sản lượng trên 6.200 tấn

Trước hết, đối với lĩnh vực trồng trọt, toàn huyện hiện đã xuống giống được trên 36.700 ha cây trồng các loại, đạt 100,9% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, mỗi mùa vụ, nhiều giống lúa, ngô, đậu đỗ có năng suất, chất lượng tốt được địa phương đưa vào sản xuất đại trà. Các giải pháp về canh tác bằng việc giảm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được nhân dân ứng dụng hiệu quả.

Để chuyển giao khoa học kỹ thuật, trong năm 2017, ngành chức năng trên địa bàn đã tổ chức được 67 lớp tập huấn về kỹ thuật xuống giống, chăm sóc, phòng bệnh các giống cây trồng ngắn ngày cho hàng trăm lượt người dân, góp phần nâng cao năng suất cây trồng.

Cùng với cây ngắn ngày, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác cây dài ngày cũng đã tạo bước phát triển mới theo hướng bền vững hơn. Đối với cây trồng chủ lực là cà phê, địa phương đẩy mạnh quá trình canh tác cà phê đạt các tiêu chuẩn quốc tế có sự liên doanh, liên kết với doanh nghiệp.

Theo đó, các xã vận động, hướng dẫn nhân dân thành lập các tổ, nhóm cùng sở thích về sản xuất cà phê để ứng dụng quy trình sản xuất tiên tiến. Đến nay, địa phương có hàng ngàn ha cà phê sản xuất đạt chuẩn về 4C, UTZ trên tổng số hơn 14.400 ha cà phê kinh doanh, tập trung nhiều ở các xã như Nhân Cơ, Đắk Wer... Những diện tích còn lại người dân cũng tăng cường ứng dụng kỹ thuật mới về chăm sóc, phòng bệnh đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo UBND xã Đắk Wer, toàn xã hiện có trên 1.000 ha cà phê được sản xuất theo các tiêu chuẩn 4C, UTZ do các doanh nghiệp như Nestle, Toàn Hằng liên kết với nông dân sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Cụ thể, bà con đã ứng dụng rộng rãi hơn các hình thức về canh tác an toàn với môi trường, giảm lượng phân bón hóa học, tăng cường bón phân hữu cơ, vi sinh để cải tạo độ tơi xốp đất. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cân đối, hợp lý, quy trình thu hái, bảo quản được chú trọng nhiều hơn nên tăng năng suất, chất lượng cà phê nhân.

Hồ tiêu cũng là cây trồng chủ lực được địa phương chú trọng phát triển sản xuất bền vững. Theo đó, phương thức sản xuất hữu cơ, an toàn đang dần trở thành phong trào rộng khắp ở các địa phương. Cụ thể như ở Nhân Cơ, toàn xã hiện đã có khoảng 50 ha hồ tiêu của các hợp tác xã sản xuất có sự hợp tác với một số doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Cụ thể như gia đình ông Phạm Ngọc, ở thôn 5, xã Nhân Cơ hiện có 4 ha hồ tiêu sản xuất theo hướng hữu cơ. Theo ông Ngọc thì sản xuất hữu cơ thật ra không dễ đối với nông dân. Nó yêu cầu phải có kỹ thuật tổng hợp về canh tác gồm chăm sóc, phân bón, phòng chống sâu bệnh để hồ tiêu phát triển bình thường. Trong đó, các yêu cầu chủ yếu đối với nông hộ là không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế sử dụng phân hóa học mà nghiêng về các loại phân vô cơ, sinh học, tạo môi trường sinh thái cân bằng, ổn định, bảo vệ môi trường xung quanh.

Ông Phạm Ngọc, thôn 5, xã Nhân Cơ sử dụng phân ủ hoai mục bón cho hồ  tiêu mới trồng

Để làm được điều này, gia đình ông thường sử dụng phân bò, vỏ cà phê kết hợp với một số chế phẩm vi sinh ủ hoai mục rồi bón cho cây. Vườn có cây che bóng, tiêu leo trụ sống nên giảm khả năng bị khô hạn, bảo đảm thoát nước vào mùa mưa nên ít khi phát sinh dịch bệnh. Đối với một số cây bị bệnh, khi không thể cứu chữa thì nhanh chóng nhổ bỏ, đưa ra khỏi vườn đào hố tiêu hủy, đồng thời thực hiện một số biện pháp dự phòng cho những cây xung quanh như rải vôi, theo dõi nhằm tránh lây lan ra diện rộng.

Ông Ngọc cho biết: “Cùng với canh tác thì sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế về hồ tiêu hữu cơ cũng đòi hỏi phải có quá trình thu hái, phơi sấy, bảo quản đúng cách. Tôi chỉ thu hái khi lượng quả chín đạt trên 50%; bao bì, bạt, sân phơi sạch sẽ, độ đạt chuẩn thành phẩm từ 13 - 15. Hiện nay toàn bộ sản phẩm của gia đình đều được một doanh nghiệp ở Bắc Ninh thu mua rồi xuất khẩu ra thị trường châu Âu, Mỹ với giá bán luôn cao hơn thị trường khoảng 40.000 đồng/kg”.

Bên cạnh lĩnh vực trồng trọt, năm 2017, giá cả sản phẩm từ gia súc, gia cầm giảm nhưng với việc đẩy mạnh tuyên truyền vận động, tổng đàn vật nuôi của huyện vẫn ở mức ổn định. Cụ thể, tổng đàn gia súc trên địa bàn hiện nay 24.900 con, gia cầm trên 218.300 con.

Để giảm thiểu rủi ro, tạo an tâm cho người dân sản xuất, huyện đã tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Từ đầu năm 2017 đến nay, huyện đã triển khai tiêm được trên 5.600 liều vắc xin các loại cho gia cầm, vật nuôi, tiêu độc khử trùng 140 lượt tại các khu vực ổ dịch cũ, vùng gần đường giao thông. Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ được thực hiện nghiêm túc nên không phát sinh dịch bệnh cho vật nuôi.

Tổng đàn gia súc của huyện hiện đạt mức trên 24.900 con

Ông Lê Văn Thị, Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Một bằng chứng khác chứng minh sự phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương ngày càng có quy mô lớn, liên kết nhiều hơn đó là việc toàn huyện đã thành lập mới 4 hợp tác xã và 6 tổ hợp tác, nâng tổng số hợp tác xã lên con số 17 và 10 tổ hợp tác. Từ đó, giá trị sản xuất lĩnh vực nông, lâm nghiệp đạt mức 1.368 tỷ đồng, bằng 100% so với kế hoạch đề ra, chiếm 34,8% trong tỷ trọng nền kinh tế huyện, góp phần lớn vào việc bảo đảm tăng trưởng kinh tế chung, nâng cao thu nhập bình quân đầu người, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết quả tích cực từ phát triển nông nghiệp bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO