Đầu tư nâng tầm sản phẩm OCOP Đắk R’lấp

Đức Hùng| 08/12/2022 08:18

Các HTX, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện Đắk R’lấp đang nỗ lực đầu tư nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm OCOP. Đến nay, huyện Đắk R’lấp đã có 7 sản phẩm đạt OCOP tập trung vào các nông sản chủ lực của huyện.

Huyện Đắk R’lấp có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Trong đó, cà phê, điều, sầu riêng, cây ăn quả là những nông sản chủ lực của địa phương.

Với mục tiêu xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, thời gian qua, huyện đã tuyên truyền, vận động các HTX, hộ dân sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng cao.

Trong đó, huyện khuyến khích khai thác, đầu tư, nâng cao chất lượng, giá trị các loại nông sản đặc trưng, chủ lực của địa phương. Huyện hỗ trợ các chủ thể xây dựng logo, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm.

Đối với các sản phẩm có giá trị cao, huyện tạo điều kiện để các chủ thể tham gia các phiên chợ nông sản, các chương trình xúc tiến thương mại để trưng bày, quảng bá đến người tiêu dùng.

Năm 2022, huyện Đắk R’lấp có 5 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP hạng 3 sao gồm: cà phê bột của HTX Công Bằng Đắk Kar; sầu riêng tươi của HTX NN TMDV Trường Thịnh; cà phê bột của Công ty Cà phê 4 Hiệp; nấm linh chi đỏ khô của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Toàn; cà phê bột của HTX Hoàn Phương.

Sản phẩm cà phê bột của HTX Công Bằng Đắk Kar đạt OCOP hạng 3 sao

Ông Trần Văn Phú, Giám đốc HTX Công Bằng Đắk Kar, xã Đắk Ru (Đắk R'lấp) cho biết, đây là lần đầu tiên HTX tham gia Chương trình OCOP. Qua đánh giá, phân hạng, HTX có sản phẩm cà phê bột đạt 3 sao. Đây là động lực để HTX đầu tư phát triển sản xuất và mở rộng thị trường.

HTX hiện có vùng nguyên liệu cà phê hơn 100 ha, sản lượng khoảng 300 tấn cà phê nhân mỗi năm. Cà phê được HTX áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn 4C. Sau khi hình thành vùng nguyên liệu, HTX đã tiên phong trong việc nâng cao chất lượng cà phê bằng thu hái chín, sơ chế, phơi trên giàn lưới và trong nhà kính.

Khi có sản phẩm cà phê nhân chất lượng, HTX đã đầu tư máy rang xay và tạo ra sản phẩm cà phê bột. HTX đã đầu tư thiết kế bao bì, logo, truy xuất nguồn gốc… để xúc tiến thương mại và kết nối tiêu thụ.

Ông Nguyễn Thành Nên, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk R’lấp cho biết, với sự nỗ lực, quyết tâm và chủ động của các chủ thể, Chương trình OCOP của huyện Đắk R’lấp đang ngày càng phát triển.

OCOP đang góp phần xây dựng thương hiệu, nâng tầm nông sản, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Chương trình OCOP đã tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn, tăng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường.

Các chủ thể OCOP đã chú trọng đầu tư, chế biến sâu sản phẩm. Họ chú trọng áp dụng các quy trình hữu cơ, sinh học trong quá trình sản xuất để nâng cao chất lượng nguyên liệu, tạo ra sản phẩm OCOP chất lượng cao hơn.

Cũng theo ông Nên, bên cạnh 7 sản phẩm OCOP hiện có, huyện còn nhiều sản phẩm tiềm năng khác như: yến sào, bưởi, cà phê… Trong thời gian tới, huyện Đắk R’lấp tiếp tục đồng hành với các sản phẩm đã đạt OCOP.

Trong đó, huyện hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể chế biến sâu các sản phẩm này để nâng cao chất lượng. Huyện cũng giúp các chủ thể đổi mới mẫu mã sản phẩm, tham gia kết nối thị trường, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại.

Cùng với đó, huyện đưa một số sản phẩm tiềm năng vào kế hoạch phát triển OCOP. Mục tiêu của huyện từ nay đến năm 2025, mỗi năm sẽ xây dựng thêm từ 4 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao trở lên.

Không chỉ số lượng, huyện chú trọng đến khâu chất lượng đối với các sản phẩm OCOP. Các sản phẩm OCOP của huyện phải trở nên đặc sắc, có giá trị kinh tế cao, có sức cạnh tranh, khẳng định được vị thế trên thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư nâng tầm sản phẩm OCOP Đắk R’lấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO