Công tác chứng thực ở Đắk R'lấp: Tạo thuận lợi cho người dân

Phan Tuấn| 07/07/2014 14:09

Thực hiện Nghị định số 79, ngày 18/5 của Chính phủ “Về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký” (gọi tắt là công tác chứng thực) hoạt động chứng thực trên địa bàn huyện Đắk R’lấp đã có những chuyển biến rõ rệt, đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật và tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện giao dịch công vụ với cơ quan hành chính Nhà nước.

Để Nghị định 79 thực sự phát huy hiệu quả, UBND các cấp trên địa bàn huyện đã triển khai, tuyên truyền nội dung của Nghị định và các văn bản liên dưới nhiều hình thức khác nhau để giúp cán bộ, công chức và người dân trên địa bàn huyện hiểu và biết các quy định.

Người dân đến làm thủ tục tại bộ phận một cửa UBND huyện Đắk R'lấp. Ảnh: S.V

Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả chứng thực đã được thực hiện theo cơ chế “một cửa”; đồng thời công khai, niêm yết mức thu lệ phí chứng thực theo đúng quy định của Nhà nước, góp phần minh bạch hóa việc thu chi tài chính, ngăn chặn được việc lạm thu các khoản ngoài quy định. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả chứng thực đã được các đơn vị thành lập và được bố trí đầy đủ các trang thiết bị như: máy vi tính, máy photocopy, bàn ghế, tủ đựng tài liệu...

Trong quá trình thực hiện, để công tác chứng thực được thực hiện đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền thì cán bộ tư pháp đã tăng cường công tác phối hợp với các bộ phận, phòng ban, các cơ quan... liên quan trong việc cung cấp thông tin phục vụ hoạt động chứng thực tại bộ phận “một cửa”.

Song song đó, đội ngũ cán bộ thực hiện công tác công chứng, chứng thực được từng bước chuẩn hóa về trình độ. Đến nay, trong tổng số 23 cán bộ được phân công làm công tác chứng thực thì đã có 16 người có trình độ chuyên môn đại học luật, 7 người có trình độ trung cấp luật và 12 cán bộ đã được tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ chứng thực.

Vì vậy, các cán bộ tư pháp phụ trách công tác chứng thực đều có chuyên môn, nghiệp vụ, có kinh nghiệm công tác, bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ chứng thực trong tình hình mới. Nhờ đó, sau 8 năm thực hiện Nghị định 79, toàn huyện đã chứng thực 228.823 bản sao từ bản chính, 763 trường hợp chữ ký và 15.912 hợp đồng giao dịch nhưng chưa có trường hợp cán bộ bị khiếu nại, khiếu kiện về những việc làm sai trái quá trình thực hiện.

Theo ông Nguyễn Văn Phước, Phó Phòng Tư pháp huyện Đắk R’lấp thì trong thời gian tới, để công tác chứng thực trên địa bàn huyện ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả thì huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu, quán triệt đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác chứng thực cho tất cả các cán bộ, công chức trên địa bàn được biết và thực hiện đảm bảo theo quy định của pháp luật nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện chứng thực.

Ở cấp xã, lãnh đạo UBND xã, thị trấn cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát công tác chứng thực để đưa ra những cơ chế phù hợp. Cùng với động viên, khuyến khích cán bộ được phân công nhiệm vụ chứng thực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, địa phương sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đối với cán bộ để xảy ra vi phạm trong công tác chứng thực.

Việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác chứng thực sẽ được tiếp tục đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức như: các lớp tập huấn nghiệp vụ; tăng cường hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh yếu kém, tồn tại…

Ngoài ra, ngành tư pháp huyện sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện công tác chứng thực để kịp thời tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác chứng thực ở Đắk R'lấp: Tạo thuận lợi cho người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO