Ðắk Glong nỗ lực phát triển sản phẩm OCOP

Lê Dung| 06/12/2022 08:43

Đắk Glong vừa có 2 sản phẩm đầu tiên đạt chứng nhận OCOP. Đây là sự nỗ lực lớn của địa phương cũng như các chủ thể trong việc xây dựng, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa đặc trưng trên địa bàn.

ADQuảng cáo

Sản phẩm su su tươi của HTX Công nghệ cao Đắk Ha, xã Đắk Ha (Đắk Glong) vừa đạt chứng nhận OCOP hạng 3 sao năm 2022. Đây được xem là bước ngoặt quan trọng đối với HTX trong việc phát triển thị trường cho sản phẩm.

HTX hiện đang trồng khoảng 20 ha su su, với 25 hộ dân tham gia sản xuất. Toàn bộ diện tích su su này được HTX trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP.

Mỗi năm, HTX đang cung ứng ra thị trường với sản lượng khoảng 2.000 tấn su su. Trong năm nay, sản phẩm đã kết nối, cung ứng cho hệ thống SaigonCo.op, với sản lượng 6 tấn/tháng. Phần còn lại đang được HTX cung cấp cho các chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh.

Hiện nay, su su đang được giá, với 6.000 - 7.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với trước đây. HTX đang đẩy mạnh kết nối với hệ thống các siêu thị trong cả nước để sản phẩm có đầu ra ổn định nhất.

HTX Công nghệ cao Đắk Ha đang cung ứng ra thị trường gần 2.000 tấn su su quả tươi mỗi năm

Ông Đặng Ngọc Hương, Giám đốc HTX cho biết, su su là cây dễ trồng được, có thể sản xuất quanh năm. Điều này tạo điều kiện cho bà con xã viên có thêm việc làm, nâng cao thu nhập.

"HTX mong muốn sẽ được Nhà nước hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng về đường, điện tại khu sản xuất để giúp bà con đi lại, vận chuyển nông sản được thuận tiện hơn”, ông Hương bày tỏ.

Giai đoạn 2018 - 2022, huyện Ðắk Glong xây dựng 7 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Ðến nay, huyện đã có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Ðó là sản phẩm su su OCOP hạng 3 sao của HTX Công nghệ cao Ðắk Ha; sản phẩm bơ 034 của HTX Thương mại - dịch vụ Sáng Farm.

Theo ông Bùi Xuân Tịnh, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk Glong, còn nhiều sản phẩm của huyện chưa được công nhận OCOP vì sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng chưa cao.

ADQuảng cáo

Một số sản phẩm chưa hoàn thiện về mẫu mã, bao bì; vùng nguyên liệu chưa bảo đảm; sản lượng cung ứng ra thị trường hạn chế; liên kết tiêu thụ sản phẩm thiếu ổn định; tính cộng đồng chưa cao…

Để hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP, những năm qua, ngành chức năng huyện đã chủ động tham mưu cho UBND huyện triển khai lồng ghép với nhiều chương trình của địa phương, nhất là nguồn vốn từ sự nghiệp nông nghiệp, Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, huyện đã thực hiện được một số hoạt động hỗ trợ cho các chủ thể như: máy sấy cho HTX Dược liệu An Phúc Khang; các chứng nhận 4C, UTZ, VietGAP cho nhiều HTX sản xuất cà phê, hồ tiêu, bơ, rau, củ, quả… với tổng kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng.

Đắk Glong đang có nhiều nông sản thế mạnh được hỗ trợ xây dựng thành sản phẩm OCOP

Thông qua Chương trình OCOP đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển. Chương trình OCOP đã tạo ra phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ.

Nhờ có OCOP, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều mô hình, vùng sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm, thị trường tiêu thụ.

Để các sản phẩm tiềm năng được đánh giá, xếp hạng OCOP, huyện Đắk Glong đang tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cấp và tiêu chuẩn hóa các sản phẩm đã đạt chứng nhận cấp huyện.

Huyện chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị gắn với phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng.

Huyện sẽ lựa chọn những ý tưởng sản phẩm mới gắn với lợi thế, thế mạnh của địa phương trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ chế biến, chế biến sâu.

Các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP tiếp tục được đẩy mạnh ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Huyện xây dựng cơ sở dữ liệu, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng tham gia sàn thương mại điện tử, các hệ thống siêu thị.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðắk Glong nỗ lực phát triển sản phẩm OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO