Vốn ưu đãi "tiếp sức" cho dân nghèo xã Quảng Khê

Nguyễn Lương| 09/12/2019 09:35

Tính đến tháng 11/2019, xã Quảng Khê (Đắk Glong) có gần 3.100 hộ nghèo, gia đình thuộc diện chính sách được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, với tổng dư nợ hơn 90,3 tỷ đồng. Được vay vốn, nhiều hộ gia đình đã đầu tư vào phát triển sản xuất, từng bước xây dựng cuộc sống ổn định.

Với hơn 7 sào trồng giống sâm bố chính, năm 2019, hộ chị Trần Thị Lành, ở thôn 11, xã Quảng Khê, thu  về gần 60 triệu đồng. Nguồn thu nhập này đã giúp chị Lành chủ động trong việc trang trải chi phí sinh hoạt, nuôi con cái học hành và đầu tư thêm vào vườn rẫy. Được biết, cuối năm 2018, gia đình chị Lành được địa phương bình xét và cho vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo. Được sự giúp đỡ của người quen, cũng như nhận thấy giống sâm bố chính đang được thị trường ưa chuộng nên chị đã mua giống về canh tác.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội thăm mô hình trồng sâm bố chính của chị Trần Thị Lành. Ảnh: Nguyễn Lương

Theo chị Lành, so với những cây trồng  khác, giống sâm này thời gian cho thu hoạch ngắn (từ 1-2 vụ/năm), lợi nhuận tương đối cao. Thu nhập tối đa mỗi sào có thể mang về từ 20-30 triệu đồng nếu được trồng đúng mật độ và kỹ thuật.

“Mặc dù đã cho gia đình nguồn thu nhập nhưng chưa đạt cao. Hiện tại, để tăng nguồn thu, gia đình sẽ tích góp vốn để mở rộng thêm diện tích, nâng cao kỹ thuật trồng. Nếu thuận lợi, sang năm tới, thu nhập sẽ được cải thiện đáng kể”, chị Lành cho biết.

Năm 2019, với 7 sào sâm bố chính đã mang về cho gia đình chị Lành nguồn thu nhập khá. Ảnh: Nguyễn Lương

Không chỉ có gia đình chị Lành mà toàn thôn 11, xã Quảng Khê, hiện có 55 hộ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, thông qua 10 chương trình tín dụng chính sách đang triển khai. Tổng dư nợ toàn thôn là 2,5 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Xuân Thường, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thôn 11, để giúp người dân sử dụng vốn hiệu quả, hàng năm, dựa trên nhu cầu vay vốn của các thành viên, Tổ đã tổng hợp, gửi lên địa phương đề xuất Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay. Tùy vào thực tế mô hình trồng trọt, chăn nuôi của từng gia đình, Tổ sát sao để người dân đầu tư vốn đúng mục đích. Trong quá trình vay, đối với những khó khăn, vướng mắc của các hộ, Tổ nắm bắt kịp thời để cùng với chính quyền địa phương tháo gỡ cho bà con. Do vậy, hầu hết các thành viên đều sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ, lãi vay cho ngân hàng đúng thời gian quy định. Bình quân mỗi năm có từ 2-3 hộ thoát nghèo. Nhiều hộ còn trích ra số ít để gửi tiết kiệm hàng tháng, nhằm phòng trừ lúc gặp khó khăn.

Đánh giá về nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đối với địa phương, ông Nguyễn Hữu Kiện, Chủ tịch UBND xã Quảng Khê khẳng định, từ khi có nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, bộ mặt nông thôn tại địa bàn có nhiều khởi sắc, nhất là ở các vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm  mạnh qua từng năm. Trung bình hộ nghèo tại xã giảm từ 8-9%/năm. Riêng năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương giảm hơn 10%, tương đương với khoảng 300 hộ gia đình thoát nghèo bền vững và giảm hơn 100 hộ cận nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vốn ưu đãi "tiếp sức" cho dân nghèo xã Quảng Khê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO