Tập trung thay đổi cách thức, tư duy giảm nghèo

Lê Dung| 14/05/2018 09:18

Mặc dù có nhiều chuyển biến nhưng tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Đắk Glong năm 2017 là 56,25%, mức cao nhất so với các địa phương khác trong tỉnh. Điều này đang đặt ra những yêu cầu về giải pháp phù hợp trong thực hiện giảm nghèo tại địa phương.

Kết quả chưa vững chắc

Thời gian qua, để triển khai công tác giảm nghèo theo hướng đa chiều, trên địa bàn huyện đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: Y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng, dạy nghề… Ngoài ra, các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia cũng được địa phương lồng ghép, tập trung thực hiện như: Hỗ trợ vốn; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho các xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ truyền thông và thông tin…

Trong đó, năm 2017, Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đã triển khai 25 công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn 5 xã, với 5.169 lượt người được hưởng lợi. Cùng với đó, hoạt động sinh kế đang triển khai 56 tiểu dự án, với 843 hộ hưởng lợi. Dự án cũng đã ưu tiên bình xét hộ nghèo, tham gia các tiểu dự án bảo đảm tối thiểu 70% hộ nghèo, cận nghèo tham gia vào nhóm. Riêng đối với các tiểu dự án trồng trọt, chăn nuôi, dự án đã thu hút sự tham gia của 100% chị em và 50% người đồng bào dân tộc thiểu số. Các đối tượng hưởng lợi đã tích cực tham gia trong việc lập kế hoạch với 36 cuộc họp thôn và hơn 4.300 lượt người tham gia… Đối với Dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135, trong năm 2017, địa phương đã được Trung ương phân bổ hơn 6,18 tỷ đồng để triển khai thi công 12 công trình trên địa bàn 7 xã. Qua đó đã góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn, giúp người dân đi lại, sản xuất thuận tiện, thúc đẩy hoạt động sản xuất, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo…

Thay đổi tư duy canh tác cho hộ nghèo là một trong những giải pháp đang được địa phương tập trung triển khai thực hiện

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của UBND huyện thì các chương trình, dự án thời gian qua triển khai vẫn còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, rời rạc, riêng lẻ. Việc lồng ghép giữa các chương trình, dự án còn thiếu gắn kết. Các chương trình đầu tư cho xóa đói, giảm nghèo còn dàn trải nên chưa phát huy hết hiệu quả dẫn đến kết quả giảm nghèo chưa vững chắc. Tình trạng tái nghèo, phát sinh hộ nghèo còn diễn ra hàng năm…

Tính đến năm 2017, toàn huyện đang có 8.903 hộ nghèo, với 42.185 nhân khẩu. Mặc dù, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm qua các năm, nhưng vẫn còn cao. Đặc biệt, có một số địa phương, tỷ lệ này còn khá lớn như: Quảng Hòa, tỷ lệ hộ nghèo trên 75,5%, Đắk R’măng: trên 67,8%, Đắk P'lao: trên 65,7%...

Thực hiện Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo năm 2018, huyện Ðắk Glong vừa được hỗ trợ 500 triệu đồng để thực hiện các mô hình giảm nghèo trên địa bàn.

Theo đó, dự án sẽ được huyện triển khai tại 2 xã là: Ðắk P'lao và Ðắk R’măng, với 32 hộ tham gia. Ðối tượng tham gia dự án là những người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… Mỗi hộ sẽ được hỗ trợ 1 con bò giống để lai tạo, nhân rộng. Thời gian bắt đầu thực hiện dự án là từ tháng 4, năm 2018…

Thay đổi hình thức hỗ trợ

Theo ông Trần Nam Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong thì hiện nay công tác giảm nghèo trên địa bàn còn rất nhiều khó khăn, thách thức lớn, trong đó, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có cả chủ quan và khách quan.

Một trong những thách thức lớn nhất đó là tình trạng dân di cư tự do vào địa phương làm ăn, sinh sống trong thời gian qua rất nhiều đã tác động không nhỏ tới công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện. Chỉ tính trong 2 năm 2016-2017, số lượng dân di cư tự do vào địa phương lên tới trên 10.000 nhân khẩu, trong đó, đa số là hộ nghèo. Kéo theo đó là việc phát sinh những vấn đề mới, phức tạp… Trong khi đó, việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cho công tác giảm nghèo cũng chưa được đồng bộ, nhất là ở địa bàn các thôn, bon. Đặc biệt, việc giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt kết quả rất thấp. Theo tinh thần nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra, hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo phải giảm từ 3-5% nhưng thực tế năm 2017, tỷ lệ này tại địa phương chỉ giảm được 1,7%.

Mặt khác, nhiều yếu tố khách quan cũng đã tác động mạnh tới công tác giảm nghèo như: Giá nông sản bấp bênh, đất đai không đủ điều kiện để cấp quyền sử dụng dẫn đến thiếu hụt đất sản xuất, hạn chế sự phát triển kinh tế hộ và khó khăn trong vay vốn… Ngoài ra, tại một số xã, quá trình rà soát, điều tra hộ nghèo còn chủ quan, nể nang nên số liệu chưa được chính xác. Một trong những nguyên nhân rất quan trọng khiến nhiều hộ nghèo trên địa bàn khó thoát nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số là do tập quán sản xuất tự phát, quảng canh, thiếu chủ động trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật. Phần lớn các chính sách hỗ trợ giảm nghèo hiện nay mới chỉ hướng đến việc cấp phát, “cho không”. Từ đó khiến nhiều hộ nghèo đang có tâm lý trông chờ, ỉ lại, không chủ động vươn lên để thoát nghèo. Do vậy, theo ông Thuần thì việc thay đổi tư duy canh tác cho hộ nghèo trên địa bàn lúc này là rất quan trọng. Trong đó, thay bằng hỗ trợ nhỏ lẻ, manh mún bằng hiện vật như trước đây thì địa phương sẽ chuyển sang hướng dẫn cách thức làm ăn phù hợp cho các hộ. Việc tuyên truyền, giải thích cho người nghèo biết cách tích lũy vốn để tái sản xuất cũng sẽ được đẩy mạnh, tránh tình trạng “làm được bao nhiêu, tiêu hết bấy nhiêu”. Ngoài ra, để các chính sách hỗ trợ thực sự phát huy hiệu quả, huyện sẽ triển khai khảo sát nguyên nhân vì sao họ nghèo, nghèo do đâu... Trên cơ sở đó, huyện sẽ tham mưu, đề xuất các ngành, các cấp điều chỉnh các chính sách hỗ trợ cho sát với thực tế. Có như vậy thì công tác giảm nghèo của địa phương mới thực sự bền vững…

Trong năm 2018, cùng với việc tập trung khắc phục hạn chế trong công tác giảm nghèo, huyện Đắk Glong đã kiến nghị để điều chỉnh một số nội dung hỗ trợ liên quan cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong Đề án giảm nghèo giai đoạn 2018-2020, địa phương đang giao cho Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng các kế hoạch cụ thể, nhằm huy động sự vào cuộc quyết liệt của từng phòng, ban, nhất là trong công tác đỡ đầu xây dựng nông thôn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung thay đổi cách thức, tư duy giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO