Nông dân chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao thu nhập

Hồng Thoan| 10/09/2018 10:35

Những năm qua, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Đắk Glong (Đắk Nông) đã chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm mang lại thu nhập cao hơn trên cùng một diện tích canh tác.

ADQuảng cáo

Gia đình anh Hoàng Xuân Hậu, bon Sa Ú Dru, xã Quảng Khê trước đây chỉ trồng hơn 1 ha cà phê, nhưng năm được năm mất mùa nên thu nhập bấp bênh. Đến nay anh đã hạn chế được rủi ro trên nhờ phát triển sản xuất theo hướng đa dạng, xen canh bơ vào cà phê và chăn nuôi hơn 10 con bò, trên 200 con gà đông tảo. Nhờ áp dụng mô hình sản xuất đa cây, đa con, hằng năm, gia đình anh Hậu có mức thu nhập khoảng 300 triệu đồng.

Anh Hoàng Xuân Hậu, bon Sa Ú Dru, xã Quảng Khê có đàn bò hơn 10 con và trên 200 con gà đông tảo

Theo anh Hậu, tuy mức thu nhập hằng năm không cao nhưng gia đình luôn duy trì ổn định qua nhiều năm. Có được điều này là nhờ gia đình đã chủ động đa dạng hóa sản phẩm, ứng dụng tốt các kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Cụ thể, đối với cà phê, bơ, anh chủ động học hỏi kinh nghiệm qua nhiều kênh khác nhau để quy hoạch lại vườn với các khu vực khác nhau phù hợp với từng loại cây. Trong đó, gia đình đều tính đến các yếu tố về cân bằng sinh thái, bảo đảm độ ẩm trong mùa khô và thoát nước trong mùa mưa; tuân thủ việc bón phân cân đối giữa hóa học, phân chuồng để tạo sự cân bằng dinh dưỡng, tơi xốp cho đất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý.

Đối với chăn nuôi, gia đình anh đầu tư hệ thống chuồng trạng kiên cố, thông thoáng, sạch sẽ để tạo môi trường an toàn cho bò, gà sinh trưởng, sinh sản tốt. Nguồn thức ăn cho bò, gà cũng được anh duy trì nhờ trồng bắp, sắn vào những mảnh đất ít màu mỡ ở bìa rẫy.

Anh Hậu cho biết: Trước đây tôi còn tư tưởng cứ làm theo kinh nghiệm nhưng nay đã thay đổi quan điểm hoàn toàn. Đó là muốn đạt hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập thì nhất định phải có kỹ thuật đúng. Cụ thể như bò, gà thì nhất định phải tiêm đủ các mũi vắc xin phòng bệnh thông thường, quét dọn, vệ sinh, khử trùng chuồng trại định kỳ. Cùng với đó, tôi không quá chạy theo phong trào mà chủ động sản xuất hiệu quả nên giảm bớt rủi ro do việc được mùa mất giá.

Vùng sản xuất chè tập trung đang hình thành tại các xã Quảng Khê và Đắk P'lao

Tương tự, gia đình chị H’Ngôi ở thôn 4, xã Đắk R’măng cũng thoát nghèo, từng bước vươn lên khá giả nhờ mạnh dạn phát triển sản xuất theo hướng mới. Theo chị H’Ngôi, kinh tế gia đình vốn phụ thuộc hoàn toàn vào cà phê, nhưng năng suất cũng năm được năm mất.

ADQuảng cáo

Năm 2013, gia đình được tham gia mô hình nuôi gà an toàn sinh học do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức và thấy hiệu quả, phù hợp nên áp dụng, nhân rộng đến nay. Theo chị, chăn nuôi gà đầu tư ban đầu không nhiều mà quay vòng vốn nhanh nên phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình chị. Vì vậy, chị đã thay đổi thói quen truyền thống là nuôi gà thả rông như trước đây bằng việc đầu tư chuồng trại, hệ thống máng ăn, uống một cách quy cũ. Nền chuồng được sử dụng lớp đệm lót sinh học để xử lý, tận dụng phân gà bón cho cây trồng.

Chị H’Ngôi cho biết: “Sử dụng đệm lót sinh học nghe có vẻ xa lạ nhưng lại đơn giản, có nhiều cái lợi về giảm tỷ lệ gà chết, chi phí phòng bệnh, công vệ sinh ít, chất thải không gây mùi nên hiệu quả tăng lên. So với làm cà phê thì nuôi gà theo hướng sinh học này thu nhập cao hơn gấp nhiều lần”. Giống gà chị chọn nuôi là gà ri vàng rơm. Đây là giống gà không yêu cầu điều kiện nuôi khắt khe, có thể nuôi thả vườn hay nhốt, thích nghi với các loại thức ăn nghèo dinh dưỡng, chống chịu bệnh tốt. Một năm, chị nuôi quay vòng 3 lứa gà, từ 1.000 - 1.500 con tùy vào nhu cầu thị trường. Sau 4 tháng nuôi, trọng lượng gà xuất chuồng trung bình khoảng 2kg/con,  với giá khoảng 70.000 đồng/kg. Tính riêng năm 2017, gia đình thu lãi hơn 100 triệu đồng từ việc bán gà thịt.

Năm 2012, toàn huyện có 691 hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi thì đến nay con số này đã tăng lên hơn 1.070  hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi trong tống số hơn 4.500 hội viên. Trong đó, nhiều người không chỉ đi đầu trong ứng dụng kỹ thuật sản xuất hiệu quả mà còn tích cực giúp đỡ, hướng dẫn các hội viên khác xóa nghèo, làm giàu bền vững.

Không chỉ gia đình anh Hậu, chị H’Ngôi, theo Hội Nông dân huyện Đắk Glong, những năm gần đây, việc nông dân chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất ngày càng phổ biến. Nhiều người mạnh dạn vay vốn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng ứng dụng giống mới, công nghệ cao mang lại thu nhập tăng thêm trên cùng diện tích canh tác. Chính điều này đã giúp cho hội triển khai có hiệu quả hơn các phong trào về thi đua phát triển sản xuất, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm giàu bền vững.

Số hội viên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi năm sau luôn cao hơn năm trước. Tính riêng trong năm 2017, hội viên nông dân trên địa bàn đã đóng góp được số tiền 121 triệu đồng, 883 ngày công và hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, lương thực, thực phẩm trị giá khoảng 318 triệu đồng hỗ trợ cho 341 hội viên nông dân nghèo.

Theo đó, hội viên, nông dân dần hình thành các tổ, nhóm, hợp tác xã liên kết, hợp tác sản xuất, dịch vụ nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Các loại cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu tăng cả về năng suất, chất lượng; liên kết chuỗi giá trị, vùng sản xuất hàng hóa tập trung dần hình thành gắn với thị trường.

Cụ thể như vùng sản xuất chè, trồng dâu nuôi tằm tại Quảng Khê, Đắk P’lao, trồng cây ăn quả ở Quảng Sơn, Đắk Ha. Từ đó, hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích toàn huyện hiện nay đã đạt 60 triệu đồng/ha, tăng 3 lần so với năm 2008. Tốc độ tăng trưởng khu vực nông - lâm - thủy sản của huyện cũng chuyển biến tích cực, bình quân giai đoạn 2008 - 2018 đạt 6,5%/năm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao thu nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO