Nhiều tuyến đường huyết mạch xuống cấp trầm trọng

Lê Dung| 02/04/2018 10:34

Là những tuyến đường huyết mạch, nối liền giao thông giữa các địa phương trên địa bàn huyện Đắk Glong (Đắk Nông), nhưng do được đầu tư đưa vào sử dụng khá lâu cộng thêm địa thế hiểm trở nên nhiều đoạn bị xuống cấp trầm trọng, làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc giao thương.

ADQuảng cáo

Trên địa bàn huyện Đắk Glong hiện có 5 tuyến đường huyết mạch, gồm: Đường vào Công trình Thủy điện Đồng Nai 4; đường giao thông liên xã Quảng Khê - Đắk R’măng; đường giao thông liên xã Quảng Khê - Đắk Ha; đường vào xã Quảng Hòa và tỉnh lộ 4B. Hiện nay, phần lớn các tuyến đường này đã và đang bị hư hỏng, xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà.

Tuyến đường vào Công trình Thủy điện Đồng Nai 4 bị sạt lở nghiêm trọng

Nhiều tuyến xuống cấp nghiêm trọng

Điển hình là đường giao thông liên xã Quảng Khê - Đắk R’măng. Đây là tuyến đường nối liền giữa 4 xã: Quảng Khê, Đắk P'lao, Đắk R’măng và Quảng Sơn, với tổng chiều dài là 35 km, bao gồm 2 đoạn. Đoạn từ xã Quảng Khê đi xã Đắk P'lao được thi công từ năm 2010 do Ban Quản lý Dự án Thủy điện 6 làm chủ đầu tư để đi vào Khu tái định cư Đắk P'lao. Còn một đoạn từ xã Đắk P'lao đi xã Đắk R’măng do huyện đầu tư (năm 2007-2008) từ nguồn vốn Jica và đối ứng. Đến nay, ở hai tuyến đường này đã xuất hiện nhiều đoạn ổ voi, ổ gà, xói dọc rãnh, nhất là từ Km24-Km34…

Tương tự, đoạn giao thông liên xã Quảng Khê - Đắk Ha cũng vậy. Công trình được xây dựng từ năm 2010-2014, có chiều dài 27,4 km do huyện làm chủ đầu tư. Năm 2017, do mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày nên nước đã ngấm sâu vào phần mái taluy dương và taluy âm, làm mất đi sự liên kết giữa các lớp đất đá, dẫn đến 1 số vị trí của tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng.

Đặc biệt là từ Km10+800- Km10+900 taluy dương, chiều cao sạt lở rất lớn, với 10/15m. Còn tại Km12+981 taluy âm cũng rơi vào tình trạng sạt lở, ăn sâu vào 2/3 lòng đường. Chiều sâu sạt lở từ 8-10m đã gây ách tắc giao thông, cản trở việc đi lại của người dân trên địa bàn. Hay như tại Km18+800- Km19+500 của tuyến đường này, mặt đường cũng đang bị hư hỏng nặng. Do khối lượng sạt lở lớn nên UBND huyện không đủ nguồn kinh phí để khắc phục sửa chữa kịp thời…

ADQuảng cáo

Tuyến đường vào xã Quảng Hòa cũng nằm trong tình trạng này. Được đầu tư cấp phối từ năm 2010-2014 từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, với chiều dài 22,3 km, chiều rộng 6 m. Hiện tuyến đường này đã bị hư hỏng nặng, xói dọc và có nhiều rãnh sâu, trơn trượt, gây cản trở giao thông nặng nề cho người dân. Hệ thống thoát nước cũng bị xuống cấp trầm trọng. Nhiều đoạn bị sạt mái taluy âm ăn sâu tới phần nền đường…

Được biết, địa hình của hầu hết các tuyến đường trên địa bàn huyện rất hiểm trở, lại có nhiều đồi núi với độ dốc ngang đường và độ dốc dọc rất lớn. Địa chất ở đây chủ yếu là đất cao lanh nên dễ gây sạt lở khi ngấm nước. Qua thời gian sử dụng  và nguồn kinh phí để sửa chữa hạn chế nên các tuyến đường này hầu như đang gây cản trở việc đi lại của bà con trên địa bàn.

Ưu tiên đầu tư những tuyến trọng yếu

Theo ông Phạm Văn Duẩn, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đắk Glong thì hằng năm, nguồn kinh phí bố trí cho việc đầu tư, sửa chữa các công trình giao thông trên địa bàn huyện rất hạn chế. Trong đó, năm 2017 bố trí được gần 1,5 tỷ đồng và năm 2018 là gần 2 tỷ đồng.

Với nguồn kinh phí hạn hẹp như vậy thường không đủ để triển khai tu bổ cho các tuyến đường đang xuống cấp. Được biết, để tạm thời khắc phục các đoạn tuyến hư hỏng nặng, trong năm 2017, huyện cũng đã vận động được một số doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí cho việc sửa chữa. Trong đó, đoạn tuyến từ xã Quảng Khê đi xã Đắk Ha đã có 2 doanh nghiệp hỗ trợ vốn và làm được gần 1km, tạm thời khắc phục tình trạng sạt lở đất.

Hiện đoạn đường từ Km10- Km12 thuộc tuyến đường đi Thủy điện Đồng Nai 4 cũng đang nguy cơ sạt lở rất cao. Vì vậy, tại vị trí này, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện đã phối hợp với UBND xã Quảng Khê kiểm tra và thực hiện giăng dây cảnh báo nguy hiểm cho người dân và phương tiện đi lại…

Với những đoạn đường hư hỏng còn lại, huyện cũng đang phối hợp với các đơn vị chức năng của tỉnh thực hiện khảo sát và xây dựng kế hoạch đầu tư vốn cụ thể. Dự kiến trong năm 2018, huyện sẽ bố trí kinh phí gần 1 tỷ đồng để ưu tiên khắc phục tình trạng hư hỏng tại tuyến đường cấp phối Quảng Sơn đi Quảng Hòa. Bởi đây đang là tuyến đường đi lại khó khăn nhất. Mặt khác, huyện đang đề nghị với Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh vào làm việc và đi thực tế kiểm tra hiện trạng tại các tuyến đường huyết mạch khác trên địa bàn. Qua đó đề nghị với Quỹ bố trí kinh phí ưu tiên sửa chữa một số đoạn tuyến đang xuống cấp mạnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều tuyến đường huyết mạch xuống cấp trầm trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO