Người dân Quảng Sơn chủ động chuyển đổi cây trồng để nâng cao hiệu quả sản xuất

Lê Dung| 11/05/2020 09:34

Nhiều năm nay, người dân trên địa bàn xã Quảng Sơn (Đắk Glong) đã tập trung chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang những cây trồng khác và đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Trước đây, 10 ha đất ruộng được gia đình ông Nguyễn Đức Êm, bon N'Ting, xã Quảng Sơn tập trung cho sản xuất 2 vụ lúa trong năm. Tuy nhiên, do toàn bộ diện tích đất này chỉ phụ thuộc nguồn nước vào 1 con suối nhỏ, nên vào mùa khô thường xuyên không đủ nước tưới, dẫn tới sản lượng lúa thu hoạch được khá thấp. Thậm chí có những năm, gia đình còn bị mất trắng vụ lúa, không có thu nhập.

Nông dân bon N'Ting, xã Quảng Sơn, thu hoạch khoai lang

Trước tình hình đó, gia đình ông Êm đã nghiên cứu, tìm hiểu và mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích lúa vụ đông xuân sang trồng khoai lang Nhật Bản và hiện tại đã thay đổi hiệu quả rõ rệt. Ông Êm cho biết: “Hiện tại, số diện tích đang trồng khoai lang mang lại năng suất khá cao, với 25 tấn/ha/vụ. Cây trồng mới không chỉ dễ chăm sóc mà đầu ra cũng rất thuận lợi, giá ổn định, với bình quân là 12.000 đồng/kg”.

Ngoài ra, nhận thấy thổ nhưỡng khá phù hợp với các cây ngắn ngày khác, đầu năm 2020, cũng trên diện tích trồng lúa và khoai này, ông Êm đã đưa vào trồng thử nghiệm 5 sào đậu các loại. Đây là cây trồng có thời gian thu hoạch khá ngắn, chỉ sau 75 ngày. Năng suất đậu mang lại rất cao, với 1 tấn/sào/vụ.

“Để đa dạng hóa cây trồng và tăng vụ trên cùng một diện tích đất, mới đây, gia đình cũng đã gửi mẫu đất, nước đi kiểm nghiệm chất lượng. Kế hoạch sắp tới, nếu thuận lợi, gia đình sẽ hợp tác với 1 đối tác ở Nhật Bản để chuẩn bị đưa vào trồng thử cây cải đường”, ông Êm cho biết thêm.

Cây đậu đang được gia đình ông Nguyễn Đức Êm (bên phải) ở bon N'Ting đưa vào trồng thử nghiệm xen giữa vụ khoai và lúa

Tương tự, đầu năm 2020, gia đình ông Vũ Văn Hiệt, ở bon N’Ting, xã Quảng Sơn, cũng đã đưa vào trồng thử 8 sào rau má trên diện tích trồng lúa của gia đình, với tổng kinh phí đầu tư 102 triệu đồng. Sau hơn 2 tháng, rau má đã cho thu hoạch lứa đầu tiên, với gần 12 tấn. Hiện tại, sản phẩm sau thu hoạch đang được gia đình bán cho thương lái ở Lâm Đồng, với giá 25.000 đồng/kg.

Ông Hiệt chia sẻ: “Trước đây, trên diện tích này, gia đình thu hoạch được từ 5-7 tấn lúa/ha/vụ, nhưng cũng chỉ được một vụ duy nhất. Bởi vì vụ đông xuân năng suất lúa rất kém do thiếu nước tưới và lâu nay gia đình cũng chuyển đổi qua trồng cây khoai lang. Mới đây, qua tìm hiểu, nhận thấy cây rau má không chỉ dễ trồng, dễ chăm sóc, thu hoạch nhanh, nên gia đình đưa vào trồng thử nghiệm một phần diện tích và hiệu quả kinh tế mang lại vượt trội hẳn. Nếu trừ mọi chi phí, 8 sào rau má này, gia đình thu về gần 200 triệu đồng".

Cũng theo ông Hiệt, cây rau má trồng được khoảng 1 tháng là có thu hoạch, trong đó chỉ mất 20 ngày chăm sóc. Loại rau này cũng ít phải đầu tư, nên lợi ích kinh tế mang lại rất cao. Nếu thị trường tiêu thụ thuận lợi, về lâu dài, gia đình ông sẽ tiếp tục chuyển đổi thêm một số diện tích khác sang trồng rau má để tránh rủi ro trong quá trình sản xuất.

Cây rau má mới được gia đình ông Vũ Văn Hiệt ở bon N'Ting đưa vào trồng thử nghiệm nhưng đã cho hiệu quả kinh tế khá cao

Theo ông Lê Đình Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, hiện nay, cơ cấu mùa vụ toàn xã chủ yếu là 1 vụ lúa - 1 vụ màu. Trong đó, vụ hè thu là vụ chính sản xuất lúa, với diện tích và sản lượng cao nhất trong năm. Toàn xã hiện đang có gần 300 ha đất trồng lúa đã được người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây khác và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Ở một số vùng, bà con cũng đang thử nghiệm tăng thêm 1 vụ màu xen giữa vụ lúa và cũng đã cho kết quả tốt. Chủ trương của địa phương là giảm dần diện tích sản xuất lúa bằng cách chuyển sang trồng các loại hoa màu ngắn ngày, cho lợi nhuận cao hơn. Đối với những khu vực khó khăn về nguồn nước, địa phương khuyến khích bà con chuyển sang trồng các loại cây phù hợp với điều kiện tự nhiên.

Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Glong, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Chính phủ về quy hoạch thành từng vùng sản xuất để phát triển và định hướng cho người dân trồng các loại cây phù hợp với điều kiện thực tế. Trong đó, huyện sẽ vận động người dân chuyển sang phát triển cây rau, màu và ăn trái theo hướng chuyên canh, gắn kết chặt chẽ sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ. Huyện cũng sẽ hình thành các vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dự kiến, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tổng diện tích thực hiện chuyển đổi trên đất lúa (một vụ) của toàn huyện Đắk Glong đạt khoảng 885 ha. Cùng với đó, huyện cũng sẽ tích cực hơn nữa trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ để người dân yên tâm sản xuất, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện đời sống cho bà con trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân Quảng Sơn chủ động chuyển đổi cây trồng để nâng cao hiệu quả sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO