Gắn chế biến với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp

Lê Dung| 19/01/2022 08:41

Đắk Glong là huyện có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển nông nghiệp. Để tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm hàng hóa, huyện đang nỗ lực triển khai các giải pháp thúc đẩy đầu tư chế biến sâu các nông sản hiện có.

ADQuảng cáo

Gia tăng nhu cầu mở rộng sản xuất

Được thành lập từ năm 2017, Công ty TNHH MTV Ba Sang Đắk Som, xã Đắk Som hiện đang có 130 ha vùng nguyên liệu trồng cây “Măng tre bốn mùa”.

Đây là cây trồng được thu hoạch quanh năm, nhất là vào mùa nắng. Mỗi bụi măng bình quân thu trong năm từ 80-100 kg. Không chỉ mang lại năng suất cao, cây măng còn dễ chăm sóc, phát triển, nhất là trong việc hỗ trợ bà con xóa đói giảm nghèo.

Sản phẩm "Măng tre bốn mùa" của Công ty TNHH MTV Ba Sang Đắk Som đang có nhu cầu đầu tư chế biến sâu

Theo bà Nguyễn Thị Sang, Giám đốc Công ty, hiện tại, vùng nguyên liệu của doanh nghiệp đã tạm ổn. Nhu cầu của thị trường về sản phẩm tăng mạnh. Tuy nhiên, về lâu dài, đơn vị đang mong muốn được hỗ trợ thêm về một số máy móc, thiết bị tiên tiến phục vụ quá trình chế biến sâu cho các sản phẩm như: máy sấy khô, máy ép chân không, máy ép thân tre… Thiết bị mới sẽ giúp đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường. Sản phẩm cũng gia tăng sức cạnh tranh và nâng cao về giá trị.

Tương tự, Trang trại sạch Đắk Ha, xã Đắk Ha hiện có 14 ha cây Đàn hương. Mỗi năm, đơn vị thu về tầm hơn 2 tạ sản phẩm hoa. Hiện tại, sản phẩm của đơn vị đang cung cấp cho các thị trường như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu chưa đủ để phục vụ sản xuất đại trà. Do vậy, trang trại chỉ mới sản xuất cầm chừng, với các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu biếu tặng là chủ yếu.

Bà Nguyễn Thị Việt Thi, chủ Trang trại cho biết: “Về lâu dài, đơn vị sẽ tập trung chăm sóc tốt cho vườn cây hiện có để gia tăng về sản lượng nguyên liệu đầu vào. Đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư thêm máy móc để phục vụ chế biến sâu cho sản phẩm trong thời gian tới”.

Ðắk Glong hiện có 1.500 ha cây công nghiệp, cây ăn quả ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, diện tích cây cà phê đạt tiêu chuẩn chất lượng 4C, UTZ, Fair trade với khoảng 850 ha của trên 270 nông hộ tham gia sản xuất; diện tích hồ tiêu ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt, với khoảng 100 ha/75 hộ tham gia; diện tích cây ăn quả các loại ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt, đạt chứng nhận VietGAP có khoảng 78,5 ha/80 hộ…

ADQuảng cáo

Khuyến khích đầu tư sản xuất chuyên sâu

Để thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp, huyện Đắk Glong đang đẩy mạnh các giải pháp thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư chế biến sâu các sản phẩm nông sản tại địa phương.

Mục tiêu đến năm 2025, Đắk Glong phấn đấu sẽ thu hút, hỗ trợ đầu tư phát triển từ 1-2 cơ sở chế biến nông sản theo hướng chuyên sâu, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Huyện sẽ kêu gọi được từ 1-2 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản.

Ngoài ra, địa phương sẽ hỗ trợ nâng cấp, ứng dụng công nghệ cho ít nhất 50% số cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản hiện có; đồng thời, xây dựng, phát triển ít nhất từ 2-3 chuỗi liên kết và hoàn thiện 100% chuỗi liên kết sản xuất hiện có gắn với các cơ sở chế biến, tiêu thụ… Đặc biệt, các sản phẩm chủ lực, tiềm năng của huyện có đăng ký mã số, mã vạch, thẻ, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm tăng từ 50% trở lên.

Nông sản được chế biến sâu sẽ giúp nâng cao giá trị kinh tế, tăng sức cạnh tranh trên thị trường

Để thực hiện mục tiêu trên, trước hết, huyện sẽ gắn kết chế biến với chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh và nhóm sản phẩm chủ lực, đặc sản địa phương.

Địa phương sẽ vận dụng các cơ chế, chính sách của tỉnh, Trung ương để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX và người dân thực hiện sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt đối với nhóm trái cây, rau, củ, quả.

Đối với các ngành hàng cà phê tiếp tục được sản xuất theo bộ tiêu chuẩn 4C, UTZ, Cerified, Feirtrade, Oganic… để chuẩn hóa về mặt chất lượng, làm cơ sở xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Cùng với những chính sách khuyến khích phù hợp, Đắk Glong sẽ lựa chọn các doanh nghiệp lớn có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ, thị trường để dẫn dắt chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản trên địa bàn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gắn chế biến với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO