Đẩy mạnh hoạt động kiểm soát, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Lê Dung| 08/07/2019 10:38

Đắk Glong (Đắk Nông) là một trong những địa phương đầu tiên xuất hiện dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh. Để ngăn chặn loại dịch bệnh này, huyện đang tập trung mọi nguồn lực để kiểm soát chặt chẽ các hoạt động chăn nuôi, kinh doanh, vận chuyển động vật...

ADQuảng cáo

Chốt Kiểm dịch động vật ở thôn 11, xã Quảng Khê (Đắk Glong) hoạt động liên tục trong thời gian qua

Khoanh vùng để kiểm soát dịch

Để ngăn chặn sự xâm nhiễm, phát sinh và lây lan DTLCP trên địa bàn, huyện Đắk Glong đang triển khai khoanh vùng dịch tại các địa bàn có dịch.  Theo đó, từ ngày 9-19/6/2019, sau khi phát hiện 12 con lợn mắc DTLCP tại 2 hộ gia đình ở thôn 4, xã Quảng Sơn, huyện đã nhanh chóng tổ chức lực lượng tiến hành tiêu hủy. Toàn bộ số lợn 30 con của các hộ dân lận cận cũng được cách ly, theo dõi sát sao.

Việc vệ sinh tiêu độc khử trùng tại vùng có dịch cũng như các địa phương khác cũng được thực hiện thường xuyên, liên tục. Đến nay, toàn huyện đã thực hiện tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng với 1.046 lít hóa chất tại các điểm buôn bán động vật, sản phẩm động vật, khu vực có mật độ chăn nuôi cao, các lò giết mổ và các hộ chăn nuôi.

Riêng tại xã Quảng Sơn- nơi xảy ra DTLCP đã được thực hiện tiêu độc, khử trùng hàng ngày tại lò giết mổ, khu vực chợ và các khu vực có nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh. Tình hình thực hiện tiêu độc khử trùng của các trang trại, gia trại, nhất là các điểm có số lượng nuôi lớn được giám sát chặt chẽ. Các biện pháp phòng chống dịch khác cũng được huyện chỉ đạo triển khai như: Tăng cường công tác kiểm soát giết mổ; hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh; giám sát công tác tiêu độc, khử trùng, vận chuyển, buôn bán lợn và sản phẩm từ lợn...

Đặc biệt, ngay khi có dịch, huyện chỉ đạo các đơn vị thực hiện thống kê danh sách các tổ chức, cá nhân chăn nuôi lợn nhằm bảo đảm việc giám sát chặt chẽ số lượng đàn lợn trên địa bàn. Theo đó, toàn huyện hiện có 10.379 con lợn được nuôi tại 67 trang trại và hộ gia đình. Trong đó, có 5 trang trại CP chăn nuôi lợn, với số lượng hơn 9.000 con; 62 hộ nuôi 1.379 con.

ADQuảng cáo

Huyện cũng đã kiện toàn lực lượng thú y xã gồm 7 người, nhằm đảm bảo về nguồn lực khi thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở. Theo ông Nguyễn Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, hiện nay gần 90% số lượng lợn trên địa bàn đang được chăn nuôi tại các trang trại lớn ở các xã như: Đắk Ha, Quảng Khê. Nhờ vậy, cùng với chính quyền, việc tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại, cách ly… luôn được các đơn vị chủ động thực hiện.

Việc kiểm soát giết mổ cũng được địa phương tăng cường. Trong 6 tháng đầu năm, toàn huyện đã kiểm soát lợn nhập giết mổ trên địa bàn là 1.949 con. Trong số đó, lò giết mổ tập trung xã Quảng Khê: 860 con; lò giết mổ tập trung xã Quảng Sơn: 1.089 con. Hiện nay, trên địa bàn huyện đang có 11 điểm giết mổ động vật nhỏ lẻ, tự phát, chưa đủ điều kiện cấp giấp phép.

Phần lớn số lợn đưa vào giết mổ tại đây chủ yếu được mua từ các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Vì vậy, để quản lý tốt các điểm giết mổ động vật này, UBND huyện Đắk Glong đã giao UBND các xã kiểm soát chặt chẽ hoạt động tại các cơ sở này. Nếu phát hiện điểm nào không thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát giết mổ động vật theo quy định sẽ thực hiện đóng cửa, đình chỉ hoạt động theo quy định.

Chốt kiểm dịch hoạt động 24/24h

Là địa phương có lượng vật nuôi trung chuyển từ các tỉnh, thành khác đi qua thương xuyên. Vì vậy, huyện đã huy động lực lượng tập trung kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hợp, do nhận thức của một bộ phận người dân, nhất là thương lái, còn hạn chế nên tình trạng vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn không qua kiểm dịch, không có nguồn gốc diễn ra thường xuyên. Vì vậy, huyện đã thành lập 3 chốt kiểm dịch động vật túc trực 24/24h tại các tuyến đầu mối giao thông tiếp giáp với các tỉnh khác, gồm: 1 chốt đặt tại bon B’Nơr, xã Đắk Som; 1 chốt tại thôn 11, xã Quảng Khê và 1 chốt trên tuyến tỉnh lộ 4B, xã Quảng Hòa. Địa phương cũng huy động thêm các công chức, viên chức am hiểu về công tác chăn nuôi, thú y, để tham gia Đội phản ứng nhanh và trực tại các chốt kiểm dịch. Từ ngày 1/4/2019 đến nay, tại các chốt này đã thực hiện kiểm soát, tiêu độc khử trùng được 265 lượt phương tiện. Số động vật vận chuyển qua địa bàn huyện 182.371 con; trong đó, lợn là 24.723 con…

Ông Hợp cho biết thêm, đến nay, về cơ bản DTLCP trên địa bàn đã được khống chế, không để lây lan hoặc phát sinh. Tuy nhiên, để đảm bảo kiểm soát, ngăn chặn tốt dịch bệnh, huyện cũng kiến nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục hướng dẫn các địa phương ở khu vực giáp ranh với tỉnh ngoài cách phòng, chống dịch. Đối với các địa phương có DTLCP cần phải bố trí lực lượng thú y và thành lập các trạm kiểm soát, các chốt kiểm dịch động vật nhằm tổ chức tiêu độc, khử trùng các phương tiện vận chuyển đi qua, tránh để mầm bệnh có cơ hội lọt vào địa bàn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh hoạt động kiểm soát, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO