Cương quyết giải tỏa các điểm "nóng" phá rừng, lấn chiếm đất rừng

Lê Dung| 05/07/2017 09:33

Đắk Glong là một trong những địa phương đang “nóng” về các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép. Ngoài việc siết chặt hơn nữa các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa, địa phương chỉ đạo các ngành chức năng làm tốt công tác phối, kết hợp để cương quyết xử lý vi phạm pháp luật về tài nguyên rừng.

ADQuảng cáo

Nhiều diện tích rừng của Công ty TNHH MTV Đắk N’tao đã bị người dân phá, lấn chiếm và canh tác

Vẫn đang là điểm "nóng"

Trong 6 tháng đầu năm, Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glong đã phối hợp với các cơ quan chức năng tuần tra, kiểm tra phát hiện và lập biên bản 125 vụ phá rừng trái pháp luật, với tổng diện tích rừng thiệt hại 126,221 ha, tăng 70 vụ và 97,839 ha so với cùng kỳ năm 2016.

Được biết, trong số các vụ phá rừng trên, ngành chức năng đã xử lý 90 vụ; chuyển cơ quan công an điều tra, khởi tố 25 vụ, còn tồn 9 vụ. Hiện tại, Hạt Kiểm lâm đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Xã Quảng Sơn là địa bàn có diện tích đất rừng bị phá nhiều nhất, với gần 102 ha diện tích trong 6 tháng đầu năm.

Trên thực tế, thời gian qua, Hạt Kiểm lâm huyện đã tiến hành rà soát và xác định được 29 điểm "nóng' về phá rừng tại các vị trí thuộc lâm phần quản lý của các doanh nghiệp chủ rừng đóng chân trên địa bàn. Hạt Kiểm lâm cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra, cắm 6 chốt tại các trọng điểm thường xuyên xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Tuy nhiên, các điểm nóng phá rừng này vẫn diễn biến rất phức tạp. Nguyên nhân một phần là do thời gian qua, các công ty lâm nghiệp giải thể nên công tác quản lý bảo vệ rừng có thời điểm bị "bỏ lửng".

Ông Trần Nam Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết: Đoàn thực hiện Chỉ thị số 12 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng của huyện được thành lập khá lâu. Tuy nhiên, hiệu quả công việc chưa cao. Diện tích đất rừng trên địa bàn bị người dân phá và lấn chiếm rất nhiều, nhưng số vụ phát hiện và xử lý không đến nơi, đến chốn nên lại tiếp tục bị lấn chiếm trở lại. Thực tế có một số trường hợp “người nào đi tù do phá rừng về thì sau này, đương nhiên mảnh đất ấy là của họ” nên tính răn đe chưa cao. Bên cạnh đó, hiện việc truy tìm chủ sở hữu những mảnh đất phá rừng, lấn chiếm trái phép trên địa bàn cũng rất khó. Bởi phần lớn các đối tượng phá rừng đều có tính chất đầu nậu, bảo kê. Sau khi phá rừng, đất rừng được bán qua tay cho người này, người kia. Tình trạng mua bán đất theo kiểu đầu nậu, bảo kê đã dẫn đến tình trạng mất an ninh trật tự tại địa phương...

Khó nhưng... cương quyết xử lý

ADQuảng cáo

Mới đây, Đoàn thực hiện Chỉ thị số 12 của huyện, các xã phối hợp với các đơn vị chủ rừng mở đợt "cao điểm" tiến hành tuần tra, kiểm tra tại các điểm nóng về phá rừng, khai thác, vận chuyển và chế biến lâm sản, săn bắn, buôn bán động vật rừng trái phép trên địa bàn.

Trong đó, Đoàn phối hợp với UBND xã Quảng Sơn rà soát diện tích rừng bị phá tại tiểu khu 1696 bị người dân xâm canh, lấn chiếm để phục vụ cho việc cưỡng chế, giải tỏa. Theo đó, trong tổng diện tích rà soát là hơn 79 ha thì có hơn 53 ha rừng bị phá từ năm 2009-2014 và bị người dân xâm canh làm đất sản xuất. Còn lại hơn 26 ha rừng bị phá thuộc giai đoạn từ năm 2015-2017. Hạt Kiểm lâm đang phối hợp với UBND các xã tiếp tục xác minh, bổ sung hồ sơ để xử lý hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật đối với các đối tượng liên quan…

Ông Trần Nam Thuần cho biết thêm, với những điểm "nóng" này, Đoàn 12 của huyện sẽ từng bước thực hiện việc giải tỏa, thu hồi diện tích bị lấn chiếm. Đợt giải tỏa diện tích rừng bị phá, xâm canh lấn chiếm đầu tiên sẽ được Đoàn thực hiện trước ngày 10/7 tại tiểu khu 1696 thuộc địa giới hành chính xã Quảng Sơn, với tổng diện tích giải tỏa là 10,458 ha. Trong đó, diện tích có cây trồng là 3,558 ha. Phần lớn diện tích thuộc diện giải tỏa lần này đã được rà soát, kiểm tra, nhưng không có hộ gia đình, tổ chức nào nhận. Vì vậy, trước khi thực hiện giải tỏa, xã sẽ thông báo với người dân một lần nữa về khoảng thời gian nhất định phải tự thực hiện tháo dỡ tài sản. Nếu không có ai nhận thì sẽ triển khai thực hiện giải tỏa theo quy định.

Theo UBND huyện Đắk Glong, bên cạnh một số bất cập trong công tác quản lý, việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn ra gay gắt như hiện nay một phần là do giá đất được bán rất cao. Ví dụ như ở xã Quảng Sơn, 1 ha đất rừng ít nhất là khoảng 300 triệu đồng. Nếu tình trạng này mà kéo dài, để lâu sẽ càng khó khăn hơn cho công tác thu hồi, quản lý về sau… Tuy vậy, dù là địa bàn "nóng" về phá rừng, lấn chiếm đất rừng nhưng do tính phức tạp của vấn đề này nên trong quá trình xử lý, khắc phục, huyện cũng tuân thủ đúng quy trình, quy định chứ không thể chủ quan, nôn nóng dẫn đến bức xúc, khiếu kiện.

Được biết, trên cơ sở rà soát, từ nay đến cuối năm, huyện sẽ tiếp tục thực hiện việc giải tỏa diện tích đất rừng bị phá, xâm canh, lấn chiếm tại một số địa phương khác như: Đắk Ha, Đắk R’măng… Đối với một số căn nhà kiên cố, nhưng xây dựng trái phép trên đất rừng, UBND các xã cũng sẽ thực hiện rà soát lại, bổ sung hồ sơ để huyện xem xét, tiến hành giải tỏa dứt điểm trong thời gian tới.

29 vị trí được xác định là điểm "nóng" phá rừng trên địa bàn huyện Đắk Glong thuộc các công ty gồm: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn: 6 vị trí; Công ty TNHH MTV Đắk N’tao: 3 vị trí; Công ty TNHH MTV Gia Nghĩa: 7 vị trí; Công ty TNHH MTV Đắk R’măng: 3 vị trí; Công ty Cổ phần Tập đoàn giấy Tân Mai: 5 vị trí; Công ty Nguyên Vũ: 3 vị trí và Hợp tác xã Nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Hợp Tiến: 2 vị trí.
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cương quyết giải tỏa các điểm "nóng" phá rừng, lấn chiếm đất rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO