Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chất lượng, hiệu quả

Lê Dung| 07/04/2022 05:48

Huyện Đắk Glong có thế mạnh để phát triển nông nghiệp. Thời gian qua, huyện đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn các mô hình kinh tế phù hợp, có giá trị kinh tế cao để phát triển nông nghiệp bền vững.

Hiệu quả từ các mô hình điểm

Thông qua các chương trình, dự án, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Đáng chú ý nhất là các mô hình đầu tư về thâm canh, cải tạo vườn cà phê. Toàn huyện hiện có trên 18.500 ha cây cà phê. Trong đó, diện tích cà phê kinh doanh chiếm trên 17.00 ha, với tổng sản lượng đạt trên 46.700 tấn/năm. Ngành cà phê hiện đang trở thành ngành kinh tế chủ lực của địa phương.

Từ vụ mùa năm 2012, huyện đã triển khai chương trình tái canh cây cà phê tại các xã. Đến nay, toàn huyện đã thực hiện tái canh được gần 1.540 ha. Qua theo dõi cho thấy, vườn cây phát triển tốt, với năng suất bình quân đạt 3,5 tấn/ha.

Cà phê đang trở thành cây trồng chủ lực của địa phương

Các mô hình tưới nước tiết kiệm trên các loại cây trồng như: cam, quýt, tiêu, cà phê, cây ăn quả… cũng đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Thông qua mô hình này, người dân tiết kiệm được 30% lượng nước tưới, 15% lượng phân bón và 70% công lao động.

Nhiều mô hình đang phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho người dân như: mô hình thâm canh cây quýt, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm tại xã Đắk Ha, mô hình tưới nước tiết kiệm kết hợp với bón phân cho cây tiêu tại xã Quảng Sơn…

Qua triển khai các mô hình đã giúp thay đổi tập quán của người dân từ phương pháp truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp sang sản xuất theo hướng hữu cơ, gắn với tiêu chuẩn VietGAP. Phần lớn các nhà vườn sản xuất đều bảo đảm không tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, gây hại cho người sử dụng.

Thông qua các chương trình, dự án, trong 10 năm qua (giai đoạn 2011-2021) trên địa bàn huyện Đắk Glong đã triển khai được 203 mô hình sản xuất, với tổng kinh phí đầu tư là hơn 2,6 tỷ đồng.

Xác định cây chủ lực để phát triển

Trong kinh tế nông nghiệp của huyện, ngành trồng trọt chiếm trên 90% thu nhập. Tuy nhiên, nhìn chung, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiện vẫn còn chậm, chưa khai thác đúng tiềm năng, lợi thế về đất đai.

Mức doanh thu trên đơn vị sản xuất bình quân còn thấp, thiếu ổn định. Phần lớn chất lượng hàng hóa chưa cao nên giá trị kinh tế mang lại thấp so với thị trường.

Để ngành trồng trọt trở thành trụ đỡ của kinh tế nông nghiệp, địa phương đã tập trung nhiều giải pháp thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chất lượng, hiệu quả; trong đó, ưu tiên phát triển các mô hình trồng cây chủ lực.

Theo đó, đối với các loại cây lâu năm, huyện xác định sẽ không mở rộng thêm diện tích, mà sẽ từng bước chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác như cây ăn quả hoặc cây đa mục đích. Riêng với cây tiêu, huyện khuyến cáo người dân thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ, ứng dụng quy trình VietGAP, sử dụng giống chất lượng.

Huyện Đắk Glong sẽ mở rộng diện tích cây ăn trái lên 4.195 ha

Đối với cây ăn quả, hiện nay, trên địa bàn đã có nhiều mô hình hiệu quả, cho thu nhập cao, với trên 2.633 ha. Vì vậy, địa phương sẽ đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, giúp nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm.

Huyện cũng sẽ mở rộng thêm diện tích cho cây trồng này lên 4.195 ha. Trong đó, một số cây ăn quả có chất lượng, thị trường tiêu thụ ổn định và có lợi thế so sánh sẽ được ưu tiên phát triển thông qua cải tạo vườn tạp, trồng nông, lâm kết hợp khu vực đồi dốc như: bơ, ổi, sầu riêng, mít…

Ngoài ra, cây chè, nghề trồng dâu nuôi tằm cũng cần được đẩy mạnh trong thời gian đến. Hiện nay trên địa bàn huyện có gần 320 ha cây chè và dâu bước đầu đã cho kết quả khá.

Theo ông Nguyễn Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân triển khai hiệu quả các mô hình trồng trọt.

Trong đó, đối tượng được lựa chọn thực hiện phải là những người có tâm huyết, có hiểu biết. Các mô hình sau triển khai phải có sự theo dõi, đánh giá, hỗ trợ, duy trì. Từ đó góp phần thúc đẩy, nhân rộng các mô hình kinh tế nông nghiệp trên địa bàn phát triển một cách hiệu quả, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chất lượng, hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO