Chung sức để OCOP Đắk Glong thành hiện thực

Lê Dung| 04/11/2021 08:59

Có nhiều tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, nhưng đến nay, Đắk Glong vẫn chưa có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Do đó, huyện đang huy động các nguồn lực, nhất là các doanh nghiệp, HTX vào cuộc xây dựng sản phẩm OCOP.

Các chủ thể vào cuộc

HTX Đại Đồng Tiến, xã Quảng Khê (Đắk Glong) hiện có 44 xã viên tham gia sản xuất, với trên 100 ha cà phê. Để tham gia OCOP, đơn vị đang từng bước hoàn thiện các điều kiện cần thiết.

Theo ông Nguyễn Đức Phú, Giám đốc HTX, so với các tiêu chí của OCOP, đơn vị đang thiếu rất nhiều. Trong đó, bao bì sản phẩm của HTX hiện còn rất sơ sài. Do sản phẩm mới, nên đơn vị chưa thực hiện đăng ký nhãn hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Điều kiện máy móc phục vụ quá trình sản xuất cũng chưa đầy đủ. Đơn vị hiện mới đầu tư được máy rang, xay. Một số thiết bị liên quan khác do thiếu vốn nên chưa thể triển khai.

Để tiến tới đạt chứng nhận OCOP cho sản phẩm cà phê, HTX đang khuyến khích các xã viên phát huy thế mạnh riêng của mình ở từng khâu sản xuất. Đơn vị cũng đăng ký để được hỗ trợ xây dựng chuỗi sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

"Phấn đấu đến năm 2022, sản phẩm “Cà phê bột Đắk Long” của HTX sẽ đạt chứng nhận OCOP. Đây là mục tiêu quan trọng nhất trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh của HTX trong năm nay", ông Phú chia sẻ.

HTX Đại Đồng Tiến (Đắk Glong) phấn đấu đưa sản phẩm "Cà phê Đắk Long" đạt OCOP trong năm 2022

Tương tự, sản phẩm “Măng tre bốn mùa” của Công ty TNHH MTV Ba Sang Đắk Som, xã Đắk Som, đang được huyện Đắk Glong hỗ trợ xây dựng thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh trong năm 2022.

Theo bà Nguyễn Thị Sang, Giám đốc Công ty, ngoài nguồn nguyên liệu (30 ha) đã được trồng tại Đắk Nông, đơn vị đã mở rộng thêm diện tích khoảng 100 ha ở các tỉnh Gia Lai, Khánh Hòa.

Sản phẩm măng tre của Công ty đang có thế mạnh về sản xuất an toàn như: không dùng phân bón hóa học; không dùng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng.

Công ty cũng đang đầu tư, hoàn thiện hệ thống máy móc để phục vụ chế biến sâu cho sản phẩm của mình. Mục tiêu của Công ty là đưa sản phẩm sớm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Trên địa bàn huyện Đắk Glong hiện có rất nhiều sản phẩm tiềm năng, lợi thế, được nhiều người biết đến như: cà phê của HTX Danofarm, xã Quảng Sơn; cây dược liệu ở xã Đắk Ha; cam xoàn ở xã Đắk R’măng; ổi, bơ, bưởi ở xã Quảng Khê; dệt thổ cẩm, dâu tơ tằm… Các sản phẩm này có thể phát triển thành sản phẩm đạt OCOP trong tương lai.

Bám sát các tiêu chí

Theo Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Đắk Glong thì do nhiều nguyên nhân nên đến nay, địa phương mới chỉ có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp huyện và chưa có sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Các sản phẩm của địa phương hầu hết mới chỉ ở dạng tiềm năng, cần có thêm thời gian để hoàn thiện. Trong đó, các HTX, doanh nghiệp hầu như chưa được củng cố, mức độ tham gia còn hạn chế.

Các chủ thể có nhiều sản phẩm tham gia, nhưng vì một số tiêu chí để chấm điểm, xếp hạng đánh giá theo quy định nên không thể đáp ứng như: công tác kế toán, các chỉ tiêu phân tích sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, quy mô sản xuất, tiếp thị sản phẩm…

Mặt khác, do nguồn vốn của địa phương hạn chế nên thời gian qua, việc thực hiện hỗ trợ các giải pháp cho các chủ thể tham gia chưa thể thực hiện. Phần lớn các chương trình hỗ trợ về phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn chủ yếu là do tỉnh triển khai.

"Măng tre bốn mùa" của Công ty TNHH MTV Ba Sang Đắk Som, xã Đắk Som (Đắk Glong) có tiềm năng đạt OCOP

Cụ thể như, trong năm 2020, huyện lập danh sách đề nghị ngành chức năng hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm của 10 chủ thể trên địa bàn; đồng thời, lập danh sách 6 chủ thể là đại diện cho các tổ chức, cá nhân có sản phẩm tiêu biểu tham dự lớp tập huấn về Chương trình OCOP.

Theo ông Bùi Xuân Tịnh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Glong, huyện có nhiều sản phẩm chủ lực và rất quan tâm đến việc xây dựng các sản phẩm OCOP.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đề ra, các chủ thể đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP cần nêu cao quyết tâm. Các đơn vị phải tích cực phối hợp ngành liên quan để hoàn thành các phần việc theo yêu cầu, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

Các sản phẩm tiềm năng đã được huyện rà soát để đưa vào kế hoạch phát triển trong từng giai đoạn. Trong đó, huyện đang hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Các địa phương tích cực tạo điều kiện để các chủ thể bám sát các tiêu chí thực hiện đạt hiệu quả.

“Đến nay, các tổ chức kinh tế bước đầu đã được đào tạo, nắm rõ chu trình thực hiện, từng bước tham gia vào phát triển các sản phẩm OCOP của địa phương. Phấn đấu, đến năm 2022, toàn huyện có 5 sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh”, ông Tịnh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung sức để OCOP Đắk Glong thành hiện thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO