“Điểm sáng” thu hút đầu tư

Lê Phước| 27/09/2018 09:39

Có nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên, kinh tế, xã hội, những năm gần đây, hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn huyện Cư Jút đã có nhiều chuyển biến tích cực cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Không chỉ là “cửa ngõ” giáp ranh với TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Cư Jút còn có nguồn tài nguyên, đất đai màu mỡ, khí khậu phù hợp cho sự phát triển đa dạng, có quỹ đất lớn và nguồn nhân lực dồi dào. Với vị trí địa lý và điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, những năm gần đây, Cư Jút đã triển khai nhiều giải pháp, thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư đến với địa phương.

Dự án khu du lịch sinh thái hồ Trúc, ở thị trấn Ea T’ling với quy mô 23 ha đang được UBND huyện Cư Jút xúc tiến kêu gọi đầu tư

Nhiều chuyển biến tích cực

Thời gian qua, huyện Cư Jút đã tăng cường tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài việc ban hành quyết định danh mục các dự án kêu gọi đầu tư đến năm 2020, UBND huyện Cư Jút đã đẩy mạnh công khai các chính sách khuyến khích đầu tư, các dự án quy hoạch để nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn kịp thời nắm bắt. Đối với các dự án được UBND tỉnh giao, cho thuê đất, UBND huyện Cư Jút đều thực hiện giải phóng mặt bằng và bàn giao đất cho nhà đầu tư theo đúng thời gian quy định.

Về mặt quản lý nhà nước, huyện Cư Jút đã tăng cường công tác cải cách hành chính gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Không chỉ thường xuyên gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp, UBND huyện Cư Jút còn thành lập các đường dây nóng, hộp thư điện tử để tiếp nhận phản ánh và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Nhờ vậy, những năm gần đây, Cư Jút luôn là địa phương đứng đầu tỉnh về công tác cải cách hành chính.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Jút Nghiêm Hồng Quang, hiện tại, Khu công nghiệp Tâm Thắng (xã Tâm Thắng) đã thu hút được 37 dự án, trong đó 31 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký 2.286 tỷ đồng, vốn đã triển khai thực hiện 1.309 tỷ đồng. Khu công nghiệp này có tỷ lệ lấp đầy đạt 82,17%, giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động/năm.

Cư Jút hiện có 19 dự án (trong đó có 3 dự án FDI - dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài) đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong 10 dự án hoàn thành, một số dự án đã phát huy hiệu quả, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương như: Dự án khu phức hợp thương mại dịch vụ Tất Thắng; Dự án khu thể dục thể thao và một số dự án phát triển nông nghiệp khác…

Đối với 9 dự án đang triển khai, một số dự án lớn (có vốn đầu tư ngàn tỷ đồng) như: Dự án Điện mặt trời Cư Jút của Công ty CP Điện miền Trung; Dự án Điện mặt trời Tâm Thắng của Liên doanh Công ty CP Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên… được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Cư Jút sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác.

Tập trung thu hút đầu tư đồng bộ

Theo ông Quang, huyện Cư Jút có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp, công nghiệp và thương mại - dịch vụ nên thời gian tới, huyện sẽ tập trung thu hút đầu tư đồng bộ trên cả 3 lĩnh vực này. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, huyện đang tập trung kêu gọi một số dự án nông nghiệp như: Dự án khu sản xuất, chế biến nông sản tập trung tại xã Nam Dong với quy mô hơn 35 ha; Dự án xây dựng chợ đầu mối nông sản tại xã Trúc Sơn với quy mô 8,5 ha… Đây là những dự án đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững, kết hợp phát triển công nghiệp - dịch vụ theo hướng chọn lọc và phức hợp với điều kiện đặc thù và lợi thế so sánh của địa phương.

Về công nghiệp, huyện Cư Jút ưu tiên khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chế biến nông sản hướng vào những sản phẩm có lợi thế về nguyên liệu trong huyện và các vùng lân cận như: Chế biến tinh bột ngô, chế biến dầu thực vật và sữa đậu nành, chế biến trái cây… Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích các ngành công nghiệp năng lượng tái tạo thông qua việc kêu gọi xây dựng các nhà máy Điện mặt trời trên địa bàn.

Đối với lĩnh vực thương mại - dịch vụ, ông Nghiêm Hồng Quang cho biết huyện Cư Jút đang kêu gọi 4 dự án lớn gồm: Dự án Siêu thị tổng hợp (hiện Liên hiệp HTX thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đang xin UBND tỉnh chấp nhận chủ trương đầu tư với quy mô 3.000 m2 sàn); Dự án khu du lịch sinh thái hồ Trúc quy mô 23 ha; Dự án khu du lịch sinh thái văn hóa dọc sông Sêrêpốk (quy mô 200 ha) và Dự án đầu tư du lịch làng nghề 3 buôn của xã Tâm Thắng. Đây là những dự án góp phần phát triển mạnh các loại hình thương mại, du lịch và các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao để trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp lớn vào quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, việc tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái - văn hóa - cảnh quan cũng góp phần xây dựng các làng văn hóa du lịch nhằm bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống tốt đẹp của người dân tộc thiểu số tại chỗ.

Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Cư Jút đạt trung bình 9%/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%/năm. Trong cơ cấu kinh tế, công nghiệp - xây dựng hiện chiếm 37%, thương mại - dịch vụ chiếm 36% và nông nghiệp chiếm 27%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 40 triệu đồng/người/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Điểm sáng” thu hút đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO