Quan tâm, hỗ trợ các HTX có nhiều thành viên phụ nữ dân tộc thiểu số

Ông Trần Văn Ðức, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh| 09/01/2020 08:15

Trong những năm qua, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Ðắk Nông đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác có nhiều thành viên là phụ nữ dân tộc thiểu số. Trong đó, Liên minh HTX xây dựng mô hình để các HTX tiếp cận ứng dụng khoa học công nghệ và kết nối tìm đối tác mở rộng kinh doanh.

ADQuảng cáo

Ðẩy mạnh xúc tiến thương mại

Trong 2 năm qua, trên địa bàn tỉnh có 11 tổ hợp tác và HTX có phụ nữ là thành viên được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ. Các hoạt động hỗ trợ của Liên minh HTX phù hợp, thiết thực, góp phần giúp HTX, tổ hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh.

Sản phẩm của HTX Nông sản sạch Ðắk R’măng (Ðắk Glong) được trưng bày tại một hội nghị ở thành phố Gia Nghĩa.

HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ DANOFRAM, ở xã Quảng Sơn (Ðắk Glong) thành lập gần 2 năm. Hiện nay, HTX có 11 thành viên tham gia góp vốn và 82 thành viên tham gia liên  kết sản xuất các cây. Ðáng chú ý, số lượng thành viên HTX là chị em là người dân tộc thiểu số chiếm trên 60%. HTX chủ yếu liên kết với các thành viên trồng dâu, nuôi tằm, trồng mắc ca và cà phê. Ngay từ khi mới thành lập, HTX đã được Liên minh HTX tỉnh tư vấn, hỗ trợ về nhiều mặt nên hiện nay đang phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên. Bà Tạ Thị Liên, Giám đốc HTX cho biết: Trong thời gian qua, đơn vị đã được Liên minh HTX tỉnh tạo điều kiện cho đi tham quan, tập huấn ở các tỉnh và học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh. HTX có nhiều chị em thành viên là người dân tộc thiểu số nên chọn những cây trồng phù hợp với đặc tính, tập quán sản xuất của bà con và điều kiện đất đai ở địa phương. Qua tìm hiểu thực tế và được Liên minh HTX tư vấn, hỗ trợ, đơn vị chọn phát triển sản phẩm chủ lực là trồng dâu nuôi tằm. Hiện nay, HTX đã liên kết với các thành viên trồng trên 40 ha dâu để nuôi tằm và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Hiện nay, trung bình mỗi hộ trồng 1 ha dâu nuôi tằm, sau khi trừ chi phí sản xuất có thể thu về tầm 7-10 triệu đồng/tháng. HTX hỗ trợ kỹ thuật trồng dâu và cây giống, làm nhà nuôi tằm cho bà con, với tổng kinh phí khoảng 100 triệu đồng.

Sản phẩm của HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ DANOFRAM, xã Quảng Sơn (Ðắk Glong) được giới thiệu tại Hội nghị kết nối hợp tác hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ 4.0 được tổ chức tại thành phố Gia Nghĩa cuối năm 2019.

Hiện nay HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ DANOFRAM còn có sản phẩm mắc ca, măng, cà phê. Theo bà Tạ Thị Liên, trong năm qua, Liên minh HTX tỉnh và Chi cục Phát triển Nông nghiệp - Nông thôn đã giúp HTX quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, sự kiện triển lãm nông nghiệp trong và ngoài tỉnh. Cũng nhờ sự tư vấn của Liên minh HTX, đơn vị đang mở rộng sản xuất cà phê sạch. Hiện nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ðắk Glong cũng đang hỗ trợ HTX các thủ tục làm chứng nhận sản xuất cà phê  theo tiêu chuẩn UTZ với trên 100 ha, với 41 thành viên tham gia.

ADQuảng cáo

Thời gian qua, Liên minh HTX cũng đã hỗ trợ nhiều HTX, tổ hợp tác khác có thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có Tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã Ðắk Nia và Tổ hợp tác rượu cần xã Ðắk Nia (thành phố Gia Nghĩa).

Tổ hợp tác rượu cần xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ kinh phí kiểm tra chất lượng thực phẩm

Tiếp tục hỗ trợ về công nghệ

Với mục tiêu giúp các HTX, tổ hợp tác phát triển bền vững, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ các HTX tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, mở ra cơ hội kết nối, mở rộng kinh doanh. Trong đó, thực hiện Chương trình Hợp tác phát triển kinh tế tập thể giữa Liên minh HTX tỉnh Ðắk Nông và Viettel Ðắk Nông, từ năm 2018 đến nay, hai đơn vị đã phối hợp tuyên truyền cho các thành viên HTX, THT và các hộ nông dân trên địa bàn các huyện, thị xã sử dụng các ứng dụng 4G Plus, Onme, MyViettel, đổi sim 4G để cập nhật thông tin, giới thiệu, quảng cáo sản phẩm miễn phí, kiểm tra nguồn gốc sản phẩm, ứng dụng công nghệ vào hoạt động chuyên môn và sản xuất, kinh doanh.

Ông Trần Văn Ðức, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ðắk Nông chia sẻ: Trong 2 năm qua, về áp dụng công nghệ thông tin, chúng tôi đã hỗ trợ miễn phí cho các HTX về truy xuất nguồn gốc các sản phẩm. Ngoài ra còn hỗ trợ tích hợp trên bản đồ google maps về chỉ dẫn địa điểm và nơi sản xuất sản phẩm của HTX. Tích hợp bản đồ vệ tinh chỉ dẫn vườn cây của HTX. Những việc này Liên minh HTX tự làm và hỗ trợ HTX. Hiện nay, chúng tôi hỗ trợ HTX áp dụng trên điện thoại di động về nhật ký nông trại hàng ngày như bón phân, phòng ngừa sâu bệnh, kỹ thuật canh tác và có phần mềm quản lý để hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sau này. Những thông tin này của HTX được chuyển đến doanh nghiệp liên kết với HTX để biết, theo dõi diễn biến sản phẩm hàng ngày để có kế hoạch phù hợp cho phát triển sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao.

Trong 2 năm qua, đơn vị đã chú trọng giúp các HTX, tổ hợp tác về mặt quảng bá sản phẩm. Liên minh HTX tỉnh Ðắk Nông đã đưa sản phẩm thổ cẩm, rượu cần đi trưng bày, giới thiệu tại các điểm du lịch nổi tiếng và được khách quốc tế yêu thích. Ngoài ra, Liên minh HTX còn hỗ trợ Tổ hợp tác rượu cần xã Ðắk Nia kinh phí, thủ tục kiểm tra chất lượng thực phẩm và được chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu.

Ông Trần Văn Ðức, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh

Trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ hỗ trợ các HTX ứng dụng các phần mềm khác, trong đó có phần mềm nhận diện sâu bệnh cây trồng thông qua điện thoại di động. Tức là, HTX sử dụng điện thoại di động quét vào cây trồng và vài giây sau nhanh chóng biết được cây trồng đang bị bệnh gì và được hướng dẫn cách phòng trừ, bảo đảm chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường cũng như người lao động và người tiêu dùng. Sắp tới phối hợp với Viettel hỗ trợ các HTX nhiều hơn trong truy xuất nguồn gốc và ứng dụng các phần mềm, công nghệ tiên tiến hỗ trợ HTX để phát triển sản xuất.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan tâm, hỗ trợ các HTX có nhiều thành viên phụ nữ dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO