Phát triển kinh tế tập thể: Từ thực tế hoạt động của Hợp tác xã Dịch vụ - Nông nghiệp bon N’ting

Thanh Nga| 29/09/2016 09:51

Với những bước đi đúng hướng, vững chắc, Hợp tác xã Dịch vụ-Nông nghiệp bon N’ting ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong, Đắk Nông) đã trở thành “điểm tựa”, giúp thành viên thoát nghèo, vươn lên trong phát triển kinh tế.

ADQuảng cáo

Tập hợp nông dân bằng hướng đi hợp lý

Cuối năm 2014, trên cơ sở nhóm đồng sở thích bon N’ting, các thành viên đã quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ- Nông nghiệp bon N’ting để mở rộng quy mô, tập hợp nông dân chung sức phát triển kinh tế. Trong quá trình vận động thành lập, thuận lợi cơ bản và mấu chốt, quyết định lớn đến thành công là đa phần nông dân trên địa bàn đều có đất đai và đức tính cần cù, chịu khó học hỏi, ý chí vươn lên thoát nghèo.

Tuy nhiên, cái thiếu của họ là hiểu biết khoa học kỹ thuật, cách thức tổ chức sản xuất theo hướng khai thác hiệu quả quỹ đất, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm trên một diện tích và đầu ra ổn định cho sản phẩm. Từ đây, các thành viên sáng lập đã đến từng nhà để tuyên truyền, đưa ra cách thức làm ăn phù hợp để thuyết phục người dân tham gia.

Hướng đi của HTX là đưa giống khoai lang Nhật Bản vào sản xuất để khai thác hết quỹ đất trong năm, mùa mưa thì trồng lúa còn mùa khô thì trồng khoai để xuất khẩu. Nhận thấy lợi ích kinh tế từ hướng đi này là thiết thực, ngay từ đầu, HTX đã thu hút 25 nông dân tự nguyện tham gia và trở thành thành viên chính thức. Trong số các thành viên có 3 hộ người M’nông, 3 hộ người Mông và 15 hộ người Kinh đều thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo.

Ông Nguyễn Đức Êm, Giám đốc HTX Dịch vụ-Nông nghiệp bon N’ting cho biết: “Qua tham quan các mô hình trồng khoai lang xuất khẩu của các HTX thấy hiệu quả nên chúng tôi bàn bạc vận động người dân vào HTX và chuyển đổi sang trồng khoai Nhật Bản là chính. Với hướng đi là sản xuất hàng hóa để xuất khẩu và có các phương án làm ăn cụ thể nên được bà con đồng thuận”.

Ông Nguyễn Đức Êm, Giám đốc HTX bon N’ting cùng các thành viên kiểm tra chất lượng khoai lang để đóng gói xuất khẩu

Từ cách làm này, đến nay, kinh tế và đời sống của tất cả thành viên HTX bon N’ting đã đổi thay rất nhiều. Đơn cử như gia đình chị Phạm Thị Hậu, cuối năm 2014, khi tham gia vào HTX, vẫn còn thuộc diện hộ cận nghèo. Thế nhưng, chỉ sau 2 năm vào HTX, vốn liếng góp vào là 2 ha đất trồng lúa tại cánh đồng bon N'ting được chuyển sang 1 vụ trồng lúa, 1 vụ trồng khoai thì gia đình chị đã có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Chị Hậu vui vẻ: “Chúng tôi được HTX hướng dẫn kỹ thuật trồng khoai theo quy trình VietGAP nên năng suất cao và bán được giá. Trồng khoai thời gian cũng ngắn như trồng lúa, nhưng lợi nhuận cao hơn nhiều. Sau 4 tháng trồng, năng suất khoai thường đạt từ 20-25 tấn/ha, chăm sóc tốt đạt tới 30 tấn, trong đó có khoảng 70% sản lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Mỗi hecta khoai đầu tư hết 70 triệu đồng, giá bán ở mức 8-15 triệu đồng/tấn cũng có lãi cả trăm triệu đồng. Như gia đình tôi đã trồng khoai được 2 vụ, mỗi vụ thu về gần 300 triệu đồng”.

Xuất phát là hộ nghèo, giờ đây, gia đình chị Hậu đã xây được căn nhà kiên cố, khang trang và mua sắm được máy cày để làm đất trồng khoai, vận chuyển vật tư, nông sản.

 Không chỉ thu nhập tăng cao, theo nhiều thành viên thì khi tham gia vào HTX, họ được rất nhiều cái lợi. Đất đai vẫn thuộc quyền sử dụng của từng hộ mà chỉ tập trung cùng sản xuất, cùng mua vật tư nên giá rẻ hơn, góp phần giảm chi phí đầu tư. HTX liên kết với các doanh nghiệp thu mua sản phẩm nên không bị tư thương ép giá.

Việc tổ chức sản xuất từ xuống giống cho đến bón phân, làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh đều bằng máy móc. Những thành viên nào còn khó khăn thì được HTX cung ứng giống, vật tư đến khi thu hoạch và bán sản phẩm thì mới trả với lãi suất như ngân hàng. Đến thời vụ sản xuất hay thu hoạch thì bà con đổi công cho nhau. Từ những buổi đổi công này, bà con cũng trao đổi kinh nghiệm để sản xuất tốt hơn, tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó.

ADQuảng cáo

Đa dạng sản xuất, kinh doanh

Với việc HTX chọn cây khoai lang Nhật Bản là cây trồng chính đã đem lại lợi nhuận cao hơn so với nhiều cây trồng khác nên diện tích cứ thế tăng dần qua các vụ, từ 40 ha tăng lên 50 ha và vụ sắp tới sẽ là 60 ha. Hiện nay, HTX đã liên kết với các công ty sản xuất giống, cung ứng vật tư, thu mua nông sản để giúp nông dân khép kín từ “đầu vào” đến “đầu ra”. Khoai lang chủ yếu được HTX liên kết với các công ty xuất khẩu sang các nước, chỉ một số ít bán tại thị trường trong nước.

HTX còn tranh thủ đất đai, tư liệu sản xuất sẵn có của các thành viên để nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất lúa ở cánh đồng bon N’ting. Những năm trước, các thành viên chủ yếu trồng các giống lúa của địa phương nên năng suất chỉ đạt khoảng 4 tấn/ha. Nhưng năm nay, HTX đã liên kết với Công ty sản xuất giống miền Nam - Chi nhánh Tây Nguyên (Đắk Lắk) để trồng lúa lai chất lượng cao, năng suất đạt trên 6 tấn/ha. Ngoài việc trồng lúa để đáp ứng lương thực cho gia đình thì các thành viên còn có thể bán phục vụ thị trường.

Cũng như đa số người dân Tây Nguyên, các thành viên của HTX cũng trồng cà phê, hồ tiêu. Vì vậy, trong thời gian qua, HTX cũng phối hợp với các cơ quan chuyên môn, mời các kỹ sư, chuyên gia nông nghiệp hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cà phê, hồ tiêu, góp phần giúp các hộ dân thay đổi tư duy sản xuất, nên năng suất, chất lượng sản phẩm tăng lên.

Ông K’Ric- thành viên HTX cho biết: "Tham gia vào HTX đã giúp bà con biết kỹ thuật chăm sóc cây trồng và cách hạch toán sản xuất. Mình có gần 2 ha khoai lang, 1 ha cà phê, bây giờ đã biết chọn giống tốt, tỉa cành, bón phân, tưới nước đúng lúc, đúng liều lượng nên năng suất tăng lên. Nhờ đó, gia đình đã mua sắm được máy cày, máy kéo để phục vụ sản xuất”.

Hiện tại, HTX có 8 máy cày, 2 máy gặt đập liên hợp vừa phục vụ cho các thành viên, vừa làm dịch vụ cho bà con địa phương sản xuất. Nhờ có máy móc đã giúp HTX chủ động sản xuất đại trà, kịp thời vụ. Điển hình như vụ đông xuân 2016, HTX đã huy động máy móc đào mương, chủ động bơm nước tưới cho khoai lang nên năng suất vẫn bảo đảm, thu hoạch kịp thời vụ, tránh được khô hạn. HTX đang tính tới việc đầu tư hệ thống kênh mương để chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất.

Ông Nguyễn Đức Êm khẳng định: “Nguồn nhân lực quản lý rất quan trọng, nhưng lâu nay HTX chủ yếu lấy sự cần cù và chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp, HTX khác là chính. Vì vậy, HTX đang nhờ Liên minh HTX tỉnh để cử cán bộ trẻ tham gia các lớp học chuyên ngành có trình độ cao đẳng, đại học và tuyển dụng nhân lực có chất lượng cao vào làm việc, quản lý để phát triển hơn nữa”.

Mô hình cần được nhân rộng

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế tập thể, nhất là khuyến khích phát triển HTX ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Về phía huyện Đắk Glong cũng rất quan tâm, tạo điều kiện để HTX bon N’ting phát triển. HTX còn được Liên minh HTX tỉnh tư vấn, hỗ trợ về phương án sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, HTX được Dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển bền vững (3EM) hỗ trợ 200 triệu đồng xây dựng nhà kính để tiến tới sản xuất giống khoai lang Nhật Bản tại chỗ bằng phương pháp nuôi cấy mô.

Từ thực tế sản xuất, HTX Dịch vụ - Nông nghiệp bon N’ting đang được xem là một trong những HTX kiểu mới làm ăn, hoạt động hiệu quả, góp phần đưa kinh tế của các thành viên phát triển. Đây cũng là điểm sáng cần nhân rộng về cách thức vận động, hình thức tổ chức, cơ chế quản lý, điều hành phù hợp, linh hoạt, bám sát định hướng, tinh thần chung của luật HTX năm 2012 để góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương.

Việc chuyển sang hình thức sản xuất tập trung giúp các thành viên HTX khai thác lợi thế, tiếp cận khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao
hiệu quả kinh tế.
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế tập thể: Từ thực tế hoạt động của Hợp tác xã Dịch vụ - Nông nghiệp bon N’ting
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO