Nhiều phụ nữ tâm huyết với hợp tác xã

Phan Đinh| 15/03/2021 08:33

Chị Trần Thị Thu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hoàng Nguyên, xã Thuận Hạnh (Đắk Song), thường được gọi với cái tên trìu mến là “bà giám đốc”. Xuất thân từ một nông dân, chị Thu luôn tìm tòi những mô hình làm nông nghiệp tiên tiến để áp dụng cho vườn rẫy của mình.

ADQuảng cáo

Chị Thu cho biết, chị bắt đầu tìm hiểu về nông nghiệp hữu cơ từ năm 2012 và triển khai áp dụng cách làm này vào vườn hồ tiêu của mình. Sau đó, chị vận động người dân cùng làm, cùng thành lập HTX nông nghiệp hữu cơ.

Chị Trần Thị Thu được các thành viên HTX Nông nghiệp Hoàng Nguyên, xã Thuận Hạnh (Đắk Song) gọi với cái tên trìu mến “bà giám đốc”

Thực tế nhiều năm nay, giá hồ tiêu trên thị trường dao động khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg, nhưng HTX Hoàng Nguyên vẫn thu mua sản phẩm tiêu hữu cơ của các thành viên với giá 75.000 - 80.000 đồng/kg.

Sản  phẩm của HTX Hoàng Nguyên xuất khẩu qua các đơn vị trung gian. Năm 2020, mặc dù trước đại dịch Covid-19, nhưng HTX đã xuất bán 400 tấn tiêu hữu cơ sang các thị trường Mỹ, châu Âu, Tây Á..., tăng 400% so với năm 2019. Thành công này là kết quả tâm huyết của chị Thu cùng các thành viên trong HTX.

Tâm huyết với lĩnh vực rau, củ, quả, chị Nguyễn Thị Mai đã biến vùng đất xã Quảng Phú (Krông Nô) nhiều sỏi đá thành vùng nguyên liệu sản xuất hữu cơ có quy mô. Mô hình sản xuất của chị được nhiều người tìm đến học hỏi kinh nghiệm.

Chị Nguyễn Thị Mai tập hợp nông dân Quảng Phú (Krông Nô) trồng cây ăn trái và rau củ hữu cơ

Với 22 ha đất đầy sỏi đá ngày nào, giờ đây đã trở thành trang trại với hơn 6.000 cây cam sành, quýt đường, cóc, chanh, vú sữa, mít và các loại rau như cà chua, xà lách, bắp cải, bầu bí, bắp nữ hoàng...

ADQuảng cáo

Chị Nguyễn Thị Mai, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú cho biết, chị luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người để các thành viên sản xuất tốt. Năm vừa qua, HTX cung cấp trên 70 tấn trái cây và 80 tấn rau, củ, quả với giá cao hơn thị trường từ 2-3 lần, nên các thành viên vô cùng phấn khởi.

Chị Trần Thị Thanh Vân, Trưởng Ban Quản lý VietGAP của HTX Nông nghiệp Buôn Choáh là người có công vận động, thành lập HTX. Buôn Choáh có điều kiện trồng lúa nước, nhưng giá trị kinh tế không cao.

Do đó, chị Vân luôn trăn trở và tìm cách nâng cao giá trị lúa gạo của địa phương, làm sao để nông dân phải có thu nhập khá từ trồng lúa. Với suy nghĩ đó chị đã tìm đến Hội Nông dân tỉnh, các sở, ngành để được hỗ trợ, tư vấn

Chị Trần Thị Thanh Vân, Trưởng Ban quản lý VietGAP của HTX Nông nghiệp Buôn Chóah (Krông Nô) kiểm tra đóng bao bì sản phẩm 

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các cấp, chị vận động các tổ hợp tác trồng lúa thành lập HTX để cùng mua chung, bán chung và sản xuất chung một quy trình cho lúa gạo Buôn Choáh. Chị chọn những giống lúa có chất lượng gạo ngon như ST24, ST25 đưa vào sản xuất.

Hiện nay, 304 hộ dân Buôn Choáh tham gia sản xuất lúa trên 440 ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Chị Vân đã tìm đến các công ty có uy tín ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… để liên kết với HTX tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Nhờ đó, chị đã góp phần xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Buôn Choáh.  

Với sự năng động, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, nhiều phụ nữ đã giúp các hộ dân phát triển kinh tế tập thể ổn định, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội các địa phương đi lên.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều phụ nữ tâm huyết với hợp tác xã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO