Kinh tế tuần hoàn giúp HTX phát triển bền vững

Thanh Nga| 19/07/2022 08:40

Những năm qua, có nhiều HTX ứng dụng kinh tế tuần hoàn (KTTH) để phát triển nông nghiệp bền vững. KTTH đã giúp các HTX làm sạch môi trường, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng lợi nhuận...

ADQuảng cáo

HTX Tân Phú Nông, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) có 23 thành viên trồng 200 ha cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái. Thời gian qua, HTX đã áp dụng KTTH để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ông Trần Hữu Trung, Giám đốc HTX cho biết, HTX được Liên minh HTX tỉnh và Trung tâm chuyển giao tiến bộ khoa học Vietpham hướng dẫn kỹ thuật nhân cấy men vi sinh IMO4 để sản xuất phân hữu cơ.

Quy trình sản xuất phân là tận dụng phế phẩm nông nghiệp thải loại như vỏ cà phê, bơ, cây đậu, cây bắp, xác động vật... ủ với men vi sinh. HTX gom và thu mua các phế phẩm nông nghiệp với giá rẻ, sau đó đưa về chế biến thành phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng.

Sử dụng phân hữu cơ IMO4, mỗi 1 ha cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái giảm chi phí đầu tư khoảng 20 triệu đồng so với phân bón hóa học. Phân hữu cơ giúp cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu cho đất và nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản.

Sản phẩm hồ tiêu của HTX Hoàng Nguyên (Đắk Song) sản xuất theo chuỗi giá trị

HTX hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) trồng gần 100 ha hồ tiêu hữu cơ. Ông Đặng Tấn Huynh, Giám đốc HTX cho biết, nhiều năm trước, HTX tận dụng các phế phẩm nông nghiệp như vỏ cà phê, ché hồ tiêu, trái cây hư hỏng… trộn với vi sinh để làm phân hữu cơ bón cho cây trồng.

Các thành viên HTX cũng tận dụng lá cây từ trụ sống hồ tiêu để làm thức ăn chăn nuôi dê. Sau đó, bà con tận dụng phân dê ủ với các phế phẩm nông nghiệp để làm phân bón hữu cơ. Cách làm này đã giúp giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm.

ADQuảng cáo

Các sản xuất tuần hoàn cũng giúp HTX tạo ra những vùng tiểu khí hậu ở các vườn cây, giúp tạo ra môi trường trong lành. Hàng năm, vườn hồ tiêu duy trì năng suất ổn định từ 3-4 tấn/ha. Giá bán sản phẩm cũng cao gần gấp đôi so với giá thị trường.

Thành viên HTX hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) tận dụng cành lá trên trụ sống hồ tiêu để nuôi dê

Theo ông Đặng Quốc Dưỡng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, KTTH là một hệ thống, trong đó các tài nguyên được tận dụng lại hoặc tái sử dụng để chế biến thành nguyên liệu đầu vào.

Hoạt động này được thúc đẩy bởi quá trình đô thị hóa, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… Hiện nay, toàn tỉnh có 180 HTX nông nghiệp thì đa số đang tìm hiểu để ứng dụng KTTH để sản xuất nông nghiệp bền vững.

Các HTX đã và đang chú trọng tận dụng phế phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón cho cây trồng, tạo ra vòng quay tuần hoàn, giúp cải tạo đất, làm sạch môi trường, giảm chi phí sản xuất, tạo sản phẩm nông nghiệp sạch, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

"Việc ứng dụng KTTH đem lại nhiều lợi ích như tận dụng tối đa nguồn nhân lực, tiết kiệm tài nguyên nước, tài nguyên đất, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế và mang lại lợi ích cho xã hội. Ứng dụng KTTH sẽ thích ứng với biến đổi khí hậu", ông Dưỡng chia sẻ.

Theo ước tính của ngành chức năng, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có khoảng 120.000 tấn phế phẩm nông nghiệp có thể tận dụng để sản xuất phân hữu cơ vi sinh. Tự sản xuất phân vi sinh cũng giúp nông dân giảm được từ 20 - 25% chi phí đầu tư trong sản xuất nông nghiệp.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế tuần hoàn giúp HTX phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO