Tiếp bước ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc của Bác Hồ

Nguyễn Văn Thanh| 08/06/2020 14:14

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết càng rộng rãi, đoàn kết càng chặt chẽ thì thắng lợi càng to, thành tích càng lớn. Vì thế, việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nội dung mang tính chiến lược, xuyên suốt trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ để đón nhận những cơ hội cùng thách thức lớn của quá trình hội nhập quốc tế, bài học đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng mang tính thời sự, có ý nghĩa quan trọng.

ADQuảng cáo

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “Là một Đảng lãnh đạo, Đảng ta cần phải mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu. Toàn Đảng phải tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, đoàn kết nhất trí mới làm tròn nhiệm vụ của Đảng”.

Theo Người, cách mạng muốn thành công phải có lực lượng, lực lượng đó phải đủ mạnh để chiến thắng kẻ thù và xây dựng thành công xã hội mới. Muốn có lực lượng phải thực hành đại đoàn kết, vì “đoàn kết là lực lượng”. Còn nhớ, khi nước ta vừa giành được độc lập, vận mệnh dân tộc đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Người đã chỉ rõ: “Dân tộc ta suy hay thịnh, mất hay còn, chính ở trong lúc này. Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, Đảng Lao động Việt Nam. Ảnh tư liệu

Trong thư gửi đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku, ngày 19/4/1946, Bác nêu rõ: “Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả các dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta”. Đoàn kết rộng rãi không những là yêu cầu tất yếu của cách mạng Việt Nam mà còn là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, một tầm nhìn về tương lai của dân tộc. Vì thế, trong lời phát biểu của Bác khi ra mắt Đảng Lao động Việt Nam ngày 3/3/1951, Bác đã nêu 8 chữ: “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc” là mục đích của Đảng và Đảng thực hiện “đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc”, “đoàn kết để xây dựng nước nhà”, cho nên phải “đoàn kết rộng rãi và lâu dài”, “đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ, đồng thời phải củng cố” và “ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ Nhân dân thì ta đoàn kết với họ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu yêu cầu của đoàn kết là phải đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ, đoàn kết thật sự cả chiều sâu, có hiệu quả, không phải đoàn kết ngoài miệng, mà đoàn kết bằng việc làm, đoàn kết bằng tinh thần, đoàn kết thực sự. Trong bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Hà Tây ngày 10/2/1967, Người nhắc nhở cán bộ “từ tỉnh đến huyện, đến xã phải đoàn kết, đoàn kết thật sự, làm sao tự mình nêu gương và giáo dục cho Đảng viên, đoàn viên, cán bộ giữ gìn, phát triển đạo đức cách mạng". Người giải thích: “Đoàn kết thực sự nghĩa là mục đích nhất trí và lập trường cũng phải nhất trí. Đoàn kết thực sự nghĩa là vừa đoàn kết, vừa đấu tranh, học những cái tốt của nhau, phê bình những cái sai của nhau và phê bình trên lập trường thân ái, vì nước, vì dân”. Về mối quan hệ giữa phê bình, tự phê bình và đoàn kết Người giải thích: Phê bình, tự phê bình tốt nghĩa là xuất phát từ đoàn kết mà phê bình và tự phê bình, phê bình và tự phê bình để đi đến đoàn kết hơn nữa.

ADQuảng cáo

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Nhờ có chiến lược đại đoàn kết đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng nước ta đã giành được thắng lợi trong đấu tranh dành chính quyền, trong đấu tranh dựng nước, giữ nước, và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đặc biệt, trải qua 35 năm đổi mới đất nước, các nghị quyết của Đảng đã không ngừng đi vào cuộc sống và khẳng định những nội dung đúng đắn của đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, từng bước đổi mới. Sự đoàn kết, thống nhất, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa Đảng, Nhà nước, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội được tăng cường. Chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong tình hình hiện nay, kẻ xấu đã và đang tìm cách phá hoại sự đoàn kết thống nhất của Đảng ta cũng như mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. Bởi vậy, tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh cần được quán triệt sâu sắc và đừng một phút giây lơ là tinh thần cảnh giác cách mạng.

Hiện nay, các cấp ủy đảng đang đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, khi chúng ta đang đứng trước thời điểm phải lựa chọn những người xứng đáng, vừa có tài, vừa có đức để đảm nhận những trọng trách lãnh đạo đất nước thì chúng ta càng phải phát huy truyền thống đoàn kết thống nhất. Đây là trách nhiệm lớn, mà trước hết là của tập thể, cá nhân lãnh đạo từ Trung ương đến từng cơ sở. Nhớ lời Bác dặn: “Đoàn kết nhất trí thì chúng ta nhất định xây dựng được nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập,
dân chủ, tự do, giàu mạnh”.

Năm 2020, với chủ đề “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, hơn bao giờ hết, các cấp ủy cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc. Bởi, đại đoàn kết là sự nghiệp của cả dân tộc, của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là Đảng Cộng sản, được thực hiện bằng nhiều biện pháp, hình thức; trong đó, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Đó là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu, là nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp bước ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc của Bác Hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO