Người làm công tác mặt trận như “làm dâu trăm họ”

Hoàng Bảo| 05/11/2019 10:56

Bằng việc chú trọng nâng cao chất lượng, kỹ năng hoạt động, đội ngũ cán bộ mặt trận ở tuyến cơ sở ngày càng phát huy vai trò, vị trí của mình trong việc tuyên truyền, vận động, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

ADQuảng cáo

Thông qua vận động của Ban công tác Mặt trận, cán bộ, Nhân dân thôn 1, xã Kiến Thành (Đắk R’lấp) đã tự nguyện giải phóng mặt bằng để làm đường giao thông nông thôn

Làm bằng cái tâm, sự nhiệt huyết

Nhiều năm làm Trưởng ban công tác mặt trận thôn Sadaco, xã Quảng Tín (Đắk R’lấp), bà Nguyễn Thị Vịnh luôn suy nghĩ, người làm công tác mặt trận cũng như “làm dâu trăm họ”, nhiều việc, luôn tay, luôn chân, nhưng lại góp phần không nhỏ trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Vì vậy, dù việc nhà bận rộn, song bà Vịnh vẫn luôn cố gắng chu toàn, dành phần lớn thời gian tuyên truyền, vận động bà con chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, thôn xóm ngày càng phát triển. Hễ nhà ai có chuyện “cơm không lành canh không ngọt” hay khó khăn, đau ốm… bà đều kịp thời có mặt khuyên nhủ, chia sẻ.

Khi trong thôn còn nhiều hộ nghèo, khó khăn, bà đã nhanh chóng vận động các hộ dân, nhà hảo tâm hỗ trợ lương thực, thực phẩm. Bà vận động các tổ chức đoàn thể trong thôn triển khai những hoạt động thiết thực để hỗ trợ hội viên về vốn, khoa học kỹ thuật, kịp thời động viên, khích lệ để các gia đình tự nỗ lực vươn lên. Nhờ đó, đến nay, thôn Sadaco hiện có 147 hộ dân thì chỉ còn 5 hộ nghèo. Hầu hết người dân trong thôn luôn đoàn kết, chung sức xây dựng nông thôn mới như hiến đất để xây dựng công trình công cộng.

Hội thi Trưởng ban công tác mặt trận giỏi tỉnh lần thứ 2 năm 2019 là dịp để cán bộ mặt trận cơ sở nâng cao nhận thức, kỹ năng hoạt động

Theo bà Vịnh, công việc nào cũng có vất vả, nhưng điều căn bản là làm bằng cái tâm, sự nhiệt huyết, công khai minh bạch, nghĩ cho dân thì sẽ được dân đồng tình ủng hộ. Bất cứ việc gì, một khi dân ủng hộ thì việc khó mấy cũng làm được. Qua thực tế vận động bà con chung sức xây dựng nông thôn mới, bà rút ra kinh nghiệm, không phải làm gì cũng vội vàng cho xong mà cần kiên trì, lắng nghe, làm từng bước một… Dưới sự vận động của bà, nhiều năm nay, thôn Sadaco đều được công nhận là thôn văn hóa, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.

Việc gì có lợi cho dân thì làm

ADQuảng cáo

Tương tự, ông Phan Văn Sơn nhiều năm được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng ban công tác mặt trận thôn Nam Nghĩa, xã Nam Đà (Krông Nô). Với suy nghĩ, việc gì có lợi cho dân thì làm, nên mỗi khi triển khai hoạt động nào ông Sơn đều học cách lắng nghe dân, kêu gọi bà con góp ý để bảo đảm dân chủ, thống nhất. Ông cũng thường xuyên tâm sự với bà con để tạo mối quan hệ gắn bó với dân. Khi cần tuyên truyền, vận động, ông tranh thủ mọi lúc, mọi nơi làm sao để tiện nhất cho dân chứ không bó hẹp trong các hội nghị, cuộc họp.

Cán bộ Mặt trận huyện Đắk Glong tham gia phần thi tự giới thiệu và xử lý tình huống Hội thi Trưởng ban công tác Mặt trận giỏi tỉnh lần thứ 2, năm 2019

Điển hình, trong xây dựng nông thôn mới hay khu dân cư kiểu mẫu, ông đều trao đổi với bà con để chỉ ra những mặt lợi sẽ được hưởng cũng như chỉ ra vai trò, trách nhiệm của người dân đối với phong trào. Nhờ đó, người dân trong thôn rất đồng thuận, không chỉ hiến đất, góp tiền, góp công làm đường bê tông nông thôn mà còn tự làm điện đường chiếu sáng thôn xóm. Hiện nay, nhiều gia đình trong thôn đã có sự thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp như lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi mới, năng suất cao, phát triển theo hướng hàng hóa…

Điều đáng nói, dưới sự vận động của ông Sơn, bà con thôn Nam Nghĩa luôn đoàn kết, thống nhất, chung sức xây dựng nông thôn mới. Thôn có 178 hộ thì nay không còn hộ nghèo, nhiều năm liền là thôn văn hóa. Đặc biệt, hiện nay, bà con ai nấy tự giác xây dựng vườn, rẫy kiểu mẫu để góp phần nâng cao chất lượng của phong trào xây dựng nông thôn mới.

Theo Ủy ban MTTQ tỉnh, toàn tỉnh hiện có 789 ban công tác mặt trận ở 789 khu dân cư. Cán bộ mặt trận cơ sở chính là đội ngũ “chân rết”, gần dân, sát dân nhất và trực tiếp đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến gần nhất với người dân. Nhận thức được vấn đề này, Mặt trận các cấp luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cũng như tạo ra những sân chơi trao đổi, chia sẻ kỹ năng cho đội ngũ cán bộ mặt trận cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chuyên môn, nghiệp vụ công tác mặt trận.

Đội ngũ “chân rết”

Hàng năm, Mặt trận cấp huyện phối hợp với các trung tâm bồi dưỡng chính trị tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ mặt trận cơ sở và Ban công tác mặt trận ở khu dân cư. Mới đây nhất, MTTQ tỉnh đã tổ chức Hội thi Trưởng ban công tác mặt trận giỏi tỉnh lần thứ 2 năm 2019. Đây là dịp để cán bộ mặt trận cơ sở nâng cao nhận thức, kỹ năng hoạt động, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong tuyên truyền, vận động cũng như triển khai thực hiện các phong trào, cuộc vận động do các cấp, ngành, Mặt trận phát động.

Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp cũng đã có nhiều giải pháp quan tâm hướng dẫn Ban công tác mặt trận khu dân cư nâng cao chất lượng hoạt động, đi vào nền nếp, thực hiện tốt các nhiệm vụ theo quy định tại Điều lệ MTTQ Việt Nam, Pháp lệnh dân chủ cơ sở.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người làm công tác mặt trận như “làm dâu trăm họ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO