Người cựu chiến binh dựng Tượng Bác Hồ, tỏ lòng thành kính, biết ơn

Hoàng Thanh| 19/05/2020 09:00

Trong ký ức của cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1950), quãng thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ không bao giờ phai mờ. Trở về sau cuộc chiến, ông thấy mình vô cùng may mắn hơn so với nhiều đồng đội nên đã dựng “Đài Liệt sĩ” tại nhà và Tượng Bác Hồ để ngày đêm nhang khói, thờ phụng.

ADQuảng cáo

Tự hào là lính Sư đoàn 308

Những ngày tháng 5 nắng chói chang, trên con đường đất đỏ dẫn vào nhà CCB Nguyễn Mạnh Hùng ở thôn 2, xã Đắk Ha (Đắk Glong), những vườn cà phê thiếu nước rũ lá. Đã gần giữa trưa, vậy mà ông Hùng vẫn cặm cụi bên những luống rau. Một mình, một nhà trên đỉnh đồi ông đã gắn bó với vùng đất này hơn 17 năm.
Tiếp chuyện chúng tôi, ông Hùng hồi tưởng: “Sinh ra ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, năm 1967 theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi xung phong lên đường nhập ngũ. Vào quân đội, tôi được biên chế vào Sư đoàn 308. Sau thời gian huấn luyện, tôi cùng đồng đội hành quân vào chiến trường Quảng Trị”.

CCB Nguyễn Mạnh Hùng dựng Tượng Bác Hồ, tỏ lòng kính yêu vô hạn lãnh tụ của dân tộc

Theo ông Hùng, Sư đoàn 308 lúc bấy giờ được coi là “quả đấm thép” của Quân đoàn 1 bởi đã tham gia cả 3 chiến dịch lớn: Đường 9 - Khe Sanh ( năm1968), Đường 9 - Nam Lào (năm 1971) và Xuân-Hè (năm 1972), giáng cho địch những tổn thất nặng nề, tạo được tiếng vang lớn. Bởi vậy, ông luôn tự hào mình là lính của Sư đoàn 308.

Nhắc lại chuyện cũ, ông Hùng nhớ rất rõ kỷ niệm cả đơn vị hành quân ra trận. Đó là ngày 6/3/1968, từ Vĩnh Phúc, các đơn vị trong sư đoàn vượt sông Hồng sang Sơn Tây rồi hành quân theo đường giao liên của Đoàn 559 vào chiến trường. Sư đoàn đến Khe Sanh vào thời điểm chiến dịch Đường 9-Khe Sanh diễn ra gần 2 tháng. Mặc dù chịu nhiều tổn thất, địch vẫn quyết giữ Khe Sanh, nơi quân địch xem như "tấm lá chắn" phía tây tuyến phòng thủ đường số 9 và là căn cứ lợi hại hòng ngăn chặn sự tiếp tế của quân ta từ hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Ngày 9/5/1968, sư đoàn nhận mệnh lệnh chiến đấu. Hơn 1 tháng tham gia chiến dịch Đường 9-Khe Sanh, Sư đoàn 308 đã đánh hàng chục trận, quy mô từ đại đội đến tiểu đoàn, nhiều trận chủ động đánh ban ngày, loại khỏi vòng chiến đấu gần 2.000 lính thủy đánh bộ Mỹ, cùng nhiều vũ khí, khí tài của địch. Trong chiến dịch này có nhiều trận đánh nổi tiếng ở đồi Bằng, làng Cát, điểm cao 680-Phu Nhoi … Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh, Sư đoàn 308 đã chiến đấu trực tiếp với quân chủ lực tinh nhuệ có trang bị vũ khí hiện đại của Mỹ, lập chiến công vẻ vang, buộc quân Mỹ phải tháo chạy khỏi căn cứ Khe Sanh.

Trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào (năm 1971), cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 đã chiến đấu liên tục trong 52 ngày đêm, với nhiều trận đánh ác liệt và giành thắng lợi lớn ở điểm cao 500 trên đường số 6 Bản Đông. Đặc biệt, sư đoàn đã chốt giữ kiên cường ở điểm cao 311 dưới mưa bom bão đạn, trở thành chốt thép anh hùng, góp phần quan trọng cho các đơn vị bạn tiêu diệt địch, đập tan cuộc hành quân Lam Sơn 719.

Ở chiến dịch Xuân-Hè (năm 1972), tại Quảng Trị, Sư đoàn 308 đánh gần 800 trận lớn, nhỏ, tiêu diệt và bắt sống hơn 10.000 tên địch, phá hủy và thu nhiều xe tăng, xe thiết giáp, khẩu pháo, bắn rơi 23 máy bay các loại. Chiến công của sư đoàn ở chiến dịch này góp phần xứng đáng vào chiến công chung của quân và dân ta trên mặt trận Quảng Trị cũng như chiến trường miền Nam, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris (năm 1973), chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, đưa sự nghiệp cách mạng miền Nam chuyển sang một giai đoạn mới.

ADQuảng cáo

Lập Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ để tưởng nhớ, nhang khói

Dựng Tượng Bác Hồ từ năm 2016

Sau chiến dịch Xuân – Hè, ông Hùng được cấp trên tin tưởng điều ra Bắc làm công tác huấn luyện chiến sĩ mới tại Đông Anh (Hà Nội) và đến năm 1973 do sức khỏe yếu nên được xuất ngũ. Sau khi xuất ngũ ông lập gia đình, do cuộc sống khó khăn nên bôn ba khắp nơi làm kinh tế. Đến năm 2003, ông Hùng lên Đắk Nông lập nghiệp rồi gắn bó đến tận bây giờ. Cuộc sống riêng tư của gia đình ông cũng có nhiều điều trắc trở nên khi các con đã trưởng thành ông Hùng sống một mình từ khi lên Đắk Nông đến bây giờ.

Tâm sự với chúng tôi, ông Hùng cho biết: “Tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn, có lẽ phải có ai che chở cho nên mới không hề hấn gì sau khi tham dự hàng trăm trận đánh qua 3 chiến dịch lớn. Trong 3 chiến dịch, hơn 2.500 đồng đội của tôi đã ra đi mãi mãi ở tuổi 18, đôi mươi. Tôi già rồi, hơn nữa không có điều kiện ra Nghĩa trang Đường 9 Quảng Trị thường xuyên, nên tôi đã dựng Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ để nhang khói, tưởng nhớ, tri ân”.

Riêng về Tượng Bác Hồ, ông Hùng tâm sự thêm: “Một lần trong giấc mơ, tôi gặp Người đến ngọn đồi này, nên nghĩ đó là cơ duyên. Vì vậy, tôi đã tìm hiểu, đi nhiều nơi và năm 2016, một lần xuống Đồng Nai thấy Tượng Bác Hồ đẹp, phù hợp với hình ảnh gặp trong giấc mơ, nên “thỉnh” Người về”.

Bởi vì kính yêu Người nên năm 2016, tôi đã dựng Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh để tỏ lòng thành kính và ngày đêm nhang khói. Ngay từ thời chưa nhập ngũ, tôi đã kính yêu Bác. Lớn lên, vào quân ngũ, tôi càng kính yêu Người hơn bởi Người như một thánh nhân suốt đời vì Tổ quốc, vì Nhân dân, đến khi nằm trên gường bệnh vẫn lo cho dân.

Hiện nay, ông Hùng là Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn 2, xã Đắk Ha, với 28 hội viên, chủ yếu là CCB từng tham gia kháng chiến chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc sau năm 1975. Vào các ngày lễ, tết, nhiều CCB trên địa bàn đến nhà ông thắp nhang tưởng nhớ Bác Hồ và tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Trước khi chia tay, ông Hùng còn thổ lộ thêm: “Tới đây, bên cạnh Tượng Bác Hồ, tôi sẽ trồng cây, xây bể nước, tạo thành bản đồ Việt Nam và biển đảo để mọi người khi đến đây thêm trân trọng giá trị của độc lập, tự do và hòa bình”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người cựu chiến binh dựng Tượng Bác Hồ, tỏ lòng thành kính, biết ơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO