Học tập Bác về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới

Cẩm Trang| 14/11/2018 09:47

Vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Quy định), một lần nữa khẳng định, mỗi cán bộ, đảng viên ở cương vị lãnh đạo càng cao, càng cần phải gương mẫu, nhất là về phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo, gắn bó mật thiết với dân.

ADQuảng cáo

Người lãnh đạo phải nhận thức rõ và thực hiện tốt vai trò thủ lĩnh của mình trong cuộc đấu tranh chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, không tư lợi, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Mục đích xuyên suốt của Quy định là để đưa việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên và nếp văn hóa của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí lãnh đạo, những vị trí chủ chốt ở mọi cấp. Cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu, để góp phần quan trọng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành thời gian tăng gia sản xuất. Ảnh tư liệu

Nhìn lại cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ, hy sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta thấy Bác là một tấm gương đạo đức mẫu mực cho mọi người học tập và noi theo. Tấm gương đạo đức của Người đã đạt tới sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức và nêu gương đạo đức, đạt tới sự nhất quán giữa công việc và đời tư, giữa đạo đức vĩ nhân và đạo đức đời thường. Người nhận thức rằng: Đối với các dân tộc phương Đông thì “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Do vậy, khi địa vị càng cao, uy tín càng lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng ra sức tự hoàn thiện để trở thành tấm gương đạo đức trọn vẹn.    

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu gương thì trước hết phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nói phải đi đôi với làm. Trong đó chủ yếu trên ba mối quan hệ đối với mình, đối với người, đối với việc. Đối với mình phải không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo mà luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, phải tự phê bình mình như rửa mặt hàng ngày; đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, khoan dung, độ lượng; đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng” (để việc công lên trên, lên trước việc tư), đã phụ trách việc gì thì phải tận tâm, tận lực làm cho kỳ được, không sợ khó khăn, gian khổ, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh.  

ADQuảng cáo

Với Người, việc xây phải đi đôi với chống. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm khởi xướng và kiên trì cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong mọi thời điểm cách mạng. Người chỉ rõ: “Muốn xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội thì trước hết phải chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi chúng ta là chủ nghĩa cá nhân”.

Thực tế, trong mỗi giai đoạn cách mạng và đòi hỏi của cuộc sống mà tính tiên phong gương mẫu của đảng viên có nội dung, yêu cầu cụ thể khác nhau, thể hiện tập trung trong nhiệm vụ của đảng viên ghi trong Điều lệ Đảng. Song, nội dung duy nhất, cốt lõi nhất của tính tiền phong gương mẫu của đảng viên là: Đảng viên suốt đời phấn đấu cho mục tiêu lý tưởng của Đảng, luôn luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân. Đảng viên cộng sản chân chính phải luôn tự chất vấn mình đã làm được gì cho Đảng, cho Tổ quốc và cho nhân dân.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã xác định bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó nhấn mạnh việc phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên “Hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và bí thư cấp ủy các cấp”. Việc Hội nghị Trung ương 7 khóa XII bàn về việc xây dựng đội ngũ cấp chiến lược có đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ thì uy tín của họ phải được thể hiện và kiểm nghiệm bằng sự nêu gương.

Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong công tác cán bộ nói chung và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói riêng chính là vận dụng những giá trị cốt lõi, tính nhân văn được kết tinh từ những đặc trưng tiêu biểu Hồ Chí Minh vào cuộc sống của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi tổ chức, cơ sở đảng. Bởi cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng, một hình ảnh mẫu mực về “người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Để giáo dục bằng nêu gương đạt kết quả cao, Người chủ trương: “Lấy gương người tốt việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Trong cuộc sống hàng ngày, người cán bộ, đảng viên chẳng những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt để trở thành con người có đời tư trong sáng mà còn phải là tấm gương giúp nhân dân nhìn vào đó làm những điều đúng, điều thiện, chống lại thói hư, tật xấu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học tập Bác về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO