Học Bác để vươn lên trên mảnh đất Tây Nguyên

Đức Hùng| 19/08/2020 09:31

Vượt lên chính mình, không ngại khó khăn, thất bại, anh Nguyễn Trọng Duy, 42 tuổi, ở thôn 2, xã Quảng Tâm (Tuy Đức) đã xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả và sẻ chia kinh nghiệm, hỗ trợ cho những người gặp khó khăn trong phát triển kinh tế.

Đứng lên từ những thất bại

Anh Nguyễn Trọng Duy sinh ra đã thiệt thòi hơn những người bạn cùng trang lứa, khi chân trái của anh bị dị tật, di chuyển không được như người bình thường và không thể mang được vật nặng. Năm 2004, gia đình anh từ Hải Dương vào Đắk Nông lập nghiệp. Những ngày đầu, gia đình anh gặp không ít khó khăn trên vùng đất mới, với các loại cây công nghiệp trồng trên đất đỏ bazan.

Tạo nhiều nguồn thu là cách làm kinh tế mang lại hiệu quả cho gia đình anh Duy

Dù vợ chồng đã cần mẫn, chịu khó tăng gia sản xuất, nhưng vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Thấy cách làm không mang lại hiểu quả kinh tế, anh mày mò tìm hiểu qua sách vở, tìm những người nông dân trên địa bàn để học hỏi. Qua các mô hình, anh Duy được những người có kinh nghiệm chia sẻ nhiều cách làm hay trong sản xuất, phát triển kinh tế… Từ đó, giúp anh có nhiều ý tưởng để thay đổi cách làm với hy vọng kinh tế gia đình phát triển, có điều kiện cho con cái ăn học tốt hơn.

Bắt tay vào sản xuất, anh Duy mạnh dạn đầu tư trồng khoai lang, nhưng kết quả không như mong muốn. Thời điểm thu hoạch, giá khoai lang xuống thấp, dẫn đến thua lỗ. Không chịu đầu hàng thất bại, anh tìm cách khác để làm giàu trên vùng đất mới. Để có vốn tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế, anh Duy vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội để chăn nuôi bò. Chăn nuôi bò cũng chỉ thuận lợi được một thời gian ngắn thì dịch bệnh lở mồm long móng bùng phát tại địa phương, khiến đàn bò của anh mắc bệnh. Cùng thời điểm đó, vườn tiêu của anh bị chết, giá cả các loại nông sản xuống thấp, nên cuộc sống gia đình anh gặp muôn vàn khó khăn.

Hụt vốn sản xuất, kinh tế gia đình tụt dốc, khiến anh Duy thất vọng đến cùng cực. Anh tâm sự: "Làm gì thất bại đó, khiến tôi thất vọng vô cùng. Nhưng những thất bại đó là do cách làm sai. Từ đó, tôi đã dừng lại việc đầu tư để đi học hỏi thêm kinh nghiệm sản xuất".

Anh Duy hiến đất để địa phương xây dựng hội trường thôn 2

Phất lên nhờ đa cây đa con

Anh Duy bỏ cả tháng trời lặn lội qua Lâm Đồng một số tỉnh khác để học hỏi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp. Anh luôn lắng nghe và ghi chép tỉ mỉ cách làm, các kinh nghiệm học hỏi được. Từ những chuyến đi như thế, anh Duy được tiếp cận với nhiều mô hình sản xuất hay, hiệu quả. Ngoài trồng trọt, anh tìm đến các trang trại chăn nuôi để học tập kinh nghiệm. Các chủ trang trại đã chia sẻ cho anh rất nhiều kinh nghiệm, cách làm, tư vấn về cách chọn con giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc vật nuôi…

Với những gì học được từ các chuyến đi và đúc kết sau những thất bại, anh Duy quyết định thế chấp tài sản để vay vốn của ngân hàng nông nghiệp đầu tư xây dựng mô hình kinh tế đa cây, đa con. Cụ thể, trên 10 ha đất, anh quy hoạch khá bài bản thành từng khu vực sản xuất riêng biệt để phát triển cây trồng. Khu vực 3.000m2 được anh xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò, gà. Một khu khác rộng 1,5 ha anh trồng cà phê. Anh cũng trồng 2 ha hồ tiêu; 1 ha bơ; 1 ha sầu riêng; 4,2 ha luân canh trồng hoa lay ơn lấy củ, khoai lang, chanh dây, bắp sú...

Việc phát triển đa dạng cây trồng, vật nuôi đã tạo ra nhiều nguồn thu nhập khác nhau. Điều đó đã giúp anh giảm rủi ro về mất giá, mất mùa. Tổng thu nhập bình quân của gia đình anh đạt khoảng 1 tỷ đồng/năm, trừ chi phí. Ngoài ra, gia đình anh còn giải quyết việc làm cho từ 10-15 lao động thời vụ và thường xuyên, với mức lương trung bình là 5 triệu đồng/người/tháng. Mô hình sản xuất đa cây, đa con của gia đình anh Duy đã đứng vững được trong tình hình dịch bệnh, giá cả nông sản xuống thấp.

Với những kiến thức, kinh nghiệm đúc kết được trong quá trình sản xuất, anh Duy thường chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn, giúp đỡ bà con, hội viên nông dân trên địa bàn về kiến thức trồng trọt, chăn nuôi. Anh còn hỗ trợ hàng trăm triệu đồng tiền vốn cho một số hộ dân có hoàn cảnh khó khăn vay để mua vật tư, phân bón phát triển kinh tế gia đình. 

Năm 2019, gia đình anh Duy hiến 900m2 đất ngay trung tâm xã để xây dựng hội trường thôn 2, góp phần vào chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. 

Ngôi nhà khang trang của anh nông dân tiêu biểu Nguyễn Trọng Duy

Anh chia sẻ: "Tôi đã trải qua nhiều khó khăn, vất vả và chịu thiệt thòi về cơ thể, nên thấy những người khó khăn giúp được gì là tôi giúp liền. Thành công lớn nhất của tôi chính là dùng nghị lực vượt qua chính mình, vượt qua những khó khăn, thất bại ban đầu, dám nghĩ, dám làm và không ngừng nỗ lực tìm tòi, học hỏi. Tôi đã học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ  để vươn lên trên chính mảnh đất Tây Nguyên này".

Với những thành quả đạt được thời gian qua, anh Duy đã được công nhận là nông dân tiêu biểu trên địa bàn huyện Tuy Đức. Mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh cũng đang được nhiều người dân địa phương học tập, áp dụng theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học Bác để vươn lên trên mảnh đất Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO