Gần dân, sát dân để chăm lo cho dân tốt hơn

Hoàng Hoài| 24/03/2020 09:37

Đắk Nông hiện còn 21.070 hộ nghèo (chiếm 13,51%) dân số toàn tỉnh, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số là 13.397 hộ, dân tộc tại chỗ là 5.624 hộ. Xác định xóa đói, giảm nghèo là một chủ trương lớn, cần sự chung tay của toàn xã hội, trên tinh thần lắng nghe dân, gần dân, sát dân, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã có những cách làm sáng tạo, phù hợp nhằm chăm lo đời sống cho Nhân dân được tốt hơn. Đây cũng là cách góp phần đưa nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về xóa đói giảm nghèo đi vào thực tiễn cuộc sống.

Kỳ 1: Cấp bò cho người nghèo - câu chuyện của cho và cách cho

Thời gian qua, việc hỗ trợ bò giống cho người nghèo được khá nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện với tinh thần gần dân, sát dân, lắng nghe dân. Câu chuyện cấp bò cho người nghèo của Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Đắk D’rông (Cư Jút) và Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tuy Đức là minh chứng rõ nét nhất về của cho và cách cho này.

Ông Đỗ Quang Diên, Chủ tịch Hội CCB xã Đắk D'rông (bên trái) thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chăn nuôi bò của hội viên

Phát huy dân chủ

Năm nay đã ngoài 70 tuổi, trong một lần bị đột quỵ, ông Lôi Văn Nhì ở thôn 20, xã Đắk D’rông (Cư Jút) không còn khả năng lao động. Gia đình chỉ có 1 sào ruộng lúa, nên thu chẳng đáng bao nhiêu. Sau khi khảo sát hoàn cảnh gia đình và được sự đồng thuận của hội viên, Hội CCB xã đã ưu tiên hỗ trợ ông Nhì 1 con bò giống để chăn nuôi.

Ông Nhì cho biết: “Tôi bây giờ đi lại khó khăn, bệnh tật lại nhiều, cũng may có con bò để làm vốn, nên đỡ tủi thân. Hàng ngày, vợ chồng tôi động viên nhau cố gắng chăm bò cho tốt để nó đẻ ra nhiều con bê còn thoát nghèo”. Cũng theo ông Nhì, việc chăn bò như thế này phù hợp với sức khỏe và điều kiện gia đình. Bởi hàng ngày, vợ ông chỉ bỏ công sức đi cắt cỏ cho bò ăn, phân thì tận dụng để bón cho cây trồng.

Cán bộ Hội CCB xã Đắk D'rông thăm hỏi tình hình chăn nuôi của hội viên

Tương tự, ông Cung Văn Hoáy cũng ở thôn 20 năm nay đã hơn 70 tuổi, vợ mất từ lâu, nên ông sống một mình. Tuổi cao, sức khỏe yếu, không làm được nương rẫy, nên khi được hỗ trợ con bò, ông vui vô cùng. Ông Hoáy cho biết: “Chăn bò này không có gì là cực cả, chỉ lo cắt cỏ cho nó ăn. Trong khi đó, cỏ ở vườn nhiều, nên rất thuận tiện. Tôi được làm việc cũng đỡ buồn, đỡ lo lắng hơn”.

Sau Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, xã Đắk D’rông đã ban hành nghị quyết về xóa đói giảm nghèo, trong đó giao cho các tổ chức đoàn thể xây dựng kế hoạch giảm nghèo bền vững trong hội viên và người dân. Cụ thể hóa nghị quyết này, Hội CCB xã đã lựa chọn hỗ trợ hội viên bò giống để làm kế sinh nhai.

Câu chuyện hỗ trợ bò giống cho người nghèo đã có từ lâu, nhưng cái mới ở đây lại nằm ở cách làm. Bởi trước khi lựa chọn hình thức giúp đỡ này, Hội đã tìm hiểu, rà soát nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh, sức khỏe của các hội viên nghèo cũng như điều kiện thổ nhưỡng, tình hình sản xuất nông nghiệp của địa phương. Khi Hội thống nhất chủ trương, các chi hội mới trực tiếp đến từng gia đình để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng xem có nuôi được bò hay không rồi mới triển khai.

Qua các cuộc họp, hội viên từ thôn đến xã đều thống nhất đóng 50.000 đồng/người/năm để mua con giống giúp hội viên nghèo. Để bảo đảm công khai, dân chủ, đồng thuận, các chi hội đã họp hội viên, đưa ra danh sách hộ nghèo để bình xét một cách dân củ, công khai. Do đa số hội viên nghèo tuổi cao, thiếu đất đai sản xuất, nên khi nghe được hỗ trợ bò để nuôi thì đều phấn khởi, vui mừng.

Con bò đã trở thành tài sản lớn nhất để ông Tô Sỹ Trưởng ở thôn 6, xã Đắk D'rông vươn lên thoát nghèo

Ông Đỗ Quang Diên, Chủ tịch Hội CCB xã Đắk D’rông cho biết: “Mua con giống không hề đơn giản chút nào, vì đây là tiền của hội viên đóng góp, giống kém chất lượng thì sẽ mất niềm tin. Do đó, khi được các gia đình ủy quyền, với kinh nghiệm nuôi bò lâu năm, chúng tôi đã đi tìm hiểu nhiều nơi, trực tiếp lựa chọn, tham khảo giá cả và ý kiến của các gia đình thuộc diện cấp bò. Chúng tôi rất vui vì các con bò được hỗ trợ đến nay đều phát triển rất tốt, thậm chí có con đẻ ra bê để chuyển giao cho hộ nghèo khác, con thì chuẩn bị đẻ”.

Quá trình hội viên chăn nuôi, Hội đều thường xuyên kiểm tra, giám sát bằng việc giao chi hội trực tiếp quản lý, báo cáo tình hình sinh trưởng, chăm sóc, rồi giám sát đột xuất, không báo trước. Khi bàn giao bò, Hội và hội viên đã ký bản cam kết để tránh tình trạng khó khăn nên bán bò hoặc chăm sóc bò không tốt cũng như phối hợp để tiêm phòng cho vật nuôi đều đặn theo định kỳ.

Theo ông Cung Văn Hoáy ở thôn 20, việc nuôi bò rất phù hợp với những người tuổi cao, thiếu đất sản xuất như ông

Người dân cùng tham gia khảo sát, lựa chọn con giống

Năm 2018, Ban Thường vụ Huyện ủy Tuy Đức đã ban hành Kế hoạch 51 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 gắn với Nghị quyết 04 về công tác giảm nghèo tại các bon đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo. Trong đó, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Tuy Đức được phân công phối hợp giúp đỡ các hộ gia đình nghèo của xã Đắk R’tíh. Thực hiện nhiệm vụ, đơn vị đã phân công cán bộ trực tiếp đi khảo sát, nắm nguyên nhân, nguyện vọng, điều kiện của từng hộ nghèo để việc giúp đỡ được thiết thực.

Đơn cử như ở bon Ja Lú, theo Thiếu tá Trần Văn Tú, Trợ lý chính trị-Ban CHQS huyện Tuy Đức, việc đầu tiên, đơn vị phối hợp tổ chức họp bà con lại để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng xem hỗ trợ chăn nuôi bò có phù hợp không cũng như bình xét hộ được hỗ trợ trước. Sau đó, cấp ủy, ban tự quản họp bà con lại một lần nữa để thống nhất lần cuối thì đơn vị mới tiến hành đến từng hộ khảo sát, nắm bắt tình hình; đồng thời hướng dẫn bà con làm bản cam kết, đơn xin hỗ trợ vật nuôi. Đơn vị ưu tiên trước cho gia đình có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn và có khả năng để chăn nuôi.

Bà Thị Bum ở bon Ja Lú luôn cố gắng chăn nuôi để bò sớm đẻ bê con, vươn lên thoát nghèo

Bà Thị Bum ở bon Ja Lú là 1 trong 4 hộ được hỗ trợ bò giống để phát triển chăn nuôi của xã. Trước khi hỗ trợ bò, cán bộ đơn vị đã xuống gặp gỡ gia đình để nắm bắt hoàn cảnh và tâm tư, nguyện vọng xem nuôi bò có được không. Khi gia đình thống nhất, các cán bộ, chiến sĩ lại trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn làm chuồng bò. Ngày đi mua bò, bà Thị Bum già không đi được, nên con trai bà đi cùng với cán bộ để lựa chọn con giống.

Thiếu tá Trần Văn Tú cho biết: “Chúng tôi trực tiếp xuống phối hợp với gia đình để đi khảo sát nơi mua, chọn con giống và khi gia đình đồng ý mua con nào thì mới làm công tác vận chuyển, tổ chức trao tặng. Khi bò bàn giao xong, định kỳ, đơn vị đều phân công người xuống kiểm tra, giám sát để xem gia đình chăm sóc như thế nào, bò phát triển ra sao và sẵn sàng hướng dẫn chăm sóc khi cần”.

Bà Thị Bum cho biết: “Tôi không nhớ là cán bộ xuống bao nhiêu lần vì thấy đi nhiều lắm. Mỗi lần xuống, cán bộ đều nhắc nhở vệ sinh chuồng cho sạch để bò không bị bệnh, cho bò ăn đầy đủ để nhanh lớn, sau này sinh sản con nhiều thì gia đình sẽ sớm thoát nghèo”.

Cán bộ Ban CHQS huyện Tuy Đức thường xuyên động viên các hộ chăn nuôi bò tốt để mang lại nguồn thu cho gia đình

Với sự phối hợp đồng bộ giữa hai bên, đến nay, những con bò do Ban CHQS huyện Tuy Đức hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo tinh thần Kế hoạch 51 của Huyện ủy đã và đang sinh trưởng phát triển tốt, có con đã đẻ bê con…

Có thể nói, việc hỗ trợ bò cho người nghèo chăn nuôi đã được nhiều đơn vị triển khai thực hiện như Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ tỉnh… Mỗi đơn vị, tổ chức đều có những cách thức khác nhau để bò được trao đến tay cho người nghèo. Với cách làm gần dân, vì dân, lắng nghe dân, việc hỗ trợ bò của Ban CHQS huyện Tuy Đức, Hội CCB xã Đắk D’rông đã thể hiện rõ ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đối với người dân. Đó là gần dân, sát dân, lắng nghe dân trên tinh thần Nhân dân tham gia bàn bạc, thảo luận, trực tiếp khảo sát, lựa chọn mua con giống để mang lại hiệu quả cao nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gần dân, sát dân để chăm lo cho dân tốt hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO