Đắk Song đổi mới, linh hoạt trong tuyên truyền học và làm theo

Hoàng Hoài| 25/06/2019 10:21

Sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn huyện Đắk Song đã linh hoạt trong phương pháp tuyên truyền, vận động. Qua đó, đông đảo cán bộ, đảng viên, người dân đã xem việc học Bác đã trở thành thường xuyên, liên tục.

Bà Lê Thị Liên (bên phải), Bí thư Chi bộ bản Đầm Giỏ, xã Thuận Hà luôn tích cực vận động người dân cần cù, chăm lo sản xuất

Thiết thực sinh hoạt dưới cờ

Nhằm tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong toàn huyện về tinh thần trách nhiệm, phụng sự Tổ quốc, Nhân dân, Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk Song ban hành Kế hoạch số 42-KH/HU ngày 17/1/2018 về tổ chức chào cờ và sinh hoạt chính trị dưới cờ hàng tháng.

Sau hơn một năm thực hiện, Huyện ủy nhận thấy, việc tổ chức chào cờ và sinh hoạt dưới cờ hàng tháng đã giúp cán bộ, đảng viên hiểu và nắm được những nội dung cơ bản cũng như giá trị cốt lõi của tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Ở mỗi đợt sinh hoạt, các tổ chức cơ sở đảng lựa chọn nội dung trọng tâm, gắn với chủ đề, chủ điểm, các hoạt động của đơn vị trong tháng, qua đó, tạo nên phong trào thi đua học và làm theo Bác rộng rãi.

Đặc biệt, tại mỗi buổi chào cờ, các tổ chức cơ sở đảng còn tuyên dương những gương điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực trong tháng; đồng thời thẳng thắn phê bình những cán bộ, đảng viên còn sai phạm để có hướng khắc phục, sửa chữa.

Theo Đảng ủy xã Thuận Hà, việc chào cờ đầu tháng đã góp phần giúp cán bộ, đảng viên hiểu rõ hơn về sự cần thiết phải học và làm theo Bác, học như thế nào, học cái gì, làm như thế nào, chứ không còn chung chung như trước. Hàng năm, Đảng ủy xã thường xây dựng những chuyên đề riêng phù hợp với đặc thù chung và trên cơ sở đó, mỗi tháng sẽ lựa chọn một việc để thực hiện, làm sao cả năm sẽ đạt được tất cả nội dung chủ đề đưa ra.

Chẳng hạn, năm 2017, Đảng ủy xã đã cụ thể hóa những việc cần làm đó là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đoàn kết, thực hiện nhiệm vụ chung với mục tiêu “3 nhất” (hoàn thành nhiệm vụ chất lượng cao nhất, thời gian sớm nhất và chấp hành chủ trương, pháp luật cao nhất). Với chủ đề này, xã tập trung nhấn mạnh vai trò nêu gương, nhất là phát huy tính tự giác, tích cực của cán bộ, đảng viên và thực tế đã có nhiều chuyển biến tích cực. 

Bà Lê Thị Liên, Bí thư Chi bộ bản Đầm Giỏ, xã Thuận Hà hiến đất để xây dựng trường học cho con em trong xã

Về tận thôn, bon tuyên truyền

Bên cạnh tổ chức sinh hoạt chào cờ đầu tháng, nhiều tổ chức cơ sở đảng còn linh hoạt trong cách thức tuyên truyền để Chỉ thị 05 đến được với đông đảo các tầng lớp Nhân dân bằng cách trực tiếp về tận các thôn, bon.

Theo Đảng ủy xã Trường Xuân, trước đây, việc quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị đều tập trung vào các thành phần là cán bộ, đảng viên là chính. Còn đối với bà con, Đảng ủy gửi văn bản cho các chi bộ, các tổ chức đoàn thể tại thôn, bon để tuyên truyền, nên dẫn đến hiệu quả chưa cao. 3 năm nay, Đảng ủy xã đã thay đổi cách thức tuyên truyền bằng hình thức trực tiếp đến tận người dân. Theo đó, khi có kế hoạch tuyên truyền theo chuyên đề từng năm cụ thể, Đảng ủy đều trực tiếp cử cán bộ xuống tuyên truyền tại một khu dân cư.

Để bảo đảm người dân đến đông đủ, học tập nghiêm túc, các chi bộ, đoàn thể phát giấy mời đến tận từng người, đoàn viên, hội viên. Sau đó, Đảng ủy xã theo dõi số lượng người tham dự và đánh giá sau buổi tuyên truyền để làm căn cứ đánh giá xếp loại cuối năm đối với các chi bộ, đoàn thể. Đối với những bon dân tộc thiểu số, bà con chưa biết nhiều về tiếng Việt, xã phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng chọn một cán bộ là người dân tộc thiểu số tại chỗ để nói chuyện thêm. Với việc tuyên truyền sâu rộng, đến nay, ở xã Trường Xuân, tại các thôn, bon, việc học và làm theo Bác đã trở thành một việc làm thường xuyên.

Ngoài nhiệm vụ giảng dạy, các cô giáo Trường THCS Trần Phú, xã Nam Bình còn tích cực vận động các nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn

Tạo nên phong trào thi đua

Có thể nói, 3 năm qua, Huyện ủy Đắk Song đã chú trọng công tác tuyên truyền về học và làm theo Bác với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện cụ thể và từng đối tượng. Ngoài các hình thức tiêu biểu trên, các tổ chức cơ sở đảng còn lồng ghép tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn; sinh hoạt chi bộ, hội đoàn thể; các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, hội viên và người dân…

Hàng năm, huyện đều bổ sung các đầu sách về tấm gương, đạo đức của Bác trong các tủ sách xã, phường, thị trấn. Việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của huyện cũng được chú trọng. Các kênh thông tin này tập trung khai thác, phản ánh các hoạt động ở cơ sở, bài viết về tư tưởng đạo đức, phong cách của Bác, gương người tốt việc tốt, mô hình hay, cách làm hiệu quả để nhân rộng…

Các tổ chức cơ sở đảng đã tập trung lựa chọn các vấn đề trọng tâm, nội dung đột phá để triển khai thực hiện, chú trọng nêu cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ chủ chốt cũng như rà soát, bổ sung các nội quy, quy định, quy chế hoạt động, chi tiêu nội bộ…

Với việc chú trọng đổi mới, đa dạng cách thức tuyên truyền, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05 đã tạo nên phong trào thi đua với nhiều mô hình, cách làm theo Bác hiệu quả. Điển hình, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện duy trì 24 mô hình “hũ gạo tiết kiệm”, 40 mô hình “nuôi heo đất”, 21 mô hình thực hiện tiết kiệm điện thắp sáng, 12 mô hình vườn rau sạch, các mô hình  “3 biết 2 hỗ trợ”. Mặt trận thôn Thuận Nghĩa, xã Thuận Hạnh tích cực vận động người dân giải tỏa mặt bằng để xây dựng đường giao thông nông thôn. Trường THCS Trần Phú, xã Nam Bình thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Mỗi cán bộ, giáo viên nhận đỡ đầu một học sinh có nguy cơ bỏ học vì điều kiện kinh tế khó khăn”. Năm học 2018-2019, toàn trường có 36 cán bộ, giáo viên nhận đỡ đầu 31 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Song đổi mới, linh hoạt trong tuyên truyền học và làm theo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO