Tuyển sinh ở thị xã Gia Nghĩa vẫn tiếp diễn tình trạng nơi thiếu, nơi “quá tải”

Nguyễn Hiền thực hiện| 02/08/2019 09:08

Năm học 2019-2020, thị xã Gia Nghĩa được giao tuyển 7.390 học sinh từ bậc mầm non đến THCS. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Hà, Trưởng Phòng Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) xung quanh vấn đề này.

ADQuảng cáo

Bà Phạm Thị Hà, Trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo thị xã Gia Nghĩa

PV: Thưa bà, thị xã đã thực hiện công tác tuyển sinh các bậc học trên địa bàn như thế nào?

Bà Phạm Thị Hà: Để bảo đảm yêu cầu đặt ra, hàng năm UBND thị xã đều có phương án huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp. Phương án đề ra những yêu cầu, nguyên tắc tuyển sinh cụ thể như công tác tuyển sinh phải bảo đảm công khai, thuận lợi cho học sinh và phụ huynh.

Đối với mỗi bậc học đều có những quy định cụ thể về chỉ tiêu tuyển sinh, độ tuổi, tình trạng cư trú, tạm trú...Việc tuyển sinh phải bảo đảm chỗ học tập cho con em trên địa bàn, nhất là con em gia đình chính sách, gia đình nghèo vào các lớp 5 tuổi, lớp 1 và lớp 6 ở tất cả các trường.

Thị xã tiến hành phân tuyến tuyển sinh trên cơ sở tạo điều kiện cho học sinh được học tại các trường gần nơi cư trú nhất, ngoại trừ một số trường học không có khả năng tiếp nhận. Địa bàn tuyển sinh được phân bổ phù hợp với vị trí địa lý, khoảng cách và điều kiện cơ sở vật chất từng trường cũng như giảm bớt áp lực đối với các trường vùng trung tâm như những năm trước.

Điển hình như Trường mầm non Hoa Phượng Vàng ở phường Nghĩa Tân sẽ được tuyển sinh ở các khu vực của phường gồm các tổ dân phố 1, 2, 3, 4, 5, 6. Đồng thời, để thuận lợi cho trẻ gần địa bàn, trường tiếp nhận thêm trẻ ở phường Nghĩa Phú bao gồm các tổ dân phố 6, 7, 8 và một phần tổ dân phố 5. Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai ở phường Nghĩa Đức hàng năm luôn chịu tình trạng “quá tải” nên năm học này được giao tuyển sinh cụ thể ở các tổ dân phố 1, 4 và một phần tổ dân phố 2. Vùng lân cận trường được tiếp nhận học sinh một phần ở tổ dân phố 2 và 3 của phường Nghĩa Trung.

PV: Với điều kiện hiện tại của địa phương, công tác tuyển sinh gặp những khó khăn gì ?

Bà Phạm Thị Hà: Năm học 2019-2020, thị xã được giao chỉ tiêu tuyển sinh 7.390 học sinh từ bậc mầm non đến THCS, nhưng đến thời điểm này, mới tuyển sinh được 5.277 học sinh, đạt 71%. Trong đó, bậc mầm non tuyển sinh được 2.689/4.390 trẻ, đạt 61%; bậc tiểu học tuyển sinh được 1.379/1.550 học sinh, đạt 89%; bậc THCS tuyển sinh được 1.209/1.450 học sinh, đạt 83%.

ADQuảng cáo

Điều đáng nói, trong khi một số trường đang khó khăn vì chưa đạt được chỉ tiêu tuyển sinh thì một số trường khác lại đang trong tình trạng “quá tải”. Các trường chưa đạt chỉ tiêu tuyển sinh chủ yếu là các trường vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Điển hình như Trường mầm non Hoa Cúc ở xã Đắk R’moan mới tuyển sinh được hơn 50/210 trẻ. Nhiều trường tiểu học mới chỉ đạt dưới 50% chỉ tiêu tuyển sinh như: Trường tiểu học Phan Đình Giót ở xã Đắk R’moan; Trường tiểu học N’Trang Lơng ở phường Nghĩa Trung; Trường tiểu học Bế Văn Đàn ở xã Đắk R’moan; Trường tiểu học Hà Huy Tập ở xã Quảng Thành; Trường tiểu học Trần Văn Ơn ở xã Đắk Nia...

Các trường học “quá tải” thường nằm ở vùng trung tâm như: Trường mầm non Hoa Bưởi ở phường Nghĩa Thành; Trường tiểu học Thăng Long ở phường Nghĩa Trung; Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai ở phường Nghĩa Đức; Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc ở phường Nghĩa Tân... Ở bậc THCS, ngoài Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm ở phường Nghĩa Tân “quá tải” thì những trường còn lại đều chưa đạt chỉ tiêu tuyển sinh.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Đối với những trường chưa đạt chỉ tiêu tuyển sinh chủ yếu do địa bàn xa, đặc điểm của học sinh dân tộc thiểu số là đến ngày tựu trường mới đến lớp đăng ký. Đối với những trường “quá tải” chủ yếu là do thiếu giáo viên, thiếu phòng học và một phần do tâm lý thích chọn trường của phụ huynh, giao thông đi lại thuận tiện…

PV: Trước những khó khăn như vậy, thị xã đã có những giải pháp nào để bảo đảm nhu cầu học tập của con em trên địa bàn?

Bà Phạm Thị Hà: Khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu phòng học và thiếu giáo viên. Chính vì vậy, nhiều trường mặc dù đã “quá tải” nhưng vẫn không thể tuyển hết học sinh trên địa bàn. Hầu hết các trường ưu tiên tuyển học sinh có hộ khẩu. Riêng bậc mầm non, tất cả các trường ưu tiên tuyển hết trẻ 5 tuổi để thực hiện phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi theo kế hoạch. Các trường tùy vào điều kiện của mình sẽ tuyển tiếp trẻ các độ tuổi khác.

Ở bậc mầm non, mặc dù khó khăn nhưng có hệ thống các trường, cơ sở tư thục nên giảm bớt phần áp lực cho các trường công lập. Theo tính toán, các trường, cơ sở tư thục, nhóm trẻ cơ bản sẽ đáp ứng được hết nhu cầu của trẻ chưa được nhận vào trường công lập. Đối với các trường khó tuyển sinh, phòng cũng đã chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, vận động trẻ đến trường.

Đối với bậc tiểu học và THCS, việc “quá tải” học sinh trong khi thiếu cơ sở vật chất và giáo viên buộc các trường phải thực hiện dồn lớp. Cụ thể như Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm tăng trên 53 học sinh so với chỉ tiêu nên phải thực hiện dồn lớp đối với học sinh khối 9 để tăng 1 lớp 6 so với chỉ tiêu đề ra. Các trường tiểu học vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh cũng thực hiện dồn các khối lớp khác để mở tăng lớp đối với lớp 1.

Chính vì thực hiện dồn lớp nên số lượng học sinh/lớp đều vượt quá quy định, có lớp lên đến 50 học sinh. Tuy nhiên, nếu không thực hiện dồn lớp thì không thể tuyển hết được số lượng học sinh trên địa bàn. Điều đáng nói là, hàng năm, số lượng học sinh đều tăng nhiều, nếu số lượng cơ sở vật chất phòng học không được đầu tư tương xứng số lượng tăng thêm thì sẽ ngày càng áp lực cho các nhà trường trong công tác tuyển sinh vào những năm sau.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyển sinh ở thị xã Gia Nghĩa vẫn tiếp diễn tình trạng nơi thiếu, nơi “quá tải”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO