Trẻ Suối Phèn nhọc nhằn tìm con chữ

Văn Tâm| 18/09/2017 09:10

Để có được con chữ, gần 70 học sinh tiểu học khu vực Suối Phèn, thuộc thôn 12, xã Quảng Hòa (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) hàng ngày phải chịu cảnh sống xa gia đình, tá túc tại trường với những bữa cơm đơn sơ tự nấu. Trên những gương mặt hồn nhiên xen lẫn những lo toan lớn hơn tuổi đời của các em như đã nói lên quyết tâm vượt khó để được học hành.

ADQuảng cáo

Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, đứng chân tại thôn 11, xã Quảng Hòa (Đắk Glong) hiện có 18 lớp với gần 537 học sinh, trong đó, gần 70 học sinh (đa số là đồng bào Mông) đến từ khu vực Suối Phèn, đến trọ học. Từ nơi các em ở ra tới điểm trường phải vượt qua gần 25 km đường rừng, đi lại khó khăn nên các em đều phải tá túc tại trường, mỗi tuần về nhà một lần để thăm gia đình.

Cùng nhau vui chơi sau buổi học

Những bữa cơm đơn sơ

Khi mặt trời lặn dần sau dãy núi gần Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, bên dưới thung lũng xa, những khóm nhà của các hộ đồng bào Tày, Nùng đã bắt đầu lên khói, chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Tại khu nhà nội trú, trời đã sẫm tối nhưng các em vẫn còn mải mê tụm năm, tụm ba chơi đùa. Vì không có người lớn giám sát, nên em nào áo quần, mặt mũi cũng nhem nhuốc chơi đùa, chẳng màng gì đến bữa cơm chiều.

Trời tối hẳn, một số em mới bắt đầu vào bếp nhóm lửa thổi cơm. Vì không có điện nên em nào cũng sử dụng những chiếc đèn pin đội đầu để soi sáng. Trong bóng tối lờ mờ, những dáng nhỏ đi lại trong ánh đèn pin le lói làm cho không gian của khu trọ học trở nên chộn rộn.

Em Giàng A Thề vất vả với chiếc chảo quá lớn so với tầm vóc của em.

Trong một gian nhà bếp tí hon che chắn bằng tôn kín bưng, hai em Giàng Siêu Sảng và Hầu A Mìn, cùng học lớp 3, thường thổi cơm chung với nhau đã bắt đầu lúi húi vào bếp. Nồi cơm được nấu từ trưa nay còn lại một phần, hai em chỉ việc nấu thức ăn thôi. Em Giàng Siêu Sảng mang ra một túi ni lông đựng cá cơm khô và dè sẻn đếm từng con cho vào chảo dầu. Dụi đôi mắt cay xè vì khói bếp, Mìn cho biết: “Cha mẹ mang gạo ra và mua cho mấy lạng cá khô. Em và bạn mỗi đứa 6 con cho một bữa mới đủ thức ăn cả tuần”.

Đôi bạn Giàng Siêu Sảng và Hầu A Mìn, học sinh lớp 3 Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, xã Quảng Hòa (Đắk Glong) chuẩn bị cơm tối

Dạo quanh 6 gian bếp chật chội, những chiếc bếp kê tạm đều hừng hực đỏ lửa. Căn nhà bếp tí hon cùng các vật dụng như trong truyện “Bảy chú lùn” trở nên nóng bức. Những cô bé, cậu bé nhễ nhại mồ hôi, khệ nệ với những chiếc nồi quá khổ chuẩn bị cho bữa ăn của chính mình. Bếp nào cũng duy nhất mỗi món cá cơm khô. Cá rang xong, mỗi em một bát lớn mang ra ngoài vừa ăn, vừa vui đùa. Bữa ăn của các em chỉ có vậy, mỗi bữa là tự nấu, tự ăn, tự tắm rửa và học tập.

Các phụ huynh cắt cử mỗi ngày một người ra chăm sóc các em nhưng việc này cũng không được thường xuyên

Thương nhất là các cháu lớp 1. Đến bữa, các anh chị lấy cho một bát lớn, chan thêm nước lọc, không biết có cá khô hay không và cứ thế hồn nhiên ăn. Em Giàng Thị Sua mới vào lớp 1 được gần một tuần, đến bữa em lại bê bát cơm trắng ra ngồi một mình ngoài góc bếp. Cả buổi lâu, chưa được hạt nào vào miệng nhưng đã thấy cơm đổ trắng cả nền đất. Thấy thương vô cùng!

ADQuảng cáo

Mỗi em một bát cơm ăn vội.

Chị Chu Thị Lan, người dân trong thôn 11 thường đến thăm nom các em cho hay: “Thấy cảnh các cháu còn quá nhỏ mà đã tự lo cho bản thân trong cảnh thiếu thốn như vậy tôi thấy chạnh lòng lắm. Mấy hôm nay là ngày mới nhập học, các cháu còn có cá khô để ăn chứ bình thường ăn uống kham khổ lắm. Thấy các cháu ăn ở thiếu thốn, chị em trong thôn thỉnh thoảng cũng mang thức ăn đến cho các cháu”.

Bữa ăn đạm bạc của các em.

Giọt nước mắt của phụ huynh

Từ điểm Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, chúng tôi vượt gần 25 km đường đồi dốc, hiểm trở đến khu vực Suối Phèn để tìm hiểu đời sống của các hộ dân nơi đây. Giữa một vùng rừng núi heo hút, xen lẫn trong các vườn rẫy cà phê là 175 nóc nhà, với hơn 400 nhân khẩu sinh sống biệt lập với thế giới bên ngoài.

Đa số những hộ dân này đến khu vực Suối Phèn sinh sống từ những năm 2000. Cũng như một số thanh niên khác, anh Cư A Cú, sinh năm 1991, theo cha mẹ vào đây từ lúc hơn 10 tuổi. Bây giờ anh là thế hệ thứ hai của cụm dân cư này. Anh Cú đã có vợ và sinh được 2 con, một trai, một gái. Theo anh Cú thì hiện cháu gái Cư Thị Sa là chị nhưng mới học lớp 1 tại Trường Nguyễn Bá Ngọc và cháu trai Cư A Sàng học lớp 2 tại Trường tiểu học Lý Tự Trọng ở bon Đắk Snao, xã Quảng Sơn. Bên Đắk Snao anh cũng làm một cái chòi cho cháu ở chung với 7 cháu khác ở Suối Phèn ra học.

Khi nhắc đến các con, như chạm vào nỗi nhớ thương hai đứa con non nớt, anh Cú nghẹn ngào, nước mắt rơm rướm giải bày: “Không kể ngày đêm, lúc nào tôi cũng nghĩ về các con. Các con chưa biết tự lo cho bản thân mà cả tháng mới về nhà một lần. Thương các con lắm, nhưng tôi chẳng biết phải làm gì hơn”. Chuyện cho con ăn học của anh Giàng A Dế cũng vất vả không thua kém.

Anh Dế cho hay: “Đứa con đầu của tôi năm nay 17 tuổi rồi, cháu bỏ học từ năm lớp 6. Còn con út năm ngoái vào lớp 1, do chưa biết nấu cơm nên cháu luôn phải ăn cơm sống, uống nước lã nên được hơn một tháng là cháu kiệt sức, vàng hết cả da. Thế là tôi đành cho cháu nghỉ học”.

Sinh hoạt buổi tối của các cháu nữ

Thầy giáo Thái Văn Tịnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc chia sẻ: “Các em là học sinh đến trọ học chứ không phải là học sinh nội trú nên trường không đủ khả năng chăm lo hết đời sống cho các em. Bằng tình thương thầy trò, chúng tôi đã nỗ lực vận động, kêu gọi các đơn vị, các nhà hảo tâm giúp đỡ để các em vơi bớt phần nào khó khăn thôi”.

Còn ông Nguyễn Bá Thủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa cho biết: Bà con ở khu vực Suối Phèn đều không có sổ hộ khẩu nên chuyện học hành, thi cử và xin công ăn việc làm gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, đối với học sinh thì không được hưởng chính sách hỗ trợ, các em học hết 12 không tiếp tục đi học được. Đặc biệt, hiện khu vực Suối Phèn có trên 50 cháu đã đến tuổi đi học mầm non nhưng hầu như đang phải ở nhà. Để được được đến trường, các cháu phải chờ đến khi đủ tuổi vào lớp 1 mới vào học. Cũng theo ông Thủy thì chính vì điều này đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng của học sinh các trường trên địa bàn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trẻ Suối Phèn nhọc nhằn tìm con chữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO