Trăn trở “bài toán” thiếu giáo viên

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền| 16/10/2018 09:39

Thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, từ năm 2014 đến nay, ngành Giáo dục không được bổ sung thêm biên chế giáo viên, trong khi số lượng học sinh các cấp không ngừng tăng. “Bài toán” thiếu giáo viên luôn là nỗi trăn trở của ngành Giáo dục cũng như lãnh đạo tỉnh, chính quyền các địa phương và đang rất cần có hướng khắc phục hiệu quả.

ADQuảng cáo

* Kỳ 1: Thực tế ở Đắk Glong

Thiếu giáo viên, dẫn đến tình trạng “quá tải” ở các  lớp học. Thậm chí, ở nhiều địa phương, trẻ trong độ tuổi chưa được đến trường. Trong đó, huyện Đắk Glong là một trong những địa phương “nóng” về tình trạng trên.

Khi cô giáo đi... giữ trẻ

Tiếng chọc ghẹo nhau, trêu đùa của trẻ vang cả tận hành lang lớp học. Mặc cho cô giáo la hét, nhiều trẻ vẫn chạy khắp nơi làm cho lớp học ồn ào, náo nhiệt. Đó là hình ảnh ở Trường mầm non Hoa Mai, xã Đắk Ha (Đắk Glong) mà chúng tôi chứng kiến trong dịp gần đây.

Nhiều trẻ trong độ tuổi tại xã Đắk R'măng (Đắk Glong) chưa được đến trường

Trong tiết sinh hoạt góc, cô Nguyễn Thị Hồng phải liên tục chạy qua nhóm này đến nhóm khác để hỗ trợ, chưa kể phân xử trẻ “kiện nhau”. Cô Hồng tâm sự: “Dù là nhiều năm kinh nghiệm đấy, nhưng vì lớp đông quá, một mình tôi cũng không thể nào quán xuyến hết được, nhất là các tiết sinh hoạt góc. Lớp 41 cháu, một mình phải làm gấp đôi công việc so với quy định nên nhiều hôm về mệt rã rời. Điều tôi lo lắng hơn là không thể nào hỗ trợ được hết trẻ trong các tiết học nên chất lượng không được như mong muốn đề ra. Thay vì tập trung giáo dục và chăm sóc thì bây giờ chủ yếu là trông trẻ”.

Đây không chỉ là điều trăn trở của cô Hồng mà là nỗi lo chung của 15  giáo viên trong trường khi mỗi cô phụ trách một lớp. Dẫn chúng tôi vào lớp lá, cô Lê Thị Lan, Hiệu phó Trường mầm non Hoa Mai như muốn thở dài với thực tại. Giọng trầm buồn, cô Lan chia sẻ: “Trường hiện có 410 trẻ theo học ở 13 lớp. Dù quy định mỗi lớp phải có 2 giáo viên phụ trách nhưng hiện nay trường chỉ có 15 giáo viên. Với việc bố trí 1 giáo viên/lớp, lại phải thực hiện dồn lớp nên gần như lớp nào cũng “quá tải”. Lớp ít nhất cũng 40 cháu, vượt quá quy định từ 5-10 cháu/lớp. Hiện nay chỉ có 2 lớp lá có đủ giáo viên theo quy định, 4 lớp lá còn lại chỉ có 1 giáo viên đứng lớp. Trường rất lo ngại về chất lượng phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi vào cuối năm.”.

Đây cũng là thực tế chung của nhiều trường mầm non khác trên địa bàn huyện Đắk Glong cũng như các huyện, thị xã trong tỉnh.

Nhiều trẻ tự chơi các trò chơi nguy hiểm khi chưa được đi học và không có người trông coi ở nhà

Nhiều trẻ chưa được đến trường

ADQuảng cáo

Dù học trong lớp đông đúc chỉ có một giáo viên, nhưng những đứa trẻ được đến trường vẫn còn là may mắn so với những trẻ khác. Theo dọc các tuyến đường thôn tại xã Đắk R’măng (Đắk Glong) vào giữa buổi sáng, chúng tôi ngạc nhiên khi chứng kiến rất nhiều trẻ khoảng độ  4-5 tuổi thay vì đang ở lớp học thì chơi từng tốp ở các ngả đường. Mặt mũi đứa trẻ nào cũng lem nhem, đầu trần, chân đất. Chúng tôi thót tim khi thấy mấy đứa trẻ đang trèo cây, đu lên những sợi dây điện treo vắt vẻo trên cành. Lặng người khi người dân cho biết, cách đây không lâu, vì đi tắm suối, có trẻ đã tử vong do đuối nước.

Ông Vàng A Dũng ở thôn 6, xã Đắk R’măng cho biết: “Bố mẹ thường đi làm rẫy hết nên chẳng quan tâm được con cái. Bọn trẻ ở nhà tự chơi, tự ăn uống. Đứa lớn trông đứa bé, nhiều đứa tinh nghịch tự nghĩ ra các trò chơi nghịch ngợm, nguy hiểm. Cứ mãi chơi vậy, có khi bạ đâu chúng nằm đó ngủ luôn”.

Thắc mắc về chuyện trẻ trong độ tuổi không được đến trường, cô Hà Thị Biến, Hiệu phó Trường mầm non Hoa Lan cho biết: “Dựa trên điều kiện thực tế, vào đầu năm học, trường không thể nhận hết lượng trẻ đăng ký mà chỉ ưu tiên cho trẻ 5 tuổi, tiếp đến là 4 tuổi. Dù đã thực hiện dồn lớp nhưng hiện tại vẫn còn khoảng 220 trẻ trong độ tuổi chưa được đến trường. Điều đáng lo ngại hơn là trẻ ở nhà tự chơi tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn thương tích. Với số lượng 223 trẻ, trường đã phân chia ở 8 lớp, nhưng chỉ có 10 giáo viên. Khi có giáo viên bị ốm đau thì gần như phải dồn lại 2 lớp/1 cô giáo. Thật sự rất căng thẳng”.

Một giáo viên/lớp, với trên 42 trẻ, Trường mầm non Hoa Mai ở xã Đắk Ha (Đắk Glong) gặp nhiều khó khăn trong tổ chức các hoạt động

Tăng 1.500 học sinh/năm  

Mặc dù đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhưng tình trạng thiếu giáo viên vẫn diễn ra nhiều năm nay tại huyện Đắk Glong, nhất là đối với bậc mầm non.

Theo ông Trần Nam Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, toàn huyện hiện thiếu 325 giáo viên; trong đó bậc mầm non thiếu nhiều nhất với 194 giáo viên, bậc tiểu học thiếu 82 giáo viên và bậc THCS thiếu 49 giáo viên. Đối với bậc mầm non, dù đã thực hiện dồn lớp, giảm giáo viên/lớp nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ở các trường. 5 năm gần đây, số lượng học sinh hàng năm luôn tăng từ 1.000-1.600 cháu. Như vậy là tăng khoảng trên 7.000 cháu, trong khi đó, số biên chế giáo viên không được bổ sung thêm. Huyện cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục nhưng hiện nay gần như không thể đáp ứng được nhu cầu. Toàn huyện vẫn còn trên 700 trẻ, tập trung các cháu 3- 4 tuổi vẫn chưa được đến trường.

Các lớp học của Trường mầm non Hoa Lan, xã Đắk R'măng chỉ có 1 giáo viên/lớp, trong khi số trẻ vượt quá quy định 5 - 10 trẻ

Cũng theo ông Thuần, theo như tính toán của các cấp thì số lượng giáo viên được tính trên tổng số lượng học sinh toàn huyện để giao biên chế. Như vậy số lượng giáo viên thiếu sẽ ít hơn thực tế. Trong khi đó, đặc thù của địa phương địa bàn rộng, dân cư không tập trung, tỷ lệ trẻ tăng cơ học cao nên phải có nhiều điểm trường. Các điểm trường lại ở cách nhau nên nhiều nơi không thể thực hiện dồn lớp để bảo đảm số giáo viên trên lớp theo quy định. Vì vậy, trong khi rà soát, các cơ quan liên quan cần dựa vào điều kiện thực tế mới có thể giúp địa phương giải được “bài toán” thiếu giáo viên hiện nay.    

>> Kỳ 2: Khắc phục theo kiểu "cầm cự"

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trăn trở “bài toán” thiếu giáo viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO