Phân bổ và sử dụng kinh phí trong ngành Giáo dục

Nguyễn Hiền| 04/06/2018 10:28

Việc phân công, phân cấp quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục đào tạo được thực hiện trên nhiều phương diện, trong đó bao gồm phân bổ và sử dụng kinh phí. Tuy nhiên, qua giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Đắk Nông mới đây, việc thực hiện phân bổ giao dự toán chi ngân sách cho sự nghiệp giáo dục ở các địa phương vẫn chưa thực hiện được đúng tinh thần các nghị quyết của HĐND tỉnh.

ADQuảng cáo

Các hoạt động lớn như Hội khỏe Phù Đổng được tổ chức theo hình thức tự góp kinh phí nên ảnh hưởng đến hiệu quả tổ chức

Theo Nghị quyết 39/2016/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 của HĐND tỉnh quy định, chi thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và học tập chiếm 18% tổng chi sự nghiệp giáo dục. Định mức phân bổ này đã tính đủ cho các cấp giáo dục, các loại hình giáo dục thuộc ngân sách các cấp phải bảo đảm  theo phân cấp. Trong đó, ngành giáo dục được sử dụng từ 4-6% trong tổng số kinh phí thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và học tập của sự nghiệp giáo dục do cấp mình quản lý để quản lý các hoạt động chung của ngành; chi cho hợp đồng 68 và sửa chữa thường xuyên trường lớp; mua sắm các trang thiết bị, phương tiện giảng dạy và học tập theo quy định. Như vậy, các trường sẽ được cấp chi thường xuyên tối thiểu 12% trong tổng chi sự nghiệp.

Tuy nhiên, trong thực tế, vì nhiều nguyên nhân, hầu hết các nhà trường đều không được cấp đủ 12%. Điển hình như tại huyện Đắk R’lấp, năm 2018, tỷ lệ chi thực hiện nhiệm vụ giảng dạy chỉ đạt 8%. Theo UBND huyện, nguyên nhân dẫn đến tình trạng cấp không đủ định mức quy định là do dự toán hàng năm không đủ quỹ lương thực tế, bao gồm quỹ lương thực trả ở thời điểm hiện tại cộng với dự kiến về quỹ lương tăng thêm do nâng bậc và thăng hạng viên chức trong kế hoạch.

Hàng năm, để bù khoản thiếu hụt về quỹ lương do không được bố trí, ngành Giáo dục phải sử dụng nguồn chi thực hiện các hoạt động để chi trả lương cho người lao động, dẫn đến định mức phân bổ không đúng theo quy định của Chính phủ và tinh thần của Nghị quyết 39. Tình trạng cấp không đủ định mức đã gây rất nhiều khó khăn cho ngành Giáo dục địa phương. Theo đó, nhiều hạng mục không được thực hiện như sửa chữa chống xuống cấp trường, lớp và mua sắm, thay thế trang thiết bị giảng dạy và học tập theo quy định. Một số hoạt động phục vụ cho việc giảng dạy và học tập tại các trường cũng phải cắt giảm.

ADQuảng cáo

Tại huyện Đắk Song, năm 2018, việc phân bổ kinh phí thường xuyên cho các trường chỉ đạt 7,8%. Theo UBND huyện Đắk Song, việc thực hiện thu, chi học phí tại các trường mầm non và THCS được thực hiện theo Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 10/12/2015 của HĐND tỉnh quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.

Theo đó, 40% khoản thu học phí được trích lại để thực hiện cải cách tiền lương, 60% được sử dụng chi hoạt động. Tuy nhiên, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của cấp có thẩm quyền, nên hiện nay Kho bạc Nhà nước huyện không cho các đơn vị sử dụng số kinh phí này. Trong khi nhu cầu sử dụng cao nhưng nguồn vốn này vẫn đang tồn trong tài khoản tiền gửi của các đơn vị.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo, việc thực hiện định mức phân bổ trong ngành theo Nghị quyết 39 của HĐND tỉnh hiện vẫn còn nhiều bất cập. Qua nắm bắt, hầu hết các trường đều không được cấp đủ theo quy định. Có trường chỉ đạt khoảng từ 7-8%, thậm chí nhiều địa phương, các trường không đạt mức này, ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai các hoạt động thường xuyên. Với quy định về việc tổ chức các hoạt động chung, lớn phải thực hiện theo hình thức đóng góp, nên gây rất nhiều khó khăn cho các đơn vị cũng như Sở GD-ĐT khi thực hiện quyết toán. Thậm chí, với hình thức “góp gạo thổi cơm chung” để tổ chức các hoạt động lớn thật sự rất khó khăn cho cả đơn vị chủ trì là Sở GD-ĐT và các huyện, thị xã. Thực tế cho thấy, một số địa phương không tham gia các cuộc thi cấp tỉnh vì không có kinh phí.

Cũng theo phản ánh của các địa phương, trong Nghị quyết số 36/2016/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 của HĐND tỉnh về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách tỉnh Đắk Nông năm 2017 có quy định kinh phí tổ chức các hoạt động chung do ngành Giáo dục thực hiện như thi học sinh giỏi, các hoạt động hè…Tuy nhiên, đối với các hội thi 2 năm tổ chức một lần lại không có văn bản hướng dẫn như thi giáo viên dạy giỏi các cấp, Hội khỏe Phù Đổng, thi học sinh giỏi thể dục thể thao… Thực tế này đã gây khó khăn, vướng mắc chung cho tất cả các huyện, thị xã vì không có kinh phí để tổ chức. Theo Phòng GD-ĐT thị xã Gia Nghĩa, hiện nay đơn vị vẫn còn “nợ” gần 200 triệu đồng chi phí tham gia Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh lần thứ VIII vừa qua và hiện tại vẫn chưa có nguồn nào để “trả nợ”.  

Qua giám sát tại các huyện, thị xã, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh cho rằng, việc phân bổ kinh phí thường xuyên cho các nhà trường không đủ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm thu. Để hạn chế tình trạng này, các đơn vị liên quan cần có những đề xuất, kiến nghị phù hợp để tháo gỡ vướng mắc, thực hiện phân bổ kinh phí đúng định mức theo quy định của Chính phủ, các nghị quyết HĐND tỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân bổ và sử dụng kinh phí trong ngành Giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO