Phải dành thời gian thích đáng cho việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh

Nguyễn Hiền| 12/08/2019 10:25

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh về vai trò, tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong trường học.

ADQuảng cáo

Phải bắt đầu từ sự gương mẫu của thầy, cô giáo

Sau khi điểm qua các thành tựu đạt được cũng như dẫn chứng, phân tích một số trường hợp, tình huống vi  phạm đạo đức, lối sống trong  học đường thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh chưa đúng mức, các nhà trường chưa thực sự dành nhiều thời gian, kể cả giáo trình và con người cần thiết. Các hoạt động giáo dục kỹ năng mềm và thực hành còn nhiều hạn chế. Công tác dạy chữ đạt khá nhưng dạy người còn nhiều bất cập. Ví dụ như tình trạng gian lận điểm thi, điểm tốt nghiệp THPT ở một số tỉnh, thành hay sự phổ biến các video bạo lực học đường trên mạng xã hội thời gian qua là điển hình của sự sai lệch về đạo đức.  

Trường tiểu học Lê Hồng Phong ở phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) tổ chức hoạt động ngoại khóa, thu hút phụ huynh, học sinh tham gia để giáo dục lối sống đạo đức, kỹ năng cho học sinh

Từ thực tế, Thủ tướng đã đề nghị ngành Giáo dục phải dành thời gian thích đáng cho công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Các hoạt động giáo dục phải làm sao tạo được sự chuyển biến lớn từ ý thức đến kỹ năng. Việc tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện. Đây là nhiệm vụ của toàn xã hội, trong đó ngành Giáo dục phải đóng vai trò trung tâm.

Giáo dục đạo đức phải từ những việc nhỏ nhất và phải bắt đầu từ các thầy, cô giáo. Bởi vì, thầy cô giáo chính là những tấm gương gần gũi nhất đối với các em. Các tổ chức xã hội, đoàn thể cần có trách nhiệm phối hợp giáo dục, tổ chức các hoạt động lôi cuốn, thu hút được học sinh tham gia. Các nhà trường tăng cường nhân rộng, đưa các mô hình, tấm gương điển hình vào trường học, nhất là những mô hình, tấm gương, việc làm gần gũi tại địa phương và ngay trong ngành Giáo dục. Bộ Giáo dục-Đào tạo cần sớm ban hành một bộ chuẩn về lối sống, đạo đức dành cho học sinh, sinh viên.

Phải quan tâm từ những việc nhỏ nhất

ADQuảng cáo

Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh vai trò của nhà trường, người thầy trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Phó Thủ tướng cho rằng lâu nay, việc dạy đạo đức, lối sống trong các nhà trường chủ yếu thông qua các tiết đạo đức và gần như mặc định trách nhiệm cho giáo viên chủ nhiệm. Các nhà trường phải xác định giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là của toàn thể cán bộ, giáo viên, các đoàn thể trong nhà trường. Việc giáo dục đạo đức, lối sống phải quan tâm từ những việc nhỏ, gần gũi nhất để học sinh cảm nhận và ảnh hưởng dễ dàng hơn.

Phó Thủ tướng lấy dẫn chứng, trong lễ chào cờ lâu nay, các nhà trường thường bố trí khu vực ngồi của đại biểu, cán bộ, giáo viên rất trang trọng, có khoảng cách nhất định với học sinh, phụ huynh. Những năm gần đây, một số trường đã có sự thay đổi và tạo được thiện cảm, sự gần gũi, thân thiện với học sinh hơn. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống ở những đơn vị ấy cũng có những chuyển biến tích cực. Vì vậy, ngay trong năm học mới này, ngành Giáo dục phải tiếp tục chỉ đạo các nhà trường thay đổi ngay từ việc tổ chức lễ khai giảng cả về nội dung và hình thức, đúng theo tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”.

Đây cũng là tinh thần chung trong văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đối với Bộ GD-ĐT vừa được ban hành. Văn bản yêu cầu các nhà trường phải tăng cường các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thông qua việc tổ chức các phong trào, nêu cao các khẩu hiệu như: “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Năm điều Bác Hồ dạy”...

Triển khai ngay trong lễ khai giảng

Theo ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, những năm qua trên địa bàn tỉnh gần như chưa để xảy ra trường hợp nào vi phạm đạo đức, lối sống trầm trọng trong học sinh. Tuy nhiên, các nhà trường triển khai giáo dục đạo đức, lối sống mới chỉ dừng lại ở lồng ghép nên còn tương đối mờ nhạt. Trên tinh thần chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ và công văn của Phó Thủ tướng Chính phủ, ngành Giáo dục tỉnh sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn các trường thực hiện đổi mới giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh và triển khai ngay trong lễ khai giảng năm học mới.

Ngành cũng sẽ tập huấn đổi mới dạy và học môn đạo đức, giáo dục công dân, gắn với đổi mới sinh hoạt Đoàn, Đội. Giáo viên có trách nhiệm tăng cường liên hệ với thực tiễn, giới thiệu những tấm gương người tốt việc tốt. Toàn ngành đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin  nhằm kết nối phụ huynh với học sinh, thầy cô giáo và nhà trường; tổ chức các hoạt động thu hút sự quan tâm của phụ hunh học sinh và các đoàn thể xã hội trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải dành thời gian thích đáng cho việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO