Ngành Giáo dục đã đạt và vượt nhiều mục tiêu

Nguyễn Hiền| 03/05/2018 14:14

Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2020 đến nay, ngành Giáo dục đã tập trung mọi nguồn lực thực hiện đạt và vượt kế hoạch nhiều mục tiêu đề ra. Qua đó, ngành có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để hoàn thành các mục tiêu của cả nhiệm kỳ, nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện.

ADQuảng cáo

Quy mô giáo dục ngày càng tăng

Để đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn, từ các nguồn vốn khác nhau, hàng năm ngành Giáo dục được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học. Trong đó, các địa phương ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây mới và sửa chữa các trường học, điểm trường ở vùng sâu, vùng xa.

Điều kiện học tập của học sinh vùng dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm

Với sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đã phần nào giải quyết được các "điểm nóng" về thiếu phòng, lớp học. Theo thống kê của Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT), toàn tỉnh hiện có 396 cơ sở giáo dục, tăng 14 cơ sở so với đầu năm học 2016-2017. Trong đó, bậc mầm non có 121 trường công lập và ngoài công lập, tăng 8 trường; bậc tiểu học có 148 trường, tăng 4 trường; bậc THCS và THPT có 116 trường, tăng 2 trường.

Đối với các vùng trung tâm, tùy thuộc vào nguồn lực, kết hợp với chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn ngành đầu tư xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia. Hàng năm, ngành đều đạt và vượt kế hoạch xây dựng 8 trường đạt chuẩn quốc gia theo tinh thần của Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Theo đó, đến nay toàn tỉnh đã có 111 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, tăng 12 trường so với năm 2016.

Nhờ được tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập ngày càng cao của con em trên địa bàn. Nếu năm 2016, tỷ lệ dân số trong độ tuổi THPT và tương đương đạt 66% thì đến năm 2017 đạt 67,5% và đến đầu quý I năm 2018 đạt trên 98% kế hoạch đề ra.

Giáo viên Trường tiểu học Lê Hồng Phong ở xã Đắk Ru (Đắk R'lấp) chú trọng hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số

Chất lượng giáo dục có nhiều bước chuyển

Với việc chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất, thực hiện đồng bộ các giải pháp khác, trong giữa nhiệm kỳ 2016-2020, toàn ngành đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ngoài đạt và vượt các chỉ tiêu cơ bản về xây dựng trường chuẩn quốc gia và tỷ lệ dân số trong độ tuổi học THPT, toàn ngành đã đạt được những bước chuyển ở các bậc học.

ADQuảng cáo

Ở bậc mầm non, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ nhà trẻ giảm còn 4,6%, mẫu giáo giảm xuống còn 7,5%. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ nhà trẻ giảm còn 5,8% và trẻ mẫu giáo giảm còn 7,4%. Tỷ lệ huy động trẻ từ 3-5 tuổi đến trường đạt trên 84%, trong đó trẻ 5 tuổi đạt 100%. 100% trường sinh hoạt chuyên môn có chất lượng và xây dựng được các chuyên đề cho các môn học ở các khối lớp.

Các hội thi khoa học kỹ thuật được tổ chức là hình thức cho học sinh trải nghiệm, vận dụng kiến thức được học vào thực tiễn

Công tác phổ cập giáo dục tiểu học và huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt trên 99%. Tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học đạt trên 99%. Giáo dục phổ thông từng bước được đổi mới đồng bộ. Giáo viên tích cực áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại, phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh. Tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng ngày càng giảm. Tỷ lệ học sinh đạt giải trong các kỳ thi ngày càng tăng, nhất là các kỳ thi cấp khu vực và quốc gia. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT ngày càng tăng, riêng năm học 2016-2017 đạt 90,51%, là một trong những tỉnh cao nhất của khu vực Tây Nguyên.

Năm 2017, ngành Giáo dục vinh dự được Bộ GD-ĐT tặng Cờ thi đua tiêu biểu, xuất sắc về đổi mới, sáng tạo trong dạy học.

Hội thi Quyền trẻ em

Tạo đà thực hiện thành công mục tiêu đề ra

Theo Sở GD-ĐT, những kết quả đạt được đã tạo nền tảng để toàn ngành thực hiện thành công các mục tiêu đề ra đến năm 2020 là đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Từ việc xác định rõ lợi thế và hạn chế của mình, toàn ngành đã đề ra các nhóm giải pháp cho giữa nhiệm kỳ cuối 2018-2020.

Theo đó, để bảo đảm nguồn cán bộ, giáo viên, ngành tiếp tục tham mưu các cấp tăng cường biên chế cho các bậc học, nhất là bậc mầm non và tiểu học. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ưu tiên đầu tư cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số phục vụ nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Các địa phương rà soát quy hoạch, phát triển quy mô mạng lưới trường lớp theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Cùng với đó, tỉnh tranh thủ các nguồn vốn khác nhau để đầu tư theo hướng tập trung, tránh dàn trải, hiệu quả thấp. Hàng năm, ngành Giáo dục và các địa phương ưu tiên một phần kinh phí sự nghiệp giáo dục để thực hiện công tác duy trì trường học đạt chuẩn quốc gia.

Ngành cũng tập trung thực hiện nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Theo đó, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nâng cao chất lượng giáo dục, toàn ngành tiếp tục rà soát, sắp xếp lại hệ thống cơ sở vật chất vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, trong đó ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng, tu sửa các trường dân tộc nội trú, bán trú. Việc áp dụng dạy học các môn học ở vùng miền, nhất là nâng cao chất lượng tiếng Việt  cho học sinh dân tộc thiểu số sẽ được chú trọng hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Giáo dục đã đạt và vượt nhiều mục tiêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO