Krông Nô sáp nhập các cơ sở giáo dục theo hướng tinh gọn, phù hợp, hiệu quả

Ngọc Dũng| 02/04/2019 10:28

Dựa trên điều kiện thực tế của mình, bắt đầu từ năm 2019 - 2020, huyện Krông Nô đã lên kế hoạch triển khai thực hiện đề án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập.

ADQuảng cáo

Việc xây dựng phương án sáp nhập ở các trường được tính toán hợp lý, bảo đảm cơ cấu tổ chức, cơ sở vật chất và không gây ảnh hưởng tiêu cực đến điều kiện học tập của học sinh.

Bắt đầu từ năm học 2020-2021, Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân sẽ sáp nhập với Trường THCS Buôn Choáh, góp phần giảm bớt số lượng cán bộ quản lý và nhân viên, giáo viên bộ môn

Trường THCS Buôn Choáh, xã Buôn Choáh hiện có 5 lớp với khoảng 160 học sinh. So với các trường khác trên địa bàn, Trường THCS Buôn Choáh có số lượng học sinh ít hơn. Trong khi đó, trên địa bàn xã có Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân cách khoảng 4 km và cũng có đến hai phân hiệu. Do đó, UBND huyện Krông Nô đã chủ trương sáp nhập hai trường tiểu học và THCS thành một trường Trường tiểu học và THCS Nguyễn Viết Xuân tại thôn Cao Sơn. Bắt đầu từ năm học mới 2020-2021, trường sẽ thực hiện sáp nhập, hoạt động chung. Việc sáp nhập trường học bước đầu nhận được sự đồng thuận cao.

ADQuảng cáo

Theo ông Phan Văn Đồng, Hiệu trưởng Trường THCS Buôn Choáh, hiện nay địa bàn xã có dân số ít, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Việc sáp nhập hai trường là cần thiết và hợp lý trong công tác quản lý. Trong quá trình chuẩn bị cho công tác sáp nhập, nhà trường cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp cán bộ, giáo viên, nhân viên hiểu được sự cần thiết, ý nghĩa của việc sáp nhập. Nhờ đó, khi triển khai chuẩn bị về nhân sự đều nhận được sự đồng tình, ủng hộ của hầu hết cán bộ, giáo viên, nhân viên hai trường. Dự kiến sau khi sáp nhập, Trường tiểu học và THCS Nguyễn Viết Xuân sẽ có khoảng hơn 350 học sinh thuộc 2 bậc học. Với phương án sắp xếp theo đề án này sẽ tạo thuận lợi mọi hoạt động giảng dạy và học tập ở trường.

Bên cạnh đó, huyện cũng thực hiện sáp nhập Trường tiểu học Kim Đồng và Trường tiểu học Hà Huy Tập ở xã Nâm N’Đir để thành lập Trường tiểu học và THCS  Kim Đồng.

Theo ông Trương Văn Tùng, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Krông Nô, trong đề án sáp nhập cụ thể, huyện đã xây dựng chi tiết, xử lý một số nhân sự dôi dư do sắp xếp lại. Nhân sự dôi dư chủ yếu là nhân viên về văn thư, kế toán, y tế học đường. Những trường hợp này, huyện sẽ cân đối, bố trí về các trường hiện đang còn thiếu. Đối với nhân sự chủ chốt của một số trường như Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân ở xã Buôn Choáh vì thực hiện sáp nhập nên thời gian qua huyện chưa được bổ nhiệm hiệu trưởng và khi sáp nhập cũng không gặp nhiều khó khăn. Do đặc thù của địa phương dân cư ở vùng sâu, vùng xa sống rải rác nên trong quá trình sáp nhập, UBND huyện cũng tính toán hợp lý vấn đề cơ sở vật chất, bố trí các điểm trường phù hợp để không ảnh hưởng đến việc đi lại của các em học sinh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Krông Nô sáp nhập các cơ sở giáo dục theo hướng tinh gọn, phù hợp, hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO