Hạnh phúc qua mỗi chuyến “đưa đò”

Nguyễn Hiền| 16/11/2017 09:12

Đối với cô Biện Thị Hóa, giáo viên Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Gia Nghĩa), dạy học như một niềm đam mê mà cô vẫn thường nói là “thấm vào máu”. Có lẽ vì vậy, hơn 26 năm trong nghề, với những thành tích đạt được, hạnh phúc lớn nhất đối với cô là thành quả sau mỗi chuyến “đưa đò”.

ADQuảng cáo

Tùy theo khả năng học sinh, cô Hóa có những phương pháp truyền đạt phù hợp nhất để các em dễ hiểu

Nồng ấm tình nghĩa cô trò

Dáng người nhỏ nhắn, ở cái tuổi 47, khuôn mặt đã điểm nhiều vết chân chim, nhưng khi trò chuyện với cô, tôi cảm thấy nhớ đến những giáo viên hiền hậu, tâm huyết, truyền cho bao thế hệ học trò niềm đam mê học tập. Sau khi ra trường, quyết tâm theo đuổi nghề giáo, cô xung phong về dạy ở huyện Chư Jút.

Với sức trẻ và sự nhiệt huyết của mình, cô ngày càng vững vàng hơn trong chuyên môn nghiệp vụ và đã từng được đề bạt làm hiệu phó trường. Thế nhưng, ai cũng bất ngờ và thấy lạ khi cô từ chối cơ hội vì chỉ muốn được đứng trên bục giảng để trực tiếp dạy dỗ học trò.

Nhắc đến những kỷ niệm trong nghề, ánh mắt cô như bừng sáng, đầy tự hào. Cô kể về những lứa học sinh bây giờ đã đi làm, là sinh viên đại học, là học sinh cấp ba, nhưng vẫn liên lạc, gọi cô ríu rít như ngày tiểu học. Có học sinh đã định cư ở nước ngoài, nhưng đến các ngày lễ vẫn không quên gọi điện, gửi những món quà bé nhỏ, nhiều ý nghĩa đối với cô. Có những ngày cô nằm viện, học sinh được cô giúp đỡ ngày xưa mà ngay cô cũng không nhận ra cũng đến thăm và chăm sóc cô.

Cô cũng không quên những học sinh trong đêm 30 tết xin bố mẹ bằng được để ở lại đón giao thừa với cô khi cô chuẩn bị chuyển công tác lên Gia Nghĩa. Có những học sinh đậu đại học, được tham gia các cuộc thi lớn hay có niềm vui gì cũng gọi điện để thông báo, để khoe như là một thành tích để tặng cô….

Cô rơm rớm nước mắt khi nhắc đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Cô còn nhớ trường hợp của em Nguyễn Văn Long bị đau ốm, nhưng gia đình khó khăn, cô đã tự bỏ tiền đóng bảo hiểm, giúp em có điều kiện chữa khỏi bệnh. Từ đó, Long và gia đình luôn xem cô là người thân trong gia đình. Đến ngày lễ, tết, Long và bố mẹ vẫn đến nhà thăm hỏi cô. Điều này làm cô cảm thấy xúc động, hạnh phúc và càng yêu nghề, yêu học sinh hơn.

ADQuảng cáo

Cô vẫn chưa quên một buổi chiều tối tháng 10 khi đang căm cụi làm bếp thì một nhóm học sinh cũ đến nhà, mang theo hoa tươi và bánh, hát bài hát mừng sinh nhật cô. Cô òa khóc vì xúc động, vì hạnh phúc, vì đến bản thân mình cũng không nhớ nổi sinh nhật mình, nhưng học trò cũ vẫn nhớ. Những câu chuyện nối dài về tình cảm học trò dành cho cô làm người nghe cũng xúc động theo và hiểu tại sao cô chỉ muốn đi dạy.

Những buổi dạy làm học sinh hào hứng, hiểu bài là thành công đối với cô Hóa

Tận tâm với nghề

Với cô Hóa, trong quá trình giảng dạy, để dạy tốt phải hiểu được tâm lý học sinh để kịp thời động viên, khích lệ, phát huy hết thế mạnh của từng em. Cùng với đó, giáo viên cũng phải hiểu rõ năng lực, khả năng nắm bắt bài học của từng học sinh, từ đó có phương pháp dạy học phù hợp.

Cô Hóa tâm sự: “Với yêu cầu ngày càng cao, ở trong nghề cũng đã lâu, nhưng tôi luôn cố gắng học hỏi để cập nhật kiến thức mới. Tôi cố gắng chọn những hình thức truyền đạt sao cho học sinh có thể dễ dàng tiếp cận bài học, yêu các giờ học. Nhiều lúc, đang nửa đêm, nghĩ ra cách giải bài toán hay, tôi bật dậy ghi chép lại. Chồng tôi nhiều khi nói đùa: “lại lên cơn”. Được cái, chồng cũng hiểu sau mỗi lần “lên cơn” như vậy tôi lại cảm thấy rất hứng khởi, vui vẻ nên cũng thông cảm”.

Nhiều năm kinh nghiệm trong nghề là một lợi thế về kinh nghiệm, nhưng cô cũng luôn quan niệm, phải luôn học hỏi, cập nhật kiến thức để đáp ứng được yêu cầu đổi mới ngày càng cao. Ngoài việc học hỏi đồng nghiệp, cô thường xuyên cập nhật kiến thức mới trên các trang mạng, truyền hình chính thống, làm các sáng kiến kinh nghiệm. Với cô, mỗi đồng nghiệp trong trường dù tuổi đời còn ít hay đã nhiều cũng có điểm để cô học hỏi, hoàn thiện mình về chuyên môn.

Cô Phan Thị Nhạn, Hiệu phó Trường tiểu học Võ Thị Sáu  tâm sự: “Cô Hóa là người ít nói, chỉ lặng lẽ làm mọi việc và làm rất trách nhiệm. Khi giao bất cứ nhiệm vụ gì, Ban giám hiệu cũng rất yên tâm. Các hoạt động bề nổi của trường cũng có sự đóng góp rất lớn của cô. Ngoài việc chú trọng nâng cao tay nghề, đổi mới phương pháp dạy học, cô sống rất tình cảm, tận tâm với học trò. Nhiều học sinh nhà ở xa, bố mẹ không đón được buổi trưa, cô cũng đón về nhà cho ăn uống, ngủ nghỉ, rồi chở đi học. Đối với đồng nghiệp, cô sống rất chan hòa, khiêm tốn và sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình.”

Với sự nhiệt huyết của mình, cô Hóa đã đạt được rất nhiều thành tích. Hàng năm, cô đều đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải A, B cấp tỉnh…Cô là một trong những giáo viên có danh sách dài những học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Thế nhưng, khi hỏi về những thành tích đạt được, cô im lặng như chiêm nghiệm lại chặng đường đã qua, với niềm tự hào: “Những buổi dạy làm học sinh hào hứng, hiểu bài là thành công đối với tôi. Những lứa học trò thành đạt vẫn nhớ đến mình là thành tích lớn nhất đối với tôi. Tôi thấy hạnh phúc với nghề mình đã chọn”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạnh phúc qua mỗi chuyến “đưa đò”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO