Để thực hiện các mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục: Cần sự ủng hộ, chia sẻ của phụ huynh, học sinh

Nguyễn Hiền thực hiện| 02/11/2018 09:36

Năm học 2018-2019, các trường tiểu học trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa tổ chức thu tiền dạy môn tiếng Anh và dạy học buổi thứ 2 trong ngày đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận và phụ huynh học sinh. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Hà, Trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo thị xã Gia Nghĩa về vấn đề này.

ADQuảng cáo

Bà Phạm Thị Hà

PV: Thưa bà, tại sao hiện nay một số trường học trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa tổ chức thu tiền chi trả cho giáo viên dạy môn tiếng Anh?

Bà Phạm Thị Hà: Liên quan đến việc dạy và học môn tiếng Anh, UBND thị xã Gia Nghĩa đã ban hành Kế hoạch số 130/KH-UBND về việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa giai đoạn 2012-2020. Kế hoạch này được xây dựng dựa trên các đề án của Bộ GD-ĐT về dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, các giai đoạn 2008-2020 và 2017-2025 và Kế hoạch 142/KH-UBND của UBND tỉnh ngày 25/4/2012 về việc dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2012-2020.

Một trong những mục tiêu của kế hoạch là phấn đấu đến năm 2020 có 100% học sinh từ lớp 3 đến lớp 9 được học chương trình tiếng Anh mới. Để thực hiện mục tiêu của Đề án và thực hiện tốt hơn mục tiêu của giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội cũng như nhu cầu của người học, Phòng GD-ĐT khuyến khích các trường dạy tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 5; riêng từ lớp 1 đến lớp 2 khuyến khích thực hiện chương trình làm quen với tiếng Anh.

Môn tiếng Anh là một trong những môn tự chọn nên hiện nay vẫn chưa được cấp biên chế giáo viên theo nhu cầu của đề án. Vì vậy, việc triển khai dạy môn tiếng Anh hiện nay trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhất định. Hiện nay, thị xã có 15 trường tiểu học, trong đó có 130 lớp từ lớp 3 đến lớp 5 nhưng biên chế giáo viên tiếng Anh chỉ có 12 người. Thực hiện đề án, thị xã hiện có 11 trường đang triển khai dạy chương trình tiếng Anh mới với thời lượng 4 tiết/tuần. Tính theo định mức quy định, thị xã hiện thiếu 12 biên chế giáo viên. Nếu thực hiện 4 tiết/tuần thì nhiều trường thiếu giáo viên đứng lớp môn tiếng Anh như Trường tiểu học Thăng Long ở phường Nghĩa Đức, Trường tiểu học Lê Hồng Phong ở phường Nghĩa Thành giáo viên tiếng Anh phải dạy 21 tiết/tuần...

Để bảo đảm duy trì thực hiện theo đề án, thị xã chủ trương xã hội hóa để chi trả lương cho số giáo viên tiếng Anh hiện còn thiếu. Số tiền thu được tính theo số lượng giáo viên thực thiếu ở các trường trong khoảng từ 85.000 đồng-125.000 đồng/học sinh/năm.

PV: Hiện nay, trên địa bàn thị xã có một số trường mầm non và tiểu học triển khai thu khoản chi trả dạy học 2 buổi/ngày, bà có thể cho biết?

ADQuảng cáo

Bà Phạm Thị Hà: Theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, chương trình tiểu học được thiết kế 1 buổi/ngày. Tuy nhiên, nhằm tăng thời lượng học tập, rèn luyện, tránh tình trạng dạy thêm, Bộ GD-ĐT có hướng dẫn và khuyến khích các cơ sở có điều kiện triển khai thực hiện. Việc học vào buổi chiều chủ yếu tập trung cho học sinh ôn luyện lại những kiến thức học chính khóa, tăng cường các môn năng khiếu, hoạt động ngoại khóa, ôn tập cho học sinh có học lực còn yếu...

Thực tế cho thấy, những trường học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày có chất lượng giáo dục vượt trội và tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh trong quản lý con em để yên tâm công tác, lao động sản xuất. Tuy nhiên hiện nay, số lượng biên chế giáo viên toàn ngành nói chung và ở thị xã vẫn còn thiếu nhiều. Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, các trường phải kêu gọi xã hội hóa để chi trả lương cho giáo viên hợp đồng bậc mầm non và tăng tiết cho giáo viên bậc tiểu học. Hiện nay, 100% các trường tiểu học và mầm non trên địa bàn đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Trường mầm non Hoa Phượng Vàng ở phường Nghĩa Tân phải thực hiện xã hội hóa để chi trả cho giáo viên hợp đồng, bảo đảm cho trẻ học 2 buổi/ngày

PV: Để hạn chế tình trạng lạm thu khi triển khai các khoản thu xã hội hóa nói chung và hai khoản thu nói trên, ngành Giáo dục thị xã đã có những giải pháp như thế nào?

Bà Phạm Thị Hà: Ngay từ đầu năm học, Phòng GD-ĐT thị xã đã có các văn bản chỉ đạo các trường thực hiện thu, chi nghiêm túc đối với các khoản tự nguyện trong trường học theo tinh thần của UBND tỉnh và Sở GD-ĐT. Các trường thu các khoản như dạy tiếng Anh, học 2 buổi/ngày phải có kế hoạch cụ thể dựa trên điều kiện thực tế của trường và qua kiểm tra, phê duyệt của Phòng GD-ĐT.

Nguyên tắc thực hiện các khoản thu tự nguyện là phải bàn bạc, thống nhất với phụ huynh học sinh và khi có sự đồng tình cao mới triển khai thực hiện. Việc nâng cao chất lượng giáo dục, bảo đảm các điều kiện cho con em học tập là nhu cầu thiết yếu. Tuy nhiên, với điều kiện khó khăn chung của toàn ngành Giáo dục, để thực hiện được các mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục rất cần sự ủng hộ, chia sẻ của phụ huynh, học sinh và xã hội.

Hiện nay, cũng do một số nguyên nhân nên một bộ phận nhỏ phụ huynh còn thắc mắc về việc thu hai khoản trên. Phòng GD-ĐT cũng đã đề nghị các trường tuyên truyền, giải thích để phụ huynh hiểu và đồng tình. Phòng cũng đã tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các khoản thu, chi của các cơ sở giáo dục để kịp thời chấn chỉnh các trường hợp thực hiện không đúng tinh thần đề ra và người đứng đầu là các hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để thực hiện các mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục: Cần sự ủng hộ, chia sẻ của phụ huynh, học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO