Dạy qua truyền hình, giúp học sinh ôn tập, nắm bắt kiến thức

Nguyễn Hiền| 06/04/2020 17:16

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, cùng với cả nước, học sinh trong toàn tỉnh Đắk Nông đã tạm nghỉ học trong thời gian dài. Trong khi đó, các kỳ thi xét tốt nghiệp đối với học sinh hai khối lớp 9 và 12 đang cận kề. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT), UBND tỉnh, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh thực hiện chương trình ôn tập trên truyền hình cho học sinh.

ADQuảng cáo

Giáo viên chuẩn bị trước giờ quay

Chọn giáo viên giỏi

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, hiện toàn tỉnh có trên 5000 học sinh khối lớp 12 và trên 7000 học sinh khối lớp 9. Để thực hiện các tiết dạy qua truyền hình, ngành Giáo dục đã huy động 36 giáo viên bậc THCS và THPT. Mỗi bộ môn chọn 3 giáo viên giỏi, giàu kinh nghiệm trong áp dụng đổi mới các phương pháp dạy học.

Cụ thể, đối với khối lớp 9, học sinh sẽ được hỗ trợ ôn tập vào lớp 10 với các môn: Toán, Tiếng Việt và Anh văn. Học sinh khối lớp 12 ôn luyện các môn dự kiến thi tốt nghiệp THPT gồm Toán, tiếng Anh, Ngữ văn, Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân. Theo kế hoạch, trước mắt, các đơn vị sẽ quay phát 48 tiết trên Đài PT-TH Đắk Nông trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày 6/4 với khung giờ nhất định để học sinh, phụ huynh và giáo viên tiện theo dõi. Các tiết dạy sẽ được quay trong vòng 30-45 phút tùy môn và giáo viên thực hiện nội dung.

Nội dung bài giảng phù hợp với tất cả học sinh

Điều chỉnh dần cho phù hợp

Nội dung ôn tập được xây dựng theo các chuyên đề nhằm giúp học sinh dễ nắm bắt. Hiện tại, giáo viên thực hiện trước hai chuyên đề. Qua nhận định của giáo viên, các bước triển khai tiết giảng trên truyền hình cũng cơ bản giống tiết dạy trên lớp. Điểm khác biệt lớn nhất là không có sự tương tác giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh. Đây cũng là một khó khăn, nên quá trình dạy giáo viên cũng phải điều chỉnh sao cho hợp lý, giúp học sinh tiếp thu bài học tốt nhất.

ADQuảng cáo

Cô Lê Thị Vân Anh, giáo viên Trường THCS Nguyễn Tất Thành (Gia Nghĩa) tham gia quay môn Toán cho biết: “Trước khi quay chính thức, tôi được đồng nghiệp bộ môn góp ý về bài soạn, phương pháp triển khai tiết học, nhận xét hoàn thiện tiết giảng thử… Giáo viên bằng kinh nghiệm của mình đoán biết những phần học sinh có thể gặp khó khăn trong tiếp thu để dành thời gian tương ứng, có những câu hỏi hay nhấn mạnh cho học sinh dễ hiểu. Các phương pháp được áp dụng trong bài giảng phải bảo đảm tất cả học sinh có thể tiếp thu được. Sau tiết giảng, tôi cũng định hướng thêm một số tài liệu tham khảo nhằm giúp học sinh làm thêm bài tập, nắm chắc hơn kiến thức mỗi bài học”.

Trao đổi, rút kinh nghiệm sau tiết giảng trên truyền hình

Qua ghi nhận, vì lần đầu tiên thực hiện nên không ít giáo viên có phần lo lắng, hồi hộp. Sau một vài tiết quay đầu, hầu hết đã quen dần và thực hiện hiệu quả hơn. Cô Phạm Thị Thắm, giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh (Gia Nghĩa) tham gia dạy môn Ngữ văn chia sẻ: “Ban đầu cũng cảm thấy hơi khó vì thiếu sự tương tác với học sinh. Vì mục tiêu giúp tất cả các học sinh có thể hiểu được bài nên tôi dần điều chỉnh cho phù hợp. Mỗi nội dung cung cấp nhiều hơn các ví dụ, minh họa, đưa ra các tình huống liên quan để học sinh có thể tự giải quyết, nắm bắt vấn đề một cách nhanh nhất có thể. Sau mỗi tiết dạy, bản thân được tham gia dựng và xem lại nên cũng rút ra được nhiều bài học, kinh nghiệm hơn cho những tiết dạy sau”.

Cần ý thức học tập cao

Theo ông Lê Nhơn, phụ trách khối THCS và THPT (Sở GD-ĐT), việc thực hiện các tiết giảng phát trên truyền hình là một giải pháp tình thế trong thời điểm học sinh nghỉ học lâu ngày như hiện nay. Tuy nhiên, qua việc dàn dựng, phát các tiết giảng cũng cho thấy nhiều lợi thế. Mục tiêu hướng tới của các tiết dạy là đáp ứng cơ bản nhu cầu ôn tập của học sinh hai khối lớp, phù hợp với tất cả các thành phần học sinh. Cũng vì vậy, các tiết giảng được quay có thể làm tư liệu phát lại cho những năm sau nếu không thay đổi chương trình.

Dự kiến sẽ quay 48 tiết, phát trong hai tuần với khung thời gian cố định

Qua thực tế triển khai cũng gặp một số khó khăn như không có sự tương tác giữa giáo viên với học sinh. Nhiều học sinh điều kiện khó khăn hay ở vùng sâu, vùng xa, có thể gặp khó khăn trong tiếp cận các tiết giảng trên truyền hình. Tuy nhiên, ngành Giáo dục cũng đã chỉ đạo các phòng giáo dục, các trường phải phổ biến sâu rộng trong phụ huynh, học sinh, bảo đảm nhiều nhất số lượng học sinh được tiếp cận. Ngay sau khi đi học trở lại, các trường sẽ triển khai kiểm tra mức độ tiếp cận, nắm bắt kiến thức của học sinh đối với các tiết giảng. Giáo viên sẽ tiến hành phân loại học sinh và lên kế hoạch phụ đạo lại, bảo đảm kiến thức cho học sinh tham gia thi, xét tuyển vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT.

Ông Lê Nhơn cũng cho biết, để áp dụng thành công các tiết học trên truyền hình, các trường, giáo viên phải phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trong phụ huynh, học sinh. Phụ huynh cần theo dõi, nhắc nhở con em nắm bắt giờ phát sóng các tiết giảng. Học sinh cần có thái độ cầu thị, ý thức học tập cao và xem đi xem lại nhiều lần bài giảng để tiếp nhận kiến thức hiệu quả nhất.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dạy qua truyền hình, giúp học sinh ôn tập, nắm bắt kiến thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO