Đắk Glong: Học sinh tăng cao và áp lực thiếu giáo viên

19/08/2019 16:25

Nhiều năm nay, huyện Đắk Glong luôn đứng trước những áp lực do tình trạng tăng học sinh, trong khi vẫn thiếu giáo viên, gây nhiều khó khăn cho việc bảo đảm chất lượng dạy và học trên địa bàn. Trước thêm năm học mới, địa phương và từng trường đã có nhiều cố gắng để khắc phục khó khăn.

ADQuảng cáo

Ưu tiên cho trẻ 5 tuổi

Qua thống kê của Phòng Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) huyện Đắk Glong, năm học 2019-2020, toàn huyện có 5.632 trẻ trong độ tuổi đến trường. Những năm học trước,  chỉ tăng khoảng 1.000 trẻ nhưng năm nay tăng gấp đôi, với gần 2.000 trẻ. Vì thiếu cơ sở vật chất và giáo viên nên huyện chỉ có thể huy động được khoảng 4.000 trẻ đến trường. Như vậy sẽ có khoảng hơn 1.600 trẻ trong độ tuổi sẽ không được đến trường.

Do thiếu giáo viên nên phần lớn trẻ 3-4 tuổi ở xã Đắk R'măng (Đắk Glong) chưa được đến trường

Ông Đoàn Văn Phương, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện chia sẻ: "Dẫu biết là quyền lợi của trẻ nhưng chúng tôi bất lực, không dám huy động hết trẻ đến lớp, chỉ ưu tiên trẻ 5 tuổi để duy trì phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, tiếp đến mới ưu tiên trẻ 4 tuổi”.

Qua rà soát, số trẻ 3 tuổi chưa được đến trường tập trung chủ yếu ở các xã Đắk R’măng và Quảng Hòa. Đáng lưu ý là, ở đây tỷ lệ trẻ không được đến trường ngày càng nhiều, trong khi việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới được bắt đầu từ lớp 1 đang cận kề. Trẻ không được chuẩn bị tiếng Việt lớp 1 sẽ là một áp lực mới cho các trường trong những năm tới.

Ấp lực lớn do thiếu giáo viên kéo dài

Mấy năm nay, Trường mầm non Hoa Lan ở xã Đắk R’măng là một trong những đơn vị thiếu giáo viên nhiều nhất của huyện Đắk Glong. Vào đầu mấy năm học trước, trường có 9 lớp nên mỗi cán bộ, giáo viên phải phụ trách từ 2-4 lớp. Năm nay, khó khăn hơn khi trường chỉ có 3 biên chế giáo viên nhưng phải phụ trách 12 lớp.

Cô Dương Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Lan cho biết: “Khó khăn lớn nhất của trường hiện nay là có đến 4 phân hiệu, trong khi giáo viên lại thiếu quá nhiều. Theo quy định, trường hiện thiếu 21 giáo viên đứng lớp. Tuy nhiên, trường cũng không dám mơ đến việc đủ 2 giáo viên/lớp mà chỉ mong được bố trí đủ 1 giáo viên/lớp. Không có giáo viên nên đầu năm học, trường sẽ phải huy động hết nhân lực kể cả cán bộ quản lý, nhân viên đều phải đứng lớp trông trẻ nhằm cầm cự, đợi điều động thêm giáo viên về. Hiện số trẻ trên địa bàn do trường quản lý chưa được đến trường vẫn còn khoảng trên 200 cháu, chủ yếu trẻ 3 tuổi".

Cô Dương Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Lan nói về khó khăn trong tổ chức lớp học do thiếu giáo viên:

http://admin.baodaknong.org.vn/database/video/20190819033129TD-1.mp3

ADQuảng cáo

Trường mầm non Sơn Ca ở xã Quảng Sơn hiện cũng thiếu 13 giáo viên và 4 phòng học. Cô Trần Thị Sâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Vừa thiếu giáo viên, vừa thiếu cơ sở vật chất nên trường rất khó khăn. Bây giờ nếu mà cho các cháu được đến trường để bảo đảm quyền lợi thì không có cơ sở vật chất, giáo viên, buộc phải gộp lớp nên bình quân cũng phải 40 đến 50 em/lớp. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến phần chất lượng và quản lý học sinh. Đây là hai khó khăn kéo dài nhiều năm nay của trường”.

Cô Trần Thị Sâm, Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca ở xã Quảng Sơn nói về những khó khăn khi trường vừa thiếu giáo viên, vừa thiếu cơ sở vật chất:

http://admin.baodaknong.org.vn/database/video/20190819033142TD-2.mp3

Theo thống kê của Phòng GD-ĐT huyện Đắk Glong, toàn huyện hiện thiếu 450 giáo viên từ bậc mầm non đến THCS. Trong đó, bậc mầm non thiếu nhiều nhất với hơn 306 giáo viên, bậc tiểu học thiếu 88 giáo viên và bậc THCS thiếu 46 giáo viên.

Trưởng Phòng GD-ĐT huyện cho biết, hiện nay địa phương đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng mới thêm 80 phòng học các cấp nên áp lực thiếu phòng học sẽ giảm hơn. Tuy nhiên, nan giải nhất là tình trạng thiếu giáo viên.

Toàn huyện Đắk Glong hiện thiếu 450 giáo viên từ bậc mầm non đến THCS. Biểu đồ: Việt Dũng

Với bậc học mầm non, dự kiến từ nguồn biên chế Bộ Nội vụ cấp, huyện sẽ được tăng cường một lượng giáo viên, nhưng khả năng cũng không thể đáp ứng được. Đối với bậc tiểu học tăng gần 700 học sinh, phòng có giải pháp bố trí những trường có lớp 1, lớp 2. Đối với những trường ở vùng dân cư có điều kiện khá giả thì huy động xã hội hóa. Sau khi xã hội hóa được, số giáo viên dôi dư sẽ tăng cường cho các trường đang thiếu giáo viên ở vùng khó khăn hơn.

Đối với bậc THCS tăng trên 600 học sinh, giải pháp hiện nay có thể thực hiện là "dạy kê, dạy gác". Tuy nhiên, hiện huyện vẫn còn nợ số tiền "dạy kê, dạy gác" của giáo viên lên đến 3 tỷ đồng.

Ông Đoàn Văn Phương, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện nói về giải pháp của địa phương trước thực tế thiếu giáo viên:

http://admin.baodaknong.org.vn/database/video/20190819033157TD-3.mp3

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Glong: Học sinh tăng cao và áp lực thiếu giáo viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO