Đắk Glong, giáo viên, nhân viên các trường mầm non tư thục rất cần được hỗ trợ theo chủ trương chung

Ngọc Dũng| 05/05/2020 08:57

Do nghỉ học phòng, chống dịch Covid-19, nhiều lao động là giáo viên, nhân viên tại các trường tư thục, cũng như nhân viên tại các cơ sở mầm non công lập trên địa bàn huyện Đắk Glong mất việc làm, không được hưởng lương, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, rất cần được hỗ trợ theo chủ trương chung của Chính phủ.

ADQuảng cáo

Vay cà phê non

Chị Lương Thị Dũng ở thôn 1, xã Quảng Khê đã có thâm niên làm cấp dưỡng tại Trường mầm non Hoa Hồng. Lâu nay, với lương tháng hơn 3 triệu đồng cũng giúp chị trang trải được cuộc sống của gia đình. Nhưng từ ngày trường nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, chị Dũng không có lương nên cuộc sống gia đình trở nên khó khăn hơn. Chồng chị làm việc bán chuyên trách ở xã thu nhập không là bao, hai con cũng đang tuổi ăn tuổi lớn.

Dù trường nghỉ học, không được nhận lương nhưng chị Vi và chị Dũng vẫn thường xuyên lên trường dọn dẹp bếp ăn

Chị Dũng tâm sự: “Tôi cũng muốn đi tìm một công việc tạm thời nào đó để làm nhưng do các hàng quán đều đóng cửa theo quy định nên đành chịu. Để các con có cái ăn hàng ngày, tôi buộc phải đi vay tiền để chi tiêu những khoản cần thiết. Thực phẩm thì cứ đi ký nợ ở các hàng quán của người quen cho đến nay”.

Không riêng chị Dũng, Trường mầm non Hoa Hồng còn có thêm hai cấp dưỡng nữa cũng trong hoàn cảnh khó khăn tương tự. Chị Vi Thị Hoa ở thôn 2 vì không có lương trong thời gian nghỉ việc nên cuộc sống của gia đình rất khó khăn. Chị Vi cho biết: “Từ 2 tháng nay tôi buộc phải đi vay cà phê non ở đại lý để chi tiêu thiết yếu cho gia đình. Vay mỗi tạ như vậy tương đương khoảng 2,2 triệu đồng nhưng sau này phải trả lên đến hơn 3 triệu đồng/tạ. Biết là lỗ nhiều nhưng tôi buộc phải vay như vậy”.

"Gồng mình" đến giữa tháng 2 thì không còn đủ sức nữa

Trường mầm non tư thục Hồng Phúc ở xã Quảng Khê, để duy trì hoạt động, có 26 giáo viên và nhân viên. Chị Nguyễn Thị Hương là nhân viên cấp dưỡng đã chịu nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình khi trường tạm dừng hoạt động.

Chị Hương chia sẻ: “Bố hiện nay đã già, người cháu hiện đang bị bệnh ung thư nên bình thường khi nhận lương, tôi dùng để gửi nuôi bố và điều trị cho cháu. Từ khi không có lương, tôi cũng không biết phải làm sao vì xin việc thời điểm dịch bệnh là rất khó khăn. Tôi chỉ mong đại dịch đi qua để có thể đi làm”.

ADQuảng cáo

Trường mầm non tư thục Hồng Phúc tạm nghỉ phòng, chống dịch bệnh, nên hàng chục giáo viên, nhân viên không có lương

Các giáo viên, nhân viên khác của trường cũng đang trong cảnh ngộ khó khăn. Cô Hoàng Thị Diễm Kiều, Hiệu phó Trường mầm non tư thục Hồng Phúc chia sẻ: “Biết là nhân viên, giáo viên gặp khó khăn, trường cũng đã cố gắng hỗ trợ phần nào cho mọi người nhưng "gồng mình" đến giữa tháng 2 thì không còn đủ sức nữa, đành để mọi người tự khắc phục. Tôi rất mong sẽ có một chính sách nào đó hỗ trợ, giúp những giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục tư thục trang trải bớt khó khăn để tiếp tục cống hiến”.

Cách hiểu về chủ trương còn khác nhau

Qua ghi nhận, tại 7 huyện, thành phố khác đã từng bước hoàn thành các công đoạn đề xuất hỗ trợ cho người lao động ở các cơ sở giáo dục tạm thời không được nhận lương trong thời gian nghỉ phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, tại huyện Đắk Glong hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc.

Chị Hương vẫn thường xuyên lên vệ sinh trường, lớp, mong ngày trẻ được đi học trở lại

Theo ông Đoàn Văn Phương, Trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Đắk Glong, toàn huyện hiện có hàng trăm lao động tại các cơ sở giáo dục không có lương do trường nghỉ học; trong đó, riêng các cơ sở giáo dục tư thục có 69 giáo viên, nhân viên. Hiện nay, các trường đã lập danh sách lao động cần được hỗ trợ lên UBND các xã đề xuất được hỗ trợ. Tuy nhiên, do cách hiểu về Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 còn có sự khác nhau, sai lệch nên hồ sơ hiện vẫn đang còn vướng lại ở các xã, chưa đề xuất lên Phòng Lao động, Thương binh-Xã hội huyện. Các đơn vị liên quan cho rằng, do những lao động trên không làm việc tại các doanh nghiệp.

Ông Phương cũng đề xuất, trước tình hình đó, các đơn vị liên quan nghiên cứu kỹ các văn bản, nhất là Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn việc thực hiện Nghị quyết 42. Thực tế, các trường tư thục đã đóng góp rất lớn cho huyện trong việc giảm tải về cơ sở vật chất và tình trạng thiếu giáo viên. Vì vậy, phòng rất mong các cấp liên quan quan tâm, nghiên cứu, hỗ trợ cho người lao động không có thu nhập trong thời gian nghỉ phòng, chống dịch bệnh tại các trường học trên địa bàn.

Tại điều 5, Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn triển khai NQ 42 nêu rõ: “Người lao động được hỗ trợ kinh phí khi có đủ các điều kiện sau đây: có giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trước thời điểm ngày 01 tháng 4 năm 2020 và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 đến hết ngày 15 tháng 6 năm 2020 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định; không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ”.

Tuy nhiên, hơn 100 lao động hợp đồng của các trường công lập và tư thục gồm giáo viên, bảo mẫu, nhà bếp...của huyện Đắk Glong lại không được Phòng LĐTB và XH huyện Đắk Glong xếp vào diện được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ vì không làm việc trong các doanh nghiệp.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Glong, giáo viên, nhân viên các trường mầm non tư thục rất cần được hỗ trợ theo chủ trương chung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO