Cô giáo vùng sâu yêu nghề mến trẻ

Nguyễn Hiền| 20/11/2020 08:59

Với tấm lòng yêu nghề mến trẻ, cô giáo Lý Thị Say, Trường mầm non Hoa Lan ở xã Đắk R’măng (Đắk Glong) nhiều năm nay luôn tích cực đổi mới phương pháp dạy học phù hợp, với mong muốn giúp trẻ ngày càng tiến bộ hơn.

ADQuảng cáo

Phải nói nhiều hơn, làm việc gần như gấp đôi

"Việc tích cực đổi mới phương pháp dạy học là điều cần thiết nhưng phải phù hợp với đặc điểm của trẻ mới là quan trọng", đó là quan niệm của cô Lý Thị Say trong suốt những năm gắn bó với nghề "gõ đầu trẻ". Trường có gần như 100% trẻ dân tộc thiểu số, chủ yếu là con em người Mông.

100% trẻ ở lớp do cô Lý Thị Say chủ nhiệm đều chưa được học qua lớp mầm, chồi, nên rất khó khăn khi học lớp 5 tuổi

Lợi thế lớn nhất của cô Thị Say là nói được tiếng Mông nên có thể giúp trẻ tiếp cận tiếng phổ thông thuận lợi hơn những giáo viên khác. Đây cũng là lý do vì sao cô giáo luôn được trường tín nhiệm, giao phụ trách những lớp “khó nhằn”, vì phần lớn trẻ giao tiếp bằng tiếng phổ thông còn yếu, thậm chí là không biết.

Vào lớp cô Say, chúng tôi ngạc nhiên khi trẻ lớp Lá (5 tuổi) nhưng phản ứng chỉ như trẻ lớp mầm, lớp chồi. Lý giải điều này, cô Say cho biết, bây giờ trẻ biết nghe lời cô giáo khi thực hiện các hoạt động như thế này là đã tiến bộ rất nhiều. Bởi vì, tất cả trẻ trong lớp đều không được học trước khi 3 và 4 tuổi do thiếu giáo viên.

Vì vậy, đầu năm học, cô Thị Say đã phải rất vất vả để có thể vừa dạy những kiến thức của trẻ 3-4 tuổi vừa bắt kịp chương trình của trẻ 5 tuổi. Mặc dù bản thân đã được học, tập huấn rất nhiều phương pháp đổi mới nhưng giáo viên ít khi vận dụng hết được trong thực tế, nên chịu nhiều thiệt thòi.

Trẻ nhút nhát, nên cô Lý Thị Say phải mất nhiều thời gian để giúp các em làm quen với nền nếp khi đến trường

Cô Thị Say tâm sự: “Khi mới nhận lớp, cô giáo nói tiếng phổ thông, trẻ gần như không hiểu gì, cứ ngồi yên không làm theo hướng dẫn, nên cô phải giải thích lại bằng tiếng Mông. Dần dần qua quá trình dạy, cô giáo giảm dần tiếng Mông để tăng cường Tiếng Việt cho trẻ, thuận lợi cho các em học các lớp về sau. Hầu hết các tiết học vì vậy mà kéo dài hơn bình thường.

ADQuảng cáo

Cô giáo phải nói nhiều hơn, làm việc gần như gấp đôi. Nếu như có 2 giáo viên/lớp thì sẽ đỡ hơn nhưng hiện chỉ có 1 giáo viên/lớp nên gần như ngày nào đi dạy về cũng rất mệt. Những ngày đầu năm học gần như ngày nào tôi cũng bị mất giọng”.

Trẻ lớp 5 tuổi nhưng phải lồng ghép dạy cả lớp 3-4 tuổi vì các em chưa được đi học

Luôn nhắc nhở bản thân phải cố gắng nhiều hơn

Cô giáo Lý Thị Say sinh năm 1995. Những ngày đầu nhận công tác cách đây 5 năm, cô Say đã tình nguyện vào điểm trường cách điểm chính gần 10 km để dạy, cứ sáng đi tối về trên những con đường gập ghềnh núi đá. Vì gia đình khó khăn, chồng đi xuất khẩu lao động nhiều năm nay, khi sinh con nhỏ, cô Say được chuyển về điểm trường chính hiện nay, có thêm nhiều thời gian hơn cho việc đầu tư bài giảng.

Cô Say tâm sự: "Nhiều khi dạy trẻ không hiểu cũng buồn lắm, nhưng nghĩ nếu mình không giúp tận tình thì không biết rồi các lớp sau, các cháu phải học thế nào với chương trình ngày càng nặng hơn. Trong các tiết dạy, mình chỉ mong tất cả các cháu đều có thể giao tiếp giỏi tiếng phổ thông, nắm được khoảng 50% kiến thức được truyền dạy cũng đã vui lắm rồi. Trẻ ở đây hầu hết con em gia đình khó khăn, trường chưa thể tổ chức bán trú, nhiều em nhà ở xa nên thường hay mang cơm trắng đi học. Thấy các cháu vất vả để được đến trường, mình luôn nhắc nhở bản thân phải cố gắng nhiều hơn”.  

Việc thân thiện, gần gũi và hiểu được tâm lý là cách cô Lý Thị Say giúp các em phát huy tính tích cực, giảm được sự nhút nhát

Qua câu chuyện, cô Say cho biết, điều kiện giáo viên và học sinh của trường còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, so với nhiều đồng nghiệp ở các điểm trường xa, cô giáo cảm thấy bản thân cũng may mắn lắm rồi. Đã gắn bó với nghề giáo, ai cũng cố gắng sắp xếp cuộc sống riêng tư để có thể hoàn thành tốt nhất vai trò của mình, giúp trẻ sau này biết chữ mới có cơ hội thay đổi cuộc sống. Có người phải dậy sớm đi dạy từ 4-5 giờ sáng nhưng vẫn rất nhiệt tâm, khiến cô Say càng thêm động lực, tin tưởng và yêu nghề hơn.

Cô Hà Thị Biến, Hiệu phó Trường mầm non Hoa Lan cho biết: “Cô Lý Thị Say là một trong những giáo viên trẻ, nhiệt huyết và có những phương pháp giảng dạy phù hợp với đặc thù trẻ trên địa bàn. Sự tiến bộ vượt bậc của trẻ ở các lớp do cô giáo Say phụ trách chính là thước đo về sự tận tâm và trách nhiệm. Các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số thật sự rất cần những giáo viên trẻ tâm huyết như cô Say”. 

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cô giáo vùng sâu yêu nghề mến trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO