Các trường học nỗ lực nghiên cứu chọn bộ sách lớp 1 phù hợp

Nguyễn Hiền| 11/03/2020 08:41

Từ năm học 2020-2021, ngành Giáo dục bắt đầu triển khai áp dụng chương trình mới, sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, THCS, THPT. Các nhà trường, giáo viên được giao chủ động trong việc lựa chọn 1 bộ sách giáo khoa phù hợp trong số 5 bộ sách do Bộ Giáo dục-Đào tạo đã chọn, bắt đầu từ sách giáo khoa lớp 1, nhằm áp dụng trong năm học 2020-2021.

ADQuảng cáo

Sách phải được chọn theo các tiêu chí

Hiện nay, các trường trên địa bàn tỉnh đang tổ chức cho cán bộ, giáo viên đọc và nghiên cứu cả 5 bộ sách giáo khoa. Để giúp các cơ sở giáo dục thuận lợi hơn, UBND tỉnh đã ban hành bộ tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa làm cơ sở cho các trường nghiên cứu, hướng đến chọn một bộ sách phù hợp nhất.

Giáo viên Trường tiểu học Phan Đình Phùng ở xã Đắk N'drót (Đắk Mil) nghiên cứu các bộ sách lớp 1

Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu bộ sách giáo khoa được chọn phải phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội của địa phương và phù hợp với giáo dục truyền thống, lý tưởng, đạo đức lối sống để học sinh thấm nhuần, tự hào với văn hóa, truyền thống. Sách có kiến thức hiện đại, hội nhập khu vực và quốc tế, có giá trị liên hệ thực tiễn đến đời sống hàng ngày, môi trường xung quanh học sinh. Sách cần phù hợp với phong tục, tập quán, lối sống, văn hóa người Việt Nam; trong đó chú trọng đến phong tục, tập quán, lối sống, văn hóa của địa phương.

Sách phải đáp ứng được định hướng phát triển giáo dục, văn hóa và đào tạo của tỉnh, hướng đến đào tạo nguồn nhân lực phổ thông chất lượng cao. Sách phải khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học, phát huy tính tích cực, chủ động học tập, hình thành kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, gợi mở, tạo cơ hội cho học sinh trải nghiệm, phát huy tối đa khả năng sáng tạo, chiếm lĩnh kiến thức, vận dụng kiến thức vào cuộc sống.

Bộ tiêu chí cũng nêu rõ, sách giáo khoa được chọn phải phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, sách được chọn phải phù hợp với các yếu tố phục vụ cho giáo dục như cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, phục vụ mục tiêu giáo dục tại địa phương. Sách cần phù hợp với thiết bị dạy học của các cơ sở giáo dục, đáp ứng tốt và phát huy thế mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông, về vị trí địa lý, môi trường cũng như yếu tố lịch sử của địa phương trong tổ chức các hoạt động giáo dục.

ADQuảng cáo

Sách được chọn phải bảo đảm đa dạng loại hình hoạt động, tạo điều kiện khuyến khích cán bộ quản lý và giáo viên tâm huyết, năng động, sáng tạo, được phát huy năng lực, sở trường, tổ chức dạy học theo định hướng phát huy phẩm chất và năng lực của học sinh.

Bộ tiêu chí cũng nhấn mạnh, sách cần đáp ứng tích cực và có tính mở trong đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp giảng dạy, học tập, kiểm tra và đánh giá hướng đến giáo dục thông minh, xây dựng xã hội học tập. Cấu trúc, nội dung sách có tính mở, tạo cơ hội để nhà trường, tổ nhóm chuyên môn và giáo viên bổ sung những nội dung và hoạt động đặc thù thích hợp, sát với thực tế địa phương.

Chọn sách phải bảo đảm công khai, minh bạch

Theo thông tư hướng dẫn chọn sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT ban hành, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông, cụ thể là hiệu trưởng phải thành lập hội đồng chọn sách giáo khoa. Thành viên hội đồng tối thiểu phải có 11 người bao gồm đủ các thành phần như: người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động có sách giáo khoa được lựa chọn, ban đại diện cha mẹ học sinh. Đối với cơ sở giáo dục phổ thông có quy mô dưới 10 lớp yêu cầu số lượng thành viên hội đồng tối thiểu là 7 người.

Khi được cấp phát các bộ sách giáo khoa, tổ chuyên môn các trường sẽ nghiên cứu sách, đánh giá dựa vào các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa do UBND tỉnh ban hành. Mỗi giáo viên trong tổ sẽ bỏ phiếu chọn ra một sách giáo khoa của môn mình phụ trách. Tiếp đó, tổ sẽ tập hợp danh mục chọn sách của giáo viên từ cao đến thấp. Trên cơ sở đó, hội đồng chọn sách sẽ đánh giá và bỏ phiếu lựa chọn. Sách được hội đồng lựa chọn phải bảo đảm có ½ số thành viên bỏ phiếu đồng ý lựa chọn. Trường hợp nếu không bảo đảm ½ số phiếu đồng ý, hội đồng sẽ quyết định sách có tỷ lệ phiếu cao nhất do tổ chuyên môn đã lựa chọn.

Sau khi lựa chọn xong, hội đồng sẽ đề xuất với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục sách giáo khoa đã được lựa chọn. Trên cơ sở đó, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông sẽ quyết định danh mục sách giáo khoa sử dụng trong cơ sở giáo dục của mình.

Theo ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, hiện nay các nhà trường đã và đang triển khai cho cán bộ, giáo viên đọc và nghiên cứu cả 5 bộ sách. Để bảo đảm việc chọn sách giáo khoa phù hợp và hiệu quả, ngoài việc ban hành các tiêu chí để các nhà trường làm cơ sở lựa chọn, ngành Giáo dục cũng đã tổ chức các lớp tập huấn liên quan việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ thành lập ban tư vấn nhằm phân tích các bộ sách một cách chi tiết, hỗ trợ các cơ sở giáo dục tham khảo và chọn bộ sách phù hợp nhất. Các trường cũng được quán triệt khi chọn sách giáo khoa phải thực hiện công khai, minh bạch, chú trọng lấy ý kiến từ giáo viên.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các trường học nỗ lực nghiên cứu chọn bộ sách lớp 1 phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO