Khu đô thị mới Đắk Nia cần “giấy khai sinh”

Lan Hương| 11/10/2018 09:39

Do chưa có “Giấy khai sinh”, chưa bàn giao cho địa phương quản lý đã ảnh hưởng đến việc quản lý nhà nước hoặc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển khu đô thị về thương mại, dịch vụ, vui chơi, giải trí, bảo vệ, khai thác các khu vực hồ sinh thái...

ADQuảng cáo

Một góc khu tái định cư Đắk Nia (Gia Nghĩa). Ảnh: Đức Diệu

Sau gần 15 năm thành lập, hiện đô thị Gia Nghĩa hình thành 4 khu dân cư tập trung hay nói cụ thể hơn là khu tái định cư dành cho cán bộ, viên chức điều động từ Đắk Lắk sang và người dân ở Gia Nghĩa có đất giải tỏa phục vụ xây dựng công trình công cộng. Đó là các khu tái định cư Đắk Nia, Đắk Nur, 23 ha, Sùng Đức.

Trong 4 khu vừa kể thì Khu đô thị mới Đắk Nia (đô thị Đắk Nia) thuộc phường Nghĩa Trung và Nghĩa Đức có quy mô lớn (hơn 70 ha), là khu đầu tiên được đầu tư bài bản, với kỳ vọng sẽ là khu đô thị kiểu mẫu, đồng bộ về hạ tầng, thiết kế nhà vườn của Gia Nghĩa. Do vậy, trong điều kiện của một tỉnh còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm thấp, tỉnh rất quyết tâm làm và đã vay Trung ương khoảng 130 tỷ đồng để đầu tư xây dựng.

Thực tế thì quy hoạch các phân khu chức năng, công cộng hạ tầng...đã đáp ứng được kỳ vọng cũng như mong muốn. Cụ thể 70 ha, tương đương quy mô 1 phường, có 2 trường học (mẫu giáo và tiểu học), chợ, hoa viên cây xanh, hồ sinh thái... Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng đã gặp nhiều khó khăn vì các nguyên nhân khác nhau nên khu đô thị Đắk Nia đã không còn như thiết kế, quy hoạch ban đầu. Điều đáng nói đã 12 năm (2006) từ khi khu đô thị Đắk Nia bắt đầu cấp đất đưa vào sử dụng, đến nay nó vẫn chưa được quyết toán và chủ đầu tư vẫn là Sở Xây dựng. Điều này có nghĩa nó vẫn chưa có “Giấy khai sinh”, chưa trở thành “công dân chính thức”, nên việc đầu tư, vận hành chắp vá; quản lý nhà nước bị bỏ ngỏ.

ADQuảng cáo

Thời gian qua tỷ lệ xây nhà ở, lấp đầy khu đô thị diễn ra khá nhanh, mật độ nhà ở các con đường đông đúc. Tuy nhiên, việc quản lý xây dựng chưa được chú trọng, còn diễn ra tình trạng xây nhà không phép, không ít trường hợp nhà dân thải nước sinh hoạt ra cống chính xuống hồ, gây hôi thối, mất vệ sinh. Về lâu dài, nếu không được quản lý bài bản thì hệ lụy cho việc khắc phục hậu quả về môi trường là điều dễ nhìn thấy.

Đáng tiếc cho đô thị mới Đắk Nia vì “đẻ sau” rút được nhiều kinh nghiệm ở các đô thị khác, việc làm đường sá rộng rãi, có vỉa hè, cây xanh ở các trục đường chính được chừa lại hơn 5 m, các trục đường khác từ 3 – 4 m nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư vỉa hè; cây xanh thì mạnh nhà nào nhà ấy trồng, một vài lần tổ dân phố, phường phát động trồng theo phong trào nhưng không được chăm sóc nên tỷ lệ sống không bao nhiêu. Do vậy, cây xanh cho một khu đô thị mới vẫn còn khá lộn xộn, chưa có nét đặc trưng riêng. Riêng điện chiếu sáng thì thị xã huy động được một ít kinh phí đầu tư cho một số trục đường chính mấy năm qua, nhưng cũng không đúng quy cách, mượn cây trụ điện để gắn nên không đẹp, văn minh lắm.

Điều đáng ngại là các thiết chế về văn hóa, thể thao... khu đô thị Đắk Nia không được quan tâm, các diện tích đất dành cho hoa viên, cây xanh, văn hóa, thể thao nay đã không còn. Do vậy, thiếu chỗ vui chơi, sinh hoạt, vào các buổi chiều cả người lớn, đặc biệt là trẻ em đổ ra các ngả đường chơi thể thao như đá bóng, cầu lồng... rất nguy hiểm về an toàn giao thông, tính mạng.

Trong điều kiện ngân sách tỉnh khó khăn, nhiều việc cần ưu tiên đầu tư, trong khi thu tiền sử dụng đất không bù được kinh phí đầu tư (do ưu đãi chính sách tái định cư cho cán bộ, người dân), qua nhiều hội nghị, kiến nghị, người dân đã hiểu, chia sẻ với địa phương, tỉnh. Song, họ rất mong chủ đầu tư tham mưu với tỉnh giải quyết rốt ráo các tồn đọng, hoàn thành quyết toán, bàn giao để Khu đô thị mới Đắk Nia thật sự “có tên, có tuổi”. Có như vậy công tác quản lý nhà nước về mọi mặt, huy động các nguồn lực đầu tư đầu tư bài bản cho một đô thị đã được định hình theo quy hoạch mới thật sự phát huy, hiệu quả.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khu đô thị mới Đắk Nia cần “giấy khai sinh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO