Đời sống

Tiến sỹ bỏ phố lên Đắk Nông làm nông nghiệp 

Thanh Hằng 11/08/2022 08:08

Khi đang là phó hiệu trưởng của một trường cao đẳng, chị Võ Thị Mỹ Liên xin tạm dừng công việc để đến Đắk Nông thực hiện đam mê của bản thân.

bai-nu-tien-si.png

Rời bàn giấy, rời giảng đường và bắt tay vào chăm sóc những mảnh vườn trồng cây công nghiệp, cây ăn trái, nữ tiến sĩ gốc Tây Ninh nuôi dưỡng một ước mơ, biến mảnh đất cằn cỗi, đồi dốc tại xã Đắk Som (Đắk Glong) trở thành một cơ sở thực hành du lịch gắn với phát triển nông nghiệp hữu cơ, tạo dấu ấn với du khách khi tới thăm tỉnh Đắk Nông.

tit-phu-1-3525x597.jpeg

Tiến sĩ Võ Thị Mỹ Liên, sinh năm 1978, tại Tây Ninh, từng là Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh. Khi công việc đang thuận lợi, Tiến sĩ Liên xin tạm nghỉ rồi một mình đến Đắk Nông để trở thành một nông dân thực thụ.

Có người nói rằng, đó là quyết định liều lĩnh đối với một người phụ nữ, nhưng đối với chị, quyết định ấy đã mở ra nhiều điều mới mẻ trong cuộc đời và hơn cả, nó giúp chị thực hiện được đam mê của bản thân.

Gặp chị Liên trong một buổi chiều mùa mưa khi đang tự tay điều khiển chiếc xe máy cày cồng kềnh, phóng viên không ngờ rằng chị đã từng là một nữ giảng viên, một nhà quản lý của một trường cao đẳng.

Chị Liên tâm sự, sinh ra trong một gia đình thuần nông tại Tây Ninh nhưng cả 8 anh chị em trong nhà đều được bố mẹ tạo điều kiện cho đi học. 5 người con, trong đó có cả chị Liên trưởng thành từ trường Đại học Kinh tế TP.HCM, nhưng có lẽ chỉ có mình chị Liên chọn một “ngã rẽ khác biệt”.

hinh-10.jpg
Người phụ nữ đang tự tay điều khiển chiếc xe máy cày cồng kềnh là Tiến sĩ Võ Thị Mỹ Liên.

Bố mẹ tôi đều làm nông nên từ nhỏ gia đình tôi đã thấu hiểu được những vất vả của công việc này. Anh chị em tôi đều được bố mẹ cho đi học, đi làm và trở thành công chức, viên chức. Bản thân tôi được tạo điều kiện hơn, có thời gian du học ở nước ngoài rồi về nước làm công tác quản lý trong ngành giáo dục, thậm chí, tôi đã có khoảng 5 năm làm công tác lãnh đạo nên nên đời sống không đến nỗi quá khó khăn”, chị Liên chia sẻ.

Tháng 6/2020, có lẽ là mốc thời gian đánh dấu sự thay đổi trong cuộc đời của người phụ nữ này. Thời điểm đó, khi dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều địa phương, chị Liên tạm gác công việc của mình, một mình tìm về mảnh đất Đắk Nông, vừa để “tránh dịch”, vừa để nghỉ ngơi sau những ngày tháng miệt mài với công việc.

hinh-2.jpg

Chỉ 3 tháng sau đó, chị Liên quyết định gắn bó lâu dài với mảnh đất phía nam Tây Nguyên khi mua khoảng 20 ha đất sản xuất của người dân, bắt tay vào thực hiện ước mơ đã ấp ủ nhiều năm qua.

Và sương, gió cùng những quả đồi dốc của Đắk Nông đã giúp người phụ nữ này cứng cáp, lăn xả vào những công việc nặng nhọc, “khó nhằn” của nghề nông.

Tôi mua đất của người dân, một phần đất đã trồng sẵn cây ăn quả, cà phê, hồ tiêu, một phần là đất trống. Thú thật, thời gian đầu khi một mình phải quản lý diện tích đất lớn như vậy, tôi đã có ý định từ bỏ vì mệt và loay hoay định hướng. Tuy nhiên, bao nhiêu vốn liếng, nhiệt huyết đã dồn hết vào đây, tôi quyết bám trụ. Cái mới, bao giờ cũng là thách thức đối với những người như tôi”, chị Liên nhớ lại.

hinh-4.jpg
Tháng 9/2020, chị Liên thực hiện đam mê của mình tại mảnh đất Đắk Nông.
tit-phu-2-3525x597.jpeg

Bắt tay vào làm nông nghiệp, tất nhiên sẽ có những bỡ ngỡ ban đầu. Đối với những diện tích đất trống, chị Liên trồng chanh dây và tre bốn mùa theo phương pháp hữu cơ, đồng thời từng bước hạn chế sản phẩm vô cơ, hóa học đối với những vườn cây có sẵn.

Hiện nay vườn cà phê, hồ tiêu, sầu riêng mà tôi mua lại của người dân, tôi từng bước giảm sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, thay vào đó, tôi sử dụng những chế phẩm sinh học được đặt mua từ Lâm Đồng. Thời gian đầu, có thể sản phẩm tạo ra không năng suất như những vườn cây khác, thế nhưng về lâu dài, sản phẩm hữu cơ cho mẫu mã đẹp và hiệu quả bền vững”, chị Liên cho hay.

hinh-5.jpg
Nữ tiến sĩ ấp ủ xây dựng một cơ sở thực hành du lịch tại Đắk Som.

Tuy nhiên, nói thì dễ, nhưng khi tận tay thực hiện, chị Liên mới cảm nhận hết sự vất vả, nhọc nhằn của con đường mình đang theo đuổi.

hinh-8.jpg
Về lâu dài, sản phẩm hữu cơ cho mẫu mã đẹp và hiệu quả bền vững.

Khác hẳn với công việc bàn giấy hay những cuộc gặp mặt đối tác trong phòng kín, máy lạnh, làm nông nghiệp buộc chị Liên phải cứng cáp, bản lĩnh hơn. Cuốc đất, trồng cây, tưới rau, bón phân, thậm chí là lái máy cày, máy múc... chị Liên đều phải dấn thân vào.

Nữ tiến sĩ chia sẻ: “Làm nông nghiệp, nhất là nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi nông dân phải chịu khó và cẩn thận hơn rất nhiều. Thay vì phun thuốc diệt cỏ, chúng tôi sử dụng máy cắt để dọn dẹp vườn; thay vì phun thuốc diệt côn trùng, địch hại, chúng tôi sử dụng các chế phẩm sinh học… Một ngày làm việc của tôi thường bắt đầu từ 7h sáng cho đến 17h chiều, có khi muộn hơn, nhưng bù lại đó là tôi được thỏa mãn niềm đam mê của mình”.

hinh-3.jpg
Làm nông nghiệp buộc chị Liên phải cứng cáp, bản lĩnh hơn.

Nói thêm về những khó khăn mà mình đã trải qua khi làm nông nghiệp hữu cơ, chị Liên bảo rằng: “Băn khoăn cũng là trăn trở lớn nhất của tôi hiện nay đó là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm của mình, bởi trong thời gian tới, tôi còn phát triển sản phẩm rau xanh hữu cơ. Chính vì thế, tôi định hướng phát triển nông nghiệp xanh đồng hành cùng du lịch lữ hành”.

tit-phu-3-3525x597.jpeg

Tự hào giới thiệu về những dự án sắp tới của mình, chị Liên kể, máu làm ăn vốn đã hình thành từ lâu trong con người chị. Năm 2003, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, chị Liên một mình sang Campuchia để học với ý định xin vào làm ở cửa khẩu.

Thời điểm đó, tôi chỉ suy nghĩ là đi học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Sau 2 năm tôi trở về nước, cơ duyên lại đưa tôi đến với ngành Giáo dục. Từ đó, cho tôi nhiều cơ hội được ra nước ngoài, được tham quan những mô hình hay, những cách làm hiệu quả. Cũng từ đó nhen nhóm lên cho tôi dự án phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái”, chị Liên kể.

Đi nhiều, trải nghiệm nhiều và cũng rút ra được nhiều bài học. Chị Liên cho biết, 

rất nhiều người dân Đắk Nông muốn phát triển du lịch nhưng chưa biết triển khai như thế nào. Đắk Som- nơi có hồ Tà Đùng - được ví như Vịnh Hạ Long của Tây Nguyên- nhưng hầu như vẻ đẹp vẫn chưa được khai phá hết. Một trong những nguyên nhân đó chính là dịch vụ và cơ sở hạ tầng vẫn là điểm yếu.

hinh-1.jpg
Mong ước của chị Liên là xây dựng được dấu ấn để níu chân du khách mỗi khi đến Đắk Nông.

Ở Đắk Som hoặc thậm chí là ở Đắk Glong có rất ít đơn vị cung cấp dịch vụ. Đặc biệt, người dân địa phương chỉ bán những gì mình có chứ không bán những gì du khách cần. Điều đó gây bất tiện cho khách du lịch và cũng là rào cản để níu chân du khách ở lại với địa phương”, chị Liên chia sẻ trên quan điểm của một nhà quản lý trong lĩnh vực du lịch.

Tham vọng cùng với những kinh nghiệm trong quá trình làm việc tại trường Cao đẳng, chị Liên từng bước biến mảnh vườn của mình thành một cơ sở thực hành du lịch, cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch.

cuoi.gif
Chị Liên đang trồng khoảng 10ha tre bốn mùa tại xã Đắk Som để hiện thực hóa dự án.

Khi tôi đặt chân đến đây, tôi dự định xây dựng một cơ sở thực hành du lịch khách sạn để sinh viên của tôi có thể lên đây thực hành. Cùng với đó, tôi muốn xây dựng mô hình farmstay, du lịch sinh thái, để du khách trải nghiệm thực tế hoạt động sản xuất nông nghiệp, tự tay thu hoạch những sản phẩm hữu cơ để phục vụ bữa ăn hàng ngày. Những dự định, khát vọng cứ lớn dần, đến nay sau 2 năm đã có những tín hiệu tích cực”, nữ tiến sĩ nói và cho biết, chị đang trồng khoảng 10 ha tre bốn mùa tại xã Đắk Som để hiện thực hóa dự án này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiến sỹ bỏ phố lên Đắk Nông làm nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO