Văn hóa từ chức

Vũ Hà| 10/04/2018 09:53

Sau vài tháng nổ ra khủng hoảng tài chính châu Á năm 1999 cố Thủ tướng Phan Văn Khải nhậm chức Thủ tướng Chính phủ. Trước “cơn bão khủng hoảng” tài chính chưa từng có, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đương thời đã vững vàng tay lái đưa "con thuyền kinh tế" Việt Nam từng bước vượt qua bão tố và thử thách.

ADQuảng cáo

Gần 2 nhiệm kỳ Thủ tướng Chính phủ, cố Thủ tướng Phan Văn Khải là người đã cống hiến có tính lịch sử cho nền kinh tế Việt Nam với các dấu ấn đặc biệt quan trọng: Trình luật Doanh nghiệp năm 1999 ra trước Quốc hội, giải phóng cho kinh tế tư nhân phát triển; thực thi kinh tế thị trường và kiểm soát độc quyền; thúc đẩy hội nhập quốc tế, thông qua việc trình và thực hiện ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ. Trong thời gian đứng đầu chính phủ của cố Thủ tướng Phan Văn Khải, trừ mấy năm khủng hoảng châu Á, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đều đạt 7 - 8%/năm. Đặc biệt, thời ông làm Thủ tướng không có tình trạng xây dựng tràn lan, không thành lập các tập đoàn kinh tế lớn, bởi ông cho rằng sẽ không kiểm soát được…

Tuy có nhiều đóng góp to lớn cho đất nước và là người hết lòng vì công việc, không hề có những động cơ cá nhân nhưng cố Thủ tướng Phan Văn Khải vẫn xin từ nhiệm. Trước diễn đàn Quốc hội vào tháng 6/2006, ông công khai chân thành nhận lỗi, nhận trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng, trước Quốc hội về những việc chưa tốt. Với trách nhiệm Thủ tướng, ông bày tỏ day dứt về nhiều lĩnh vực điều hành chưa tốt, những tồn tại của bộ máy công quyền và tệ tham nhũng tiêu cực... Ông nhấn mạnh về công tác cán bộ chậm đổi mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến mọi sai lầm trong công tác lãnh đạo. Đặc biệt, về tình trạng tham nhũng, ông cảnh báo: “tôi hết sức day dứt về sự tiếp diễn nghiêm trọng của tệ tham nhũng, cản trở bước tiến của dân tộc ta, đe doạ tồn vong chế độ”. Qua đó, cố Thủ tướng mong muốn đồng chí kế nhiệm sẽ rút ra được bài học từ những cái được và cả những yếu kém của mình...

Việc làm của cố Thủ tướng Phan Văn Khải lúc đó được dư luận đánh giá rất cao, thể hiện nét văn hóa tốt đẹp, tính nhân văn của người cán bộ cách mạng chân chính, khi thấy việc từ nhiệm có lợi cho nước, cho dân thì phải làm ngay. Quyết định từ nhiệm của ông đồng thời cũng là tấm gương, bài học quý giá mãi cho đến tận bây giờ và cả về sau này... Sau cố Thủ tướng Phan Văn Khải có một số quan chức, lãnh đạo xin từ chức. ông Lê Huy Ngọ - Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xin từ chức năm 2004. Ông Trần Đăng Tuấn – Phó Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, xin thôi chức năm 2010. Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An (Quảng Nam) năm 2015 xin được nghỉ hưu sớm dù vẫn còn được tín nhiệm cao…

ADQuảng cáo

Thế nhưng việc từ chức của cán bộ hiện nay vẫn còn rất hiếm hoi và càng không thể có đối với những người chạy chức, chạy quyền... Có người năng lực, trình độ yếu, không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí vi phạm pháp luật còn chạy tội, chạy thành tích để tiếp tục “bám trụ”, “giữ ghế”... Tình trạng nói trên đã gây ra nhiều tiêu cực, hệ lụy trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, nhất là trong công tác cán bộ… Điều đó đã đặt ra một vấn đề cấp thiết về “văn hóa từ chức” ở Việt Nam hiện nay. Cũng xuất phát từ yêu cầu đó, ngày 28/11/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho Bộ Nội vụ chủ trì biên soạn Nghị định về “văn hóa từ chức” được xem như cơ sở pháp lý bắt buộc các lãnh đạo từ chức khi cần thiết…

Việc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ xây dựng nghị định về “văn hóa từ chức” là hoàn toàn đúng đắn và đúng thời điểm với chủ trương cải cách, đổi mới, thiết lập một Chính phủ liêm chính và kiến tạo, Chính phủ hành động vì lợi ích chung của người dân. Từ đó cho thấy những người không đủ năng lực, trình độ hoặc có sai phạm dũng cảm “từ quan” để “nhường chỗ” cho người khác tốt hơn mình. Tuy nhiên, vấn đề mà chúng ta phải xác định là làm sao cho người từ chức không có tư tưởng mặc cảm hoặc bị xã hội kỳ thị vì lý do họ từ chức. Thậm chí cũng cần ghi nhận, đánh giá sự tiến bộ trong văn hóa từ chức của họ.

Người dân luôn mong muốn xây dựng hệ thống các cơ quan công quyền có đầy đủ năng lực, phẩm chất, uy tín để phục vụ, góp phần xây dựng, phát triển đất nước. Nếu trong trường hợp không đáp ứng nhiệm vụ được giao thì nên có "văn hóa từ chức" như các nước phát triển. Tuy nhiên, kể từ ngày Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao cho Bộ Nội vụ chủ trì biên soạn nghị định về “văn hóa từ chức”, đến nay hơn một năm nghị định này vẫn chưa ra đời. Đây là một nghị định, một chế tài rất quan trọng, muộn còn hơn không và chúng ta đang chờ đợi...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa từ chức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO