Trao “cần câu” và chỉ “cách câu”

Bình Minh| 11/12/2018 08:58

Thời gian qua, nhiều phong trào giúp đỡ người nghèo đang được tổ chức hiệu quả như "Cả nước chung tay giúp đỡ người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" hay "Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo"...

ADQuảng cáo

Ngoài các chương trình vận động của Mặt trận Tổ quốc, hội chữ thập đỏ các cấp thì gần đây trên địa bàn tỉnh xuất hiện rất nhiều câu lạc bộ, nhóm thiện nguyện tự phát đã ra đời quy tụ đủ các tầng lớp trong xã hội để triển khai các hoạt động tình nguyện. Đây là những việc làm đáng trân trọng, biểu dương góp phần chia sẻ khó khăn đối với nhiều mảnh đời bất hạnh. Một số hoạt động hỗ trợ cũng đã phát huy hiệu quả đối với đời sống của người dân.

Thế nhưng, qua giám sát, đánh giá của đơn vị chức năng cũng cho thấy, ngoài nhiều chương trình, dự án, chính sách trợ giúp hộ nghèo, cận nghèo hiện nay còn dàn trải, chồng chéo, rồi một số chính sách còn mang tính chất cho không, tặng không thì các hoạt động từ thiện còn cho chưa đúng cách đã tạo ra tâm lý trông chờ, ỷ lại, nhất là một bộ phận người dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy mới xuất hiện tình trạng “chạy” hộ nghèo, không muốn thoát nghèo để được hưởng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước và nhận được nhiều quà của các nhà hảo tâm.

ADQuảng cáo

Hiện nay, đời sống của người dân ở nhiều vùng trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn, thiếu thốn và rất cần sự quan tâm, giúp đỡ. Tuy nhiên, việc tự đứng ra tổ chức các hoạt động thiện nguyện cũng cần tìm hiểu kỹ về nỗi khó khăn của những người, những nơi mình sẽ đến giúp đỡ. Tốt nhất nên giúp họ có chiếc "cần câu" và chỉ “cách câu” để họ có thể tự vận động vượt lên chính mình, thoát khỏi khó khăn một cách bền vững thay vì cho "con cá" ăn hết rồi sau đó cái nghèo vẫn còn đó.

Việc hỗ trợ “cần câu” cho đồng bào dân tộc thiểu số là cần thiết nhưng điều quan trọng hơn là phải chỉ cho họ “cách câu”. Theo đó, cần từng bước thay đổi tập quán sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, thay đổi nếp nghĩ, hướng dẫn họ mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh giao khoán rừng, tăng mức hỗ trợ khoán bảo vệ và chăm sóc rừng. Đối với trẻ em thì “cần câu” giá trị nhất là được đến trường học tập để những kiến thức hôm nay sẽ quyết định đến cuộc sống sau này.

Việc trao “cần câu” và chỉ “cách câu” đòi hỏi sự giúp đỡ nhiệt thành và kiên trì của các đơn vị, nhà hảo tâm. Vấn đề quan trọng là giúp người nghèo nâng cao nhận thức, tự bản thân họ nỗ lực vận động thoát nghèo một cách bền vững, chấm dứt tư tưởng trông chờ, ỷ lại, lười lao động.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trao “cần câu” và chỉ “cách câu”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO